Chống rét cho học trò vùng cao - nhiều cách làm sáng tạo

GD&TĐ - Công tác phòng chống rét được hầu hết trường vùng cao quan tâm và coi đây như giải pháp quan trọng để duy trì tỉ lệ học sinh (HS) tới lớp, chất lượng giáo dục không giảm.

Bảo đảm chăn đệm cho HS bán trú trong mùa đông rét tại Trường PTDTBT THCS Sủng Trái, xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang). Ảnh: NTCC
Bảo đảm chăn đệm cho HS bán trú trong mùa đông rét tại Trường PTDTBT THCS Sủng Trái, xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang). Ảnh: NTCC

Thực tế cho thấy, các trường đã chủ động và phát huy nhiều cách làm hay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất có hạn.  

Còn nhiều khó khăn

Thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (huyện Yên Minh – Hà Giang) cho biết: Nhiệt độ ở mức 12 - 13 độ, dự báo trong vài ngày tới tiếp tục giảm mạnh. Trường nằm ở khu vực có nhiệt độ thấp, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn do đó công tác phòng chống rét cho HS cần sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước khi bước vào mùa rét, nhà trường tổ chức tuyên truyền phòng chống rét tới phụ huynh HS. Yêu cầu phụ huynh mua sắm đủ quần áo rét cho con khi tới trường; tăng cường nhắc nhở để HS nâng cao ý thức tự giữ ấm trong quá trình học tập tại trường và về nhà dịp cuối tuần. 

Về phía nhà trường, không chỉ rà soát, gia cố lại phòng học kín không bị gió lùa, đủ ánh sáng, tăng cường chăn đệm ấm cho HS bán trú…, ban giám hiệu, thầy cô giáo còn tích cực kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm về quần áo ấm cho hơn 1.000 HS ở điểm trường chính và 19 điểm lẻ. 

Tuy nhiên, điều thầy Dương Văn Đông lo lắng hơn cả là hệ thống phòng tắm của trường chưa trang bị được bình nóng lạnh, các lớp học không có quạt sưởi. Trong khi đó, việc kêu gọi hỗ trợ 8 -10 bình nóng lạnh lắp đặt trong phòng tắm, quạt sưởi bằng điện trong lớp học hay phòng ở vô cùng khó khăn.

Cô Dương Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ - Hà Giang) cũng chia sẻ: Việc phòng chống rét cho HS vẫn là bổ sung những trang thiết bị cơ bản như: Chăn đệm, máy sưởi, bảo đảm chế độ các bữa ăn bán trú… Tuy nhiên, tại các điểm lẻ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, điểm trường ở cuối nguồn điện, điện yếu khó sử dụng thiết bị sưởi ấm nên HS vẫn chịu thiệt thòi. Sự hỗ trợ của cá nhân, xã hội về thiết bị sưởi ấm, quần áo, tất, mũ, khăn… cho trẻ không phải lúc nào cũng có trong khi gia đình HS đa số là người dân tộc, nghèo. 

Cô Nguyễn Quỳnh Huế - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc – Hà Giang) thông tin: Trường có 1 điểm chính 18 điểm lẻ, trong đó 6 điểm trường nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ mùa đông thường dưới 10 độ, nhiều ngày 4 - 5 độ. Vì điều kiện khó khăn nên các điểm trường chưa có quạt sưởi ấm, không có chỗ nấu nướng nên chưa thể tổ chức bữa ăn bán trú cho HS điểm trường lẻ. HS đi học vẫn tự mang cơm đến lớp ăn. Hiện tại, công tác phòng chống rét cho HS điểm trường chủ yếu vẫn là tăng cường chăn đệm ấm, làm kín các lớp học, nhắc nhở gia đình mặc ấm cho trẻ. 

Cô và trò Trường PTDTBT THCS Sủng Trái xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang). Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường PTDTBT THCS Sủng Trái xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang). Ảnh: NTCC

Giữ ấm bằng nhiều cách

Thầy Đặng Trần Huân – Giáo viên kiêm quản lý HS bán trú, Trường  PTDTBT THCS Sủng Trái xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn – Hà Giang) cho biết: Nhà trường áp dụng nhiều giải pháp để bảo đảm giữ ấm cho HS. Ngoài cấp thêm chăn đệm, bịt kín khe hở lớp học, phòng ở nhà trường đặc biệt chú ý bảo đảm bữa ăn bán trú luôn ấm nóng. Giờ nấu của nhà bếp được lùi xuống 9 giờ 30, gần đến giờ HS vào phòng ăn thì nhà bếp mới tắt bếp. Trống báo hiệu giờ ăn cơm cho HS cấp dưỡng bắt đầu chia suất. 

HS cũng thực hiện giờ sinh hoạt theo chế độ mùa đông, thức dậy và vào học muộn hơn 1 giờ so với mùa hè. Giờ học bài buổi tối vào những ngày lạnh, nhà trường để HS học tại phòng. 

Theo thầy Huân, nhà trường luôn có đủ nước nóng trong phòng tắm, phòng vệ sinh cá nhân cho HS. Những ngày lạnh, nhà bếp nấu nước đường gừng để HS uống thay nước lọc giữ ấm nhiệt độ cơ thể cả ngày… Với cách phòng chống rét cho HS một cách chủ động và hiệu quả nên tỉ lệ HS chuyên cần trên lớp của trường vào những ngày lạnh nhất luôn đạt 98%. Không có tình trạng HS bỏ học ở nhà vì lạnh. 

Thông tin về biện pháp phòng chống rét cho HS, cô Dương Thị Thành – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Ma Lé xã Ma Lé (huyện Đồng Văn – Hà Giang) nói: Nhiệt độ xuống  4 - 6 độ, nhà trường kê giường ngủ của HS lại gần nhau để các em được ngủ dồn 2 - 3 HS một chăn. Như vậy, vừa giữ nhiệt, giúp HS không bị lạnh khi ngủ. Ngoài ra, trường cũng tăng cường chăn đệm, cung cấp nước ấm sinh hoạt, các bữa ăn bán trú đều được đưa ra sát giờ ăn… 

Công tác phòng chống rét cho HS được nhà trường tăng cường bằng nhiều cách. Trước hết có đầy đủ chăn, đệm cho HS bán trú. Ban giám hiệu và GV chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ HS có quần áo ấm để mặc thêm. Lịch sinh hoạt tắm giặt, vệ sinh cá nhân của HS được GV quản lý bán trú lưu tâm, nhắc nhở… Nhà trường bảo đảm chất lượng cho bữa ăn bán trú. Ngoài việc tăng khẩu phần ăn còn thức ăn thường xuyên thay đổi món ăn phù hợp sở thích HS và đặc điểm thời tiết mùa đông. - Thầy Nguyễn Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cố Ly 1 (huyện Bắc Hà – Lào Cai).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ