Cô Dung là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và đã vinh dự được tham dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Giáo dục trẻ thông qua lễ hội
Theo cô Dung, lễ hội là một sự kiện mang tính xã hội, là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Trẻ em, những thành viên nhỏ tuổi của xã hội hơn ai hết là những người náo nức chờ mong các ngày lễ hội.
Được tham dự vào những buổi lễ tưng bừng cùng quang cảnh được tô điểm bởi cờ, hoa, lễ hội, quần áo, đẹp, tiếng nhạc rộn ràng… là những gì trẻ trông chờ nhất.
Hơn nữa, lễ hội là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của trẻ. Nó đáp ứng nhu cầu xúc cảm, nhu cầu giao lưu, giúp trẻ xâm nhập vào cuộc sống xã hội tại những thời điểm có ý nghĩa xã hội nhất định.
Việc tổ chức lễ hội được coi là một phương tiện giáo dục nhiều mặt cho trẻ em mầm non.
Tham gia vào các hoạt động trong những ngày lễ hội sẽ để lại cho trẻ những ấn tượng sâu sắc, đem lại những niềm vui chung giúp trẻ trở nên cởi mở hơn, gần gũi nhau hơn, phát triển tâm lý, rèn luyện các kỹ năng sống, phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.
“Qua thực tế tổ chức các ngày lễ hội và qua quan sát trẻ tham gia vào các hoạt động trong các ngày lễ hội, tôi thấy trẻ hứng thú hơn trong học tập, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.. . ngày càng tốt hơn, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện” – Cô Dung chia sẻ.
Đặc biệt theo cô Dung qua các ngày lễ hội, việc giáo dục trẻ về đề tài tài nguyên môi trường và biển đảo hiệu quả hơn. Tùy từng thời điểm như: Vào các ngày lễ hội hay kết thúc sau mỗi chủ đề, giáo viên cần chú ý để có thể phối hợp với gia đình, nhà trường tổ chức ngày lễ hội tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục về tài nguyên môi trường biển, hải đảo cho trẻ.
Trải nghiệm từ các hoạt động thực tiễn
Giúp trẻ mầm non hiểu hơn về môi trường biển, hải đảo thông qua hoạt động lễ hội trong thực tiễn |
Cô Dung dẫn giải: Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, giáo viên có thể phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình “Quà tặng chú bộ đội”.
Tham gia chương trình, các con được cùng nhau múa hát, đóng kịch, đọc thơ. Vì thế giáo viên chú ý lựa chọn những tiết mục văn nghệ có nội dung giáo dục về tài nguyên và môi trường biển đảo, về chú bộ đội hải quân với mong muốn qua đó hình thành ở trẻ tình yêu biển, đảo yêu quê hương, đất nước.
Hay như qua “Ngày hội tạo hình” tổ chức hàng năm ở trường, giáo viên chú ý đưa ra các nội dung góp phần giáo dục về tài nguyên môi trường biển đảo cho trẻ như: Làm bức tranh về biển từ những nguyên liệu khác nhau hay cho trẻ thi vẽ tranh theo chủ đề “Chú bộ đội trong mắt em”.
Hoặc là khi kết thúc chủ đề “nghề nghiệp", giáo viên phối hợp với gia đình và nhà trường tổ chức cho các con tham gia “Ngày hội hướng nghiệp tương lai”.
Trong ngày hội, các con được nghe giới thiệu về công việc của các nghề khác nhau trong xã hội như: Bộ đội hải quân, nghề kỹ sư xây dựng, nghề bưu tá… Sau khi nghe giới thiệu, các bé được nghe các cô chú của từng nghề, hướng dẫn, thực hành, trải nghiệm, tập làm các nghề khác nhau.
Chẳng hạn: Tập làm chú bộ đội hải quân, các bé sẽ tham gia các hoạt động như: Duyệt binh, diễn tập, tuần tra, trồng cây trên biển… Từ đó, hun đúc ở trẻ lòng tự hào, niềm tin, khát khao trở thành chú bội đội hải quân canh giữ biển trời Tổ quốc.