Chủ động phương án đón sinh viên sau Tết

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học có kế hoạch đón sinh viên trở lại học tập trung sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cơ sở vật chất và các điều kiện đi kèm đã sẵn sàng, chỉ chờ dịch ổn định, các trường sẽ mở cửa giảng đường.

Nhiều trường đại học có kế hoạch đón sinh viên trở lại sau Tết Nguyên đán.
Nhiều trường đại học có kế hoạch đón sinh viên trở lại sau Tết Nguyên đán.

Mở cửa sau Tết

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Dệt may Hà Nội - cho biết: Sinh viên của trường vẫn học và thi theo hình thức online. Nhà trường đã xây dựng kịch bản đón sinh viên trở lại học tập trung sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền. Theo đó, dự kiến ngày 14/2, nhà trường đón khoảng 2.500 sinh viên trở lại trường học thực hành, thí nghiệm. Sau đó khoảng 3 tuần sẽ đón hơn 2 nghìn sinh viên còn lại trở lại trường.

Toàn bộ sinh viên của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) vẫn đang học và thi online, bảo đảm tiến độ. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ mở cửa để đón sinh viên học tập trung. “Chúng tôi dự kiến một số kịch bản, cụ thể: Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì ngày 10/2, nhà trường mở cửa giảng đường để đón toàn bộ sinh viên trở lại học tập trung” - PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng xây dựng kế hoạch đón sinh viên trở lại trường theo các mốc thời gian khác nhau. Theo đó, sinh viên năm thứ nhất (khóa tuyển sinh 2021) dự kiến bắt đầu học lại từ 7/2 với học phần giáo dục quốc phòng. Sinh viên năm thứ hai, thứ ba và thứ tư đi học lại từ 14/2.

Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh mới thông báo về việc giảng dạy, học tập trước và sau Tết Nhâm Dần. Theo đó, trường tiếp tục dạy học trực tuyến cho các lớp lý thuyết và thực hành đến hết ngày 24/1. Riêng sinh viên năm cuối có nhu cầu làm thực hành/thí nghiệm phục vụ cho khóa luận tốt nghiệp có thể vào trường thực hiện. Từ ngày 14/2, trường tiếp tục cho phép các lớp thực hành, thí nghiệm học tập trung tại trường. Riêng các lớp lý thuyết có thể kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Tùy vào tình hình dịch bệnh, trường sẽ có thông báo để bảo đảm an toàn cho sinh viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sau Tết Nguyên đán 2022, nhà trường sẽ mở cửa đón sinh viên quay lại trường học tập trung. Dự kiến, ngày 14/2, sinh viên bắt đầu học kỳ II và lựa chọn hình thức học tập theo mong muốn cá nhân dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu tiêm vắc-xin và phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của trường. Sinh viên sẽ có hai hình thức học tập là đến trường học trực tiếp hoặc học trực tuyến tại nhà.

Tại Trường ĐH Bạc Liêu, thông tin từ PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng - cho biết: Gần 2 nghìn sinh viên đang học và thi học kỳ online. Theo kế hoạch, sinh viên sẽ hoàn thành kỳ thi học kỳ trước Tết Nguyên đán. Hiện, trường được UBND tỉnh Bạc Liêu trưng dụng là điểm thu dung điều trị F0 và cách ly F1, nên việc tổ chức đào tạo trực tiếp là chưa thể.

Sinh viên Yên Thị Hồng Viên - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh mong ngày trở lại trường. Ảnh: NVCC
Sinh viên Yên Thị Hồng Viên - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh mong ngày trở lại trường. Ảnh: NVCC

Chủ động phương án, kịch bản

Theo PGS.TS Từ Diệp Công Thành, tình hình dịch bệnh ở Bạc Liêu đang được kiểm soát tốt, đánh giá cấp độ dịch từ mức độ 3 xuống mức độ 2. Do đó, dự kiến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2022, nhà trường sẽ đón sinh viên trở lại học tập trung. “Đây mới chỉ là dự kiến, để thực thi được hay không còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và theo chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh” - PGS.TS Từ Diệp Công Thành trao đổi, đồng thời khẳng định: Công tác phòng chống dịch bệnh của nhà trường luôn được bảo đảm, từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến các phương án, kịch bản. Ngoài ra, 100% cán bộ giảng viên, sinh viên của trường đã tiêm đủ 2 mũi ngừa Covid-19 và đang tiêm mũi 3.

Nhấn mạnh việc đón sinh viên trở lại học tập trung được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, TS Hoàng Xuân Hiệp cho biết, để được trở lại trường, sinh viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và không ở “vùng đỏ”.  “Trước mắt, nhà trường bố trí mỗi lớp thực hành, thí nghiệm khoảng 30 sinh viên” - TS Hoàng Xuân Hiệp trao đổi; đồng thời cho hay, tùy theo diễn biến của dịch bệnh và hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội, nhà trường sẽ có kịch bản chi tiết và phương án tổ chức dạy học phù hợp với thực tiễn.

Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, chẳng hạn như “chuyển màu vùng dịch”, nhà trường sẽ có điều chỉnh hợp lý. Có thể lúc đó, chỉ những sinh viên năm cuối, sinh viên đủ điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh sẽ ưu tiên học thực hành và sẽ phân ca, chia lớp để bảo đảm 5K. “Nói chung, vẫn phải bám sát thực tế và hướng dẫn chung của các cơ quan chức năng” - PGS.TS Trần Xuân Bách chia sẻ.

Để đón sinh viên trở lại trường, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát tình trạng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, nhà trường đã liên hệ với cơ sở y tế để hỗ trợ sinh viên tiêm vắc-xin đầy đủ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất thông thoáng, phun khử khuẩn thường xuyên khuôn viên sư phạm. Đồng thời, trường thành lập Ban phòng chống Covid-19 nhằm tuyên truyền, bảo an toàn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên mong muốn trở lại trường càng sớm càng tốt. Yên Thị Hồng Viên - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - bày tỏ vui mừng khi biết thông tin nhà trường sẽ cho học sinh trở lại học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Theo Hồng Viên, đây là thông tin mà thầy – trò đón đợi nhất. “Chúng em đếm ngược từng ngày để sớm được tựu trường. Em sẽ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, để đủ điều kiện trở lại giảng đường khi nhà trường mở cửa”, Hồng Viên bộc bạch.

Sinh viên Lê Thị Trâm Anh – Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư Phạm (ĐH Huế) - mong muốn: “Quay lại trường sẽ được các thầy cô truyền dạy thêm nhiều tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để bù lại khoảng thời gian học online. Nhà trường, thầy cô sẽ tạo điều kiện, môi trường để sinh viên thực hành trải nghiệm, bổ sung cho hành trang làm việc sau khi ra trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ