Có cần phóng tay nâng điểm?

GD&TĐ - Việc Bộ GD&ĐT chủ trương ra đề thi theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS), cùng với “siết chặt” kỷ luật phòng thi, sẽ cho kết quả phản ánh đúng thực tế chất lượng giáo dục.

Giám thị hướng dẫn thí sinh rà soát lại thông tin để điều chỉnh trong buổi học quy chế thi.
Giám thị hướng dẫn thí sinh rà soát lại thông tin để điều chỉnh trong buổi học quy chế thi.

Điều này sẽ tạo “cú hích” để mỗi nhà trường, giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy - học. 

Thấm nhuần đổi mới trong quy chế

Không quá lo lắng về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT 2021 thấp hay cao, nhiều trường THPT tập trung cho việc nâng cao chất lượng dạy - học bởi việc kiểm tra đánh giá đi vào thực chất. “HS đặt vào tình huống phải học sẽ tự học, vấn đề là nhà trường phải làm sao để các em ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi cũng như những đổi mới trong quy chế thi” – thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ.

Để HS, giáo viên (GV) thấm nhuần những đổi mới trong quy chế thi, nhiều trường học ở Đà Nẵng đã áp dụng hình thức “ba chung” (đề thi chung, ngồi chung và chấm chung) trong tổ chức kiểm tra học kỳ, thậm chí là kiểm tra một tiết cho toàn khối. Theo thầy Phan Hùng, đây là lần tập dượt cho HS quen với cách thức thi cử và cũng là căn cứ để GV điều chỉnh phương pháp giảng dạy cũng như tư vấn cho HS việc chọn trường, chọn nghề. Cái lợi của việc kiểm tra theo hình thức “ba chung”, như thầy Phan Hùng phân tích, ngoài việc hạn chế hiện tượng GV “ép cua” để dạy thêm, dạy kèm còn ở chỗ, mỗi GV đều nắm rất rõ quy chế thi.

“Điều này rất quan trọng bởi kết quả của kỳ thi có phản ánh đúng thực chất hay không, phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ coi thi, chấm thi. Lực lượng này phải “chặt” và “đều tay” trong xử lý các tình huống cụ thể” – thầy Hùng nhận định.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) cho hay: Thống kê số lượng HS đỗ ĐH, CĐ theo nguyện vọng cũng như phương thức tuyển sinh đều được nhà trường phân tích kỹ. Ngoài ra, Ban giám hiệu cùng các tổ chuyên môn đều nghiên cứu kỹ cách ra đề thi tốt nghiệp, kết quả thi để làm cơ sở cho việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy của GV. Các đợt kiểm tra học kỳ do trường hoặc sở GD&ĐT ra đề, Trường THPT Nguyễn Hiền đều triển khai bài bản như tổ chức một Kỳ thi tốt nghiệp THPT để cả GV và HS thích nghi và làm quen dần.

Cũng có không ít dư luận quan ngại rằng, kết quả học tập của các em sẽ tham gia xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nên để “đẩy” tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp, ở các trường phổ thông sẽ xảy ra tình trạng “cấy điểm”, “chạy điểm”. Thế nhưng, đây không phải là điều mà ban giám hiệu các trường lo lắng.

Thầy Thái Quốc Khánh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (Quảng Trị) cho biết: Chúng tôi quán triệt quan điểm, không được “nâng” điểm, “đẩy” điểm, “cấy” điểm cho HS. GV cũng rất tự trọng trong vấn đề này. Tuy nhiên, phải tạo điều kiện, cơ hội để HS phát huy ý thức học tập để cải thiện điểm số. Năm học này, theo quy chế kiểm tra, đánh giá mới, số cột điểm kiểm tra đánh giá định kỳ đã giảm, số cột điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên tăng lên. Đây chính là cách để tạo động lực cho các em có ý thức hơn trong việc học tập... Điều này được minh chứng thống kê của Sở GD&ĐT Quảng Trị, gần như điểm thi THPT quốc gia và điểm đánh giá trong quá trình HS học ở Trường THPT Lê Thế Hiếu không có chênh lệch đáng kể.

Thầy Khánh cho rằng: GV bao giờ cũng có tâm lý đề cao tầm quan trọng của môn học mà mình giảng dạy, nên nhìn chung, rất “chặt” trong kiểm tra, đánh giá để HS không lơ là trong học tập. “Nếu ban giám hiệu “bật đèn xanh” cho GV “phóng” điểm sẽ rất khó trong chỉ đạo chuyên môn. Bởi, GV để cho chất lượng rơi tự do, HS chủ quan trong học tập. 

Thí sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thí sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Người dẫn đường tin cậy

Cô Hà Thị Huyên, GV môn Toán, Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng chia sẻ: Trong quá trình dạy ôn tập, những HS có học lực trung bình, yếu đặt yêu cầu tối thiểu phải “thoát” khỏi “điểm liệt” để chống trượt. Chính vì vậy, GV không nên quá ôm đồm, dàn trải mà phải tập trung làm sao cho HS nắm vững kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên từ đầu tháng 5 đến nay, HS tạm dừng đến trường nên việc ôn tập phải chuyển qua ứng dụng trực tuyến như Zoom, SHub Classroom, Google meet, Google form… Bên cạnh giảng dạy, theo cô Nguyễn Thị Diễm Mi - GV Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), động viên, khuyến khích với HS, luôn giữ mối liên hệ với phụ huynh HS để nhắc nhở việc ôn tập tại nhà của HS cần được chú trọng, để tiếp thêm động lực cho các em cố gắng không ngừng trong học tập.

Cô Diễm Mi nói thêm: Một việc quan trọng không kém là rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho HS như: Giữ gìn phiếu trả lời trắc nghiệm, điền đầy đủ thông tin, tô đáp án hợp lệ. Việc phân bổ thời gian làm bài cũng đóng vai trò không nhỏ để làm bài thi thành công. Làm từ dễ đến khó, chắc chắn những câu ở mức độ “nhận biết” và “thông hiểu”. Với những câu hỏi vượt quá khả năng của mình, các em nên dùng phương pháp loại trừ.

Ngành GD-ĐT đang tiến hành đổi mới một cách quyết liệt để hướng tới nền giáo dục thực chất. Công cuộc này thành công đến đâu, không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của thầy cô, nhà trường mà cần sự đồng thuận của cả xã hội, quan trọng nhất là nhận thức về quan niệm chất lượng giáo dục. Bởi chất lượng giáo dục, suy cho cùng, không chỉ ở chỗ HS học được cái gì, mà làm được cái gì sau khi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.