Chương trình dạy học vì học trò nghèo

GD&TĐ - Nhận được sự hỗ trợ thiết thực của SEQAP, Trường Tiểu học số 2 Hướng Hiệp (Huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị) - ngôi trường có tới 99% học sinh là người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều đã thay đổi tích cực từng ngày.

Chương trình dạy học vì học trò nghèo

Tâm sự của thầy Hiệu trưởng trường vùng khó

Chia sẻ về quãng thời gian 5 năm thực hiện SEQAP, thầy Nguyễn Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hướng Hiệp - cho biết: Chương trình SEQAP triển khai tại tỉnh Quảng Trị theo lộ trình 2010 - 2015. Từ khi chương trình được triển khai, Trường Tiểu học số 2 Hướng Hiệp đã duy trì cho 60% số học sinh toàn trường được ăn trưa tại trường để học buổi thứ hai trong ngày.

Chương trình SEQAP tại Trường Tiểu học số 2 Hướng Hiệp đã tạo điều kiện cho các em học sinh học tập, sinh hoạt cùng nhau, giúp các em học sinh nghèo phát huy tình đoàn kết, tinh thần vượt khó, tự tin hơn trong học tập và trong giao tiếp, tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, khắc phục được tình trạng nghỉ học, học sinh chưa đạt chuẩn, tăng cường được vốn tiếng Việt cho học sinh.

Đây chính là thành quả lớn lao mà chương trình dạy học này đem lại. Chương trình thật sự là chương trình dạy học “Vì học trò nghèo” - Thầy Hữu nhận định.

Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh

Việc thực hiện học cả ngày và ăn trưa bán trú tại trường đã tạo điều kiện cho các em có thêm thời gian dành cho học tập, các em có điều kiện ôn bài để nắm vững kiến thức hơn. Các em được ăn cơm tập thể, nghỉ ngơi, vui chơi, không phải đi về buổi trưa trong ngày, thêm tinh thần thoải mái, học tập hứng thú. Vì vậy việc tiếp thu bài giảng trên lớp có hiệu quả hơn.

Bữa cơm trưa mà chương trình hỗ trợ cơ bản đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng để các em học tập. Tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khu hiệu bộ và các phòng chức năng đang tạm bợ, xen ghép nhưng nhà trường đã rất quan tâm để khu ăn uống buổi trưa cho học sinh tại nhà dân sạch sẽ, thoáng mát.

Thầy cô còn hướng dẫn các em biết dọn dẹp, làm vệ sinh trước và sau bữa ăn. Các em được tham gia các hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, sức khỏe học sinh như đọc sách tại tủ sách của từng lớp, ở tủ sách ngoài trời của thư viện, vui chơi các trò chơi dân gian...

Ngoài việc tập trung dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, nhà trường còn xây dựng kế hoạch dạy buổi thứ hai với mục đích ôn tập, củng cố hệ thống lại kiến thức. Giáo viên dựa vào chương trình, tài liệu do SEQAP cung cấp để lồng ghép vào nội dung bài học, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu.

Giáo viên dành thời gian ôn luyện kĩ năng môn Tiếng Việt và môn Toán, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, học sinh gặp khó khăn, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như văn nghệ, thể dục - thể thao, giáo dục an toàn giao thông, một số chuyên đề tìm hiểu về cuộc sống quê hương, ngày hội đọc sách, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp trên cơ sở tương tác hiệu quả với các hoạt động giáo dục khác như hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động giáo dục âm nhạc, hoạt động giáo dục mĩ thuật... với nội dung và các hình thức linh hoạt, phong phú và hấp dẫn.

Nhà trường còn tổ chức triển khai các câu lạc bộ trong nhà trường như Câu lạc bộ Mĩ thuật, Câu lạc bộ Tiếng Việt, Câu lạc bộ Âm nhạc, Thể dục thể thao... Từ đó đã rèn luyện cho các em kỹ năng sống, giúp các em học sinh có điều kiện nắm vững kiến thức hơn, chất lượng giáo dục ở các lớp được nâng lên rõ rệt.

Chương trình SEQAP có tác động rất lớn và hiệu quả thiết thực đối với học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. Nhất là trong việc duy trì sĩ số học sinh, chống bỏ học, lưu ban, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Nhờ có các quỹ giáo dục và phúc lợi học sinh nên nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục toàn diện, mua sắm tài liệu giảng dạy, học tập, tổ chức các câu lạc bộ trong trường học, động viên, khích lệ học sinh đi học chuyên cần và học tập tích cực hơn.

Đặc biệt, các em học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo khi tham gia Chương trình SEQAP đã được tiếp cận với mô hình dạy học cả ngày. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục tiểu học được tăng lên, góp phần thúc đẩy giáo dục của địa phương phát triển một cách toàn diện.

Không chỉ đối với riêng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường được ăn trưa mà nhà trường còn huy động cộng đồng tham gia xã hội hóa giáo dục để tổ chức cho 100% các em học sinh của nhà trường đều được ăn trưa tại trường. Chương trình SEQAP đã tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả các em học sinh, huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.