Giáo dục trẻ em sớm ở Trung Quốc: Chìa khóa chuyển đổi nền kinh tế

GD&TĐ - Trẻ nông thôn thiếu vắng sự nuôi dưỡng giáo dục của cha mẹ khi di cư ra thành thị làm việc. Các trung tâm GD trẻ em sớm (tiếp nhận trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi) được kì vọng bù lấp GD cho trẻ em và chuẩn bị nền tảng tốt hơn cho việc học tập sau này nhằm nâng cao đồng đều trình độ đội ngũ nhân lực đáp ứng chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc.

Giáo dục trẻ em sớm ở Trung Quốc: Chìa khóa chuyển đổi nền kinh tế

Cứu cánh giảm tình trạng bỏ học

Nếu như trước đây, hàng ngày sau bữa trưa, bà Qu Yexiu loanh quanh làm việc nhà và trông đứa cháu nội 2 tuổi thì nay, sau bữa trưa bà đưa cháu tới trung tâm GD trẻ em sớm ngay trong ngôi làng tại Huangchuan, nằm ở miền núi tỉnh Thiểm Tây. Ở đó đứa bé được chơi với những trẻ khác.

“Có trung tâm này, mọi chuyện giờ sẽ tốt hơn” - bà Qu Yexiu vui mừng nói. Bà Qu Yexiu phải chăm 2 cháu nội khi bố mẹ chúng lên tỉnh An Huy làm việc.

Những trung tâm GD sớm như tại Huangchuan có thể là câu trả lời cho một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc – giảm số trẻ bỏ học tại khu vực nông thôn.

Trẻ em tại khu vực nông thôn, nơi khoảng một nửa dân số sinh sống, có kĩ năng xã hội và nhận thức kém hơn nhiều so với bạn đồng lứa ở thành phố - dẫn tới nguy cơ bỏ học thậm chí trước khi có thể đánh vần được tên mình.

Thiếu kiến thức giáo dục không phải là vấn đề lớn với những thế hệ người Trung Quốc trước đây, những người gắn cuộc đời với trang trại hoặc trong nhà máy – nhưng trong thời đại hiện nay thì lại gây ra hệ quả nặng nề.

76% lực lượng lao động Trung Quốc chưa học THPT – dựa theo kết quả điều tra dân số gần đây nhất của Trung Quốc vào năm 2010. Chính phủ Trung Quốc muốn hướng đất nước đến chuỗi giá trị, vì vậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần lực lượng lao động có kĩ năng cao hơn nếu muốn chuyển đổi sang nền kinh tế giá trị cao hơn.

“Đây là vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đối mặt, đó là một vấn đề vô hình” – theo Scott Rozelle, chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Stanford, Mỹ - “Trung Quốc có trình độ nhân lực thấp nhất (trong số các quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới hiện nay). Trung Quốc còn thấp hơn cả Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi nghĩ rằng điều này liên quan tới việc trẻ không được GD thích đáng khi còn bé”.

Kỳ vọng mở rộng mạng lưới

Ủy ban Kế hoạch hoá gia đình và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc đang làm việc với những nhà kinh tế như Rozelle để mang lại cơ hội GD sớm cho trẻ nông thôn ở độ tuổi lẫm chẫm biết đi.

Một nhân tố làm giảm phát triển trẻ nhỏ nông thôn là do thiếu vắng cha mẹ, theo các chuyên gia giáo dục. Hàng triệu phụ huynh nông thôn Trung Quốc di cư tới thành phố sống và làm việc bởi có thể kiếm nhiều tiền hơn là làm ruộng ở quê.

Vì vậy mà sự ra đời của các trung tâm GD trẻ em sớm có thể bù lấp sự thiếu hụt giáo dục này. Theo chương trình này, có 50 trung tâm thí điểm tại các ngôi làng và thị trấn tại nông thôn Trung Quốc – nơi đón nhận trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi có thể vui chơi, đọc chuyện và tương tác với những trẻ khác.

Theo tính toán thì cần khoảng 300.000 trung tâm như vậy trên toàn Trung Quốc. Cai Jianhua, chuyên viên Ủy ban Kế hoạch hoá gia đình và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, muốn chính phủ cấp 0,1% GDP – 70 tỉ nhân dân tệ - để thành lập các trung tâm này trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị Trung Quốc sẽ giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Nếu khoảng cách này không giảm, sẽ rất khó cho Chủ tịch Tập Cận Bình đạt mục tiêu xoá đói và chuyển đổi Trung Quốc thành “xã hội tương đối thịnh vượng” vào năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.