Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Nguồn lực và động lực là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên, nhà giáo là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy khi phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội sáng 9/6, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Thực hiện hợp đồng giáo viên: Nghiên cứu thật kỹ lộ trình 

Thực tế với chế độ công chức, viên chức như hiện nay, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vẫn còn nhiều bất cập. Rõ nhất là vấn đề tuyển dụng, chưa phù hợp với nhu cầu về môn học cũng như khả năng đáp ứng chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu cục bộ. Bên cạnh đó, phần nhiều giáo viên tâm lý vào biên chế cho ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới.

“Từ thực tế đó, đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động; trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 29 đã nêu rất rõ: Năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. “Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình bước đi và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ” - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, việc chuyển viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động sẽ thí điểm trước ở các trường đại học, vì đây là khu vực thuận lợi trong thực hiện đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ. Qua trao đổi, các đơn vị và các Sở đều nhất trí chủ trương này; dư luận xã hội cũng rất quan tâm và đồng hành. Điều quan trọng là lộ trình như thế nào để phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên. 

Hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy giáo dục phát triển

Liên quan đến chính sách đối với học sinh, sinh viên, giáo viên, Bộ trưởng cho biết, đối với mầm non 5 tuổi, tất cả học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đều được miễn học phí, bắt đầu từ năm 2018. Đối với giáo viên cũng tăng cường các chế độ, chính sách, đặc biệt phối hợp cùng Bộ Nội vụ rà soát các chế độ về thâm niên, lớp ghép, tiến tới xóa bỏ việc đăng ký thi đua và một số những quy định trước đó vốn dẫn đến chất lượng không thực chất…

Về chính sách liên quan đến thể chất, theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, thành lập Vụ giáo dục thể chất để có điều kiện thuận lợi chăm lo cho thể lực của học sinh.

Về vấn đề bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông. Hiện Bộ cũng đang thực hiện các kế hoạch phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Bộ GD&ĐT đồng thời có văn bản gửi các địa phương và các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên gần đây…

Liên quan đến cải cách giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ trưởng Phòng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã xây dựng Nghị định tự chủ và đã trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục sẽ thay thế Nghị định 73 ban hành năm 2012, đã trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ