Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự lễ khởi công đại học FLC

GD&TĐ - Trường đại học FLC, với quy mô 50 ha, tổng mức đầu tư trên 3800 tỉ đồng sẽ bắt đầu tuyển sinh vào cuối năm 2020, với quy mô tuyển sinh ban đầu 600 sinh viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự lễ khởi công đại học FLC
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự lễ khởi công đại học FLC

Ngày 25/8, tại Quảng Ninh diễn ra lễ khởi công Trường Đại học FLC. Tới dự lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.

Dự án Trường Đại học FLC được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập tại văn bản số 664/TTg-KGVX ngày 3/6/2019 theo mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Dự án Đại học FLC có tổng diện tích 50ha tại khu vực bãi thải mỏ của ngành than thuộc các phường: Hà Lầm, Hà Trung, thành phố Hạ Long, bao gồm các hạng mục chính như: Khu hiệu bộ, hành chính; khu giảng đường; khu thực hành; đất thư viện; ký túc xá...

Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến trên 3.800 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2019- 2021) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo cho khoảng 2000 sinh viên; giai đoạn 2 (2022-2025) tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ các hàng mục còn lại để đạt quy mô đào tạo cho khoảng 7.500 sinh viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Dự kiến Đại học FLC sẽ đào tạo các ngành đối với trình độ đại học, gồm 14 mã ngành, trong đó có: Du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, quản trị khách sạn, công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật hàng không... Đồng thời nhà trường cũng sẽ liên kết với một số trường đại học quốc tế để đào tạo các hệ cử nhân, thạc sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục nói chung và giáo dục đại học đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, đặc biệt là quá trình phát triển nguồn lao động và thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, dự án đầu tư Đại học FLC là một trong những điểm sáng với những ngành nghề đào tạo thiết thực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tỉnh Quảng Ninh cùng Tập đoàn FLC đã thực hiện rất tốt mô hình này khi biến một vùng khai thác than cũ trở thành một đô thị đại học, giáo dục xanh, kết nối với các ngành nghề khác như du lịch, hàng không, có thể nói là một điểm đến văn hoá đặc thù, tiêu biểu của Quảng Ninh.

“Với tầm nhìn là một trung tâm đổi mới sáng tạo, một trung tâm đào tạo tiên tiến theo các chuẩn mực quốc tế, chúng tôi đánh giá cao định hướng của Đại học FLC và sẽ tiếp tục hỗ trợ để trường sớm đi vào hoạt động, trở thành điểm sáng trong các trường đại học của Việt Nam”, Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ kì vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.