Chung tay khắc phục hậu quả sau mưa lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi), từ ngày 6 -13/9, liêp tiếp xảy ra mưa lớn. Thủy điện Tuyên Quang xả lũ, cùng lúc 8 cửa xả đáy khiến trên các sông suối và trên sông Gâm, sông Lô nước dâng cao, nhiều khu vực bị ngập gây thiệt hại diện rộng.
Theo Sở GD&ĐT, sau đợt mưa lũ, toàn tỉnh có 33 trường học bị ngập nước và sạt lở đất. Trong đó có 14 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường THCS, 5 trường THPT. Hàng chục nghìn học sinh có nhà bị ảnh hưởng, nhiều em bị mất đồ dùng học tập, sách vở bị lũ cuốn trôi.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Chiêm Hóa bị hỏng hệ thống điện, tủ, kí túc xá học sinh; bếp ăn, nhà ăn; nhà vệ sinh; nhà đa năng; nhà công vụ giáo viên, ước thiệt hại khoảng 462 triệu đồng. Trường THPT Ỷ La (TP Tuyên Quang) có 14 phòng học, phòng chức năng bị ngập sâu, hỏng 10 bộ bàn ghế giáo viên, 8 bàn làm việc các phòng chức năng, hệ thống camera, các thiết bị điện của nhà lớp học, các thiết bị dạy học của phòng Công nghệ, phòng Sinh học và toàn bộ sách của thư viện, ước thiệt hại 450 triệu đồng.
Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) hỏng 10 bàn làm việc tại các phòng chức năng, 20 ghế gỗ công nghiệp; nền nhà đa năng, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng; nhiều trường học bị ngập lụt, hỏng hệ thống tăng âm loa đài, ti vi, trôi thiết bị đồ dùng trong lớp, đồ chơi ngoài trời, sập đổ tường rào…
Ngay sau khi nắm được thông tin thiệt hại của các cơ sở giáo dục, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã đi kiểm tra, hỗ trợ các cơ sở giáo dục khắc phục hậu quả.
Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao 500 triệu đồng hỗ trợ ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Thứ trưởng đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang, ngành Giáo dục tỉnh, các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đã chủ động trong công tác phòng, chống bão lũ trong thời gian vừa qua. Nhiều thầy, cô giáo dù gia đình bị ngập lụt nhưng đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, hết mình vì việc chung vì mái trường để tập trung khắc phục thiệt hại, đảm bảo các điều kiện cho học sinh đi học trở lại.
Trong thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã nhận được sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tiêu biểu như: Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình tặng trên 293 nghìn bộ sách và đồ dùng học tập; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 300 bộ sách giáo khoa, Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập trị giá 450 triệu đồng hỗ trợ học sinh vùng lũ Tuyên Quang; Trại giam Quyết Tiến hỗ trợ 100 triệu đồng; Công đoàn ngành Giáo dục các tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi đơn vị hỗ trợ 50 triệu đồng; Công đoàn Đại học Cần Thơ hỗ trợ 10 triệu đồng cho ngành Giáo dục tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ…
Càng khó khăn càng quyết tâm cao
Tại lễ tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức trao hỗ trợ bằng tiền mặt cho cán bộ, giáo viên, học sinh với tổng số tiền hỗ trợ là 810 triệu đồng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị để các khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong lúc khó khăn nhất ngành Giáo dục tỉnh đã nhận được sự chung tay, giúp đỡ từ Bộ GD&ĐT, từ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đó là động lực, là trách nhiệm để ngành Giáo dục tiếp tục khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu của năm học 2024-2025…
Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, ông Vũ Đình Hưng khi phát biểu triển khai nhiệm vụ của năm học đã nhấn mạnh, càng khó khăn thì toàn ngành càng phải quyết tâm cao, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học này. Đây cũng là năm học mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 .
Ngay từ đầu năm học, toàn ngành quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch... trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, cố gắng nâng cao số lượng và chất lượng giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS, THPT; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội...
Các trường học bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ nhờ có sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã gượng dậy mạnh mẽ đồng thời quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô giáo Tô Thị Tấm, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Chiêm Hóa cho biết, nhà trường rất biết ơn sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhà trường từng bước sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị, đồ dùng bị hỏng hóc, tổ chức dạy học bình thường.
Năm học 2023-2024 nhà trường đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học và vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Đó thực sự là động lực để nhà trường tiếp tục khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học 2024-2025. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh đạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp.
Các trường học trên địa bàn cũng đã rà soát số giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ để hỗ trợ kịp thời, không để học sinh nào khó khăn mà không thể đến trường, không để học sinh thiếu sách giáo khoa.
Em Bàn Hữu Kim, lớp 12 C2, Trường THPT Na Hang cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua em bị cuốn trôi hết sách vở, quần áo và đồ dùng học tập nhưng may mắn em đã được nhà trường hỗ trợ. Năm nay là năm cuối cấp nên em sẽ cố gắng học tập thật tốt để có thể đỗ vào đại học Sư phạm Hà Nội.