Giáo dục sớm nhằm khai thác tiềm năng tối đa của con người
- Thưa PGS, gần đây, nhiều bậc cha mẹ quan tâm, tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm. Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngờ về việc này và cho rằng, tốt nhất hãy để con trẻ phát triển tự nhiên, được sống theo đúng bản năng của mình. Xin PGS cho biết quan điểm của mình?
Giáo dục sớm là một bước đột phá của khoa học giáo dục, nó tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng thể lực và trí tuệ cho trẻ trong thời kỳ 0 tuổi (thai nhi) đến 6 tuổi, vì:
Thứ nhất, giáo dục sớm là quá trình giáo dục kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời ký sinh trưởng của não. Trong 3 năm đầu đời, não trái chưa bắt đầu hoạt động tốt và não phải đóng vai trò là não chủ đạo. Từ 3 đến 6 tuổi, vị trí chủ đạo của não dẫn chuyển sang não trái. Đến 6 tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Đó là lí do tại sao cần tận dụng kích hoạt não trong giai đoạn trước 3 tuổi, khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Thứ hai, giáo dục sớm là quá trình giáo dục nhằm khai thác tiềm năng tối đa của con người. Đặc biệt, trong 3 năm đầu đời, nếu trẻ được sống trong môi trường chăm sóc, giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời.
Thứ ba, giáo dục sớm là quá trình giáo dục được tiến hành trong giai đoạn tốt nhất - "giai đoạn vàng, cửa sổ cơ hội" - để khai phát tiềm năng và trí tuệ con người, vì thế, nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật "sử dụng nó hay đánh mất nó". Nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít.
Thứ tư, giáo dục ngay từ giai đoạn sớm còn là quá trình bồi dưỡng trên nền tảng tính cách và phẩm chất tốt đẹp của một con người: Trẻ có lòng nhân ái, biết sống hài hòa với thế giới xung quanh, biết quan tâm đến mọi người, có suy nghĩ lạc quan, ham hiểu biết, giàu trí tưởng tượng, sáng tạo.
Giáo dục sớm thúc đẩy sự phát triển của đại não ngày càng hoàn thiện, nó được tiến hành trong thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển thể chất, trí tuệ, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của con người. Đây cũng là nền tảng cơ sở để nuôi dưỡng con người, là xuất phát điểm và ưu thế cho việc phát triển ở giai đoạn sau của con người.
Nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo
- Nhiều bà mẹ cho rằng, giáo dục sớm là dạy con biết đọc, biết làm toán từ 0 tuổi, là đào tạo trẻ trở thành thiên tài. Cách nghĩ này có đúng không, thưa PGS?
Mục tiêu của giáo dục sớm không phải để nhồi nhét tri thức mà giáo dục phải góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ, nhằm khai thác các tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời của trẻ, nhằm hình thành các nền tảng tốt đẹp cho cả đời người.
Để có năng lực thiên bẩm, chúng ta phải cung cấp cho trẻ môi trường phát triển tốt với các yếu tố kích thích cần thiết cho sự phát triển.
Một trong những nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo.
Thai giáo gốm 3 phương diện: Thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất; dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi.
Thụ thai khi cơ sở trong trạng thái tốt nhất chỉ quá trình tinh trùng và trứng kết hợp thành hợp tử khi cha mẹ khỏe mạnh đang ở độ tuổi đẹp nhất với trạng thái cơ thể và tâm lý tốt nhất.
Dưỡng thai là tạo môi trường tốt đẹp nhất để thai nhi được giáo dục tốt hơn. Môi trường sống của thai nhi gồm môi trường bên trong cơ thể mẹ và môi trường bên ngoài.
Môi trường bên trong cơ thể mẹ chỉ trạng thái tinh thần, ý thức, tình trạng dinh dưỡng, cơ quan nội tạng, nội tiết, những phẩm chất, sự tu dưỡng của bản thân người mẹ.
Môi trường bên ngoài cơ thể mẹ là môi trường tự nhiên, xã hội có thể ảnh hưởng đến cơ thể mẹ, dẫn đến biến đổi trong cơ thể mẹ, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi.
Giáo dục thai nhi là sự kích thích vào não bộ của thai nhi để giúp não bộ phát triển tối ưu các tiềm năng thiên bẩm. Giáo dục thai nhi gồm giáo trực tiếp và gián tiếp.
Giáo dục trực tiếp là trực tiếp tác động lên thai nhi, để thai nhi được tiếp nhận sự giáo dục tốt nhất. Ví dụ, cho thai nhi nghe nhạc thông qua việc mẹ bật nhạc gần bụng mẹ.
Thai nhi có khả năng đặc biệt tiếp nhận các thông tin của người mẹ về các suy nghĩ, hành động, cảm xúc. Mọi hoạt động, mọi suy nghĩ của người mẹ, thai nhi có thể cảm nhận được.
Công việc thai giáo không ai có thể làm thay được vai trò của các bà mẹ với sự giúp đỡ của các ông bố tương lai và các thành viên trong gia đình.
Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng
- PGS có nói, giáo dục sớm là giai đoạn giáo dục trẻ trong thời gian từ 0 đến 6 tuổi - cũng là giai đoạn trẻ được tiếp xúc với cha mẹ và người thân trong gia đình nhiều nhất. PGS có lời khuyên nào cho các bậc làm cha mẹ, để con mình có thể phát huy tốt nhất các tiềm năng trong giai đoạn này?
Đúng là giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi, trẻ được được tiếp xúc với cha mẹ và người thân trong gia đình nhiều nhất. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về kiến thức và kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ của các bậc cha mẹ cũng như những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đã dẫn đến những sự lãng phí tiềm năng của trẻ vô cùng đáng tiếc.
Các bậc cha mẹ thường chỉ quan tâm chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi sự tăng trưởng của trẻ về chiều cao, cân nặng và bệnh tật mà quên mất bồi dưỡng tinh thần và giáo dục phát triển các tố chất của các cháu.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn này có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hạn chế và mở rộng tiềm năng về học tập, xã hội, thể chất trong suốt cuộc sống của trẻ.
Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy sự tương tác tích cực và mối quan hệ hỗ trợ, ổn định với cha mẹ và người chăm sóc gần gũi khác là những yếu tố quan trọng đối với trẻ để phát triển thành những người khỏe mạnh về mặt thể chất, tinh thần và xã hội.
Ngược lại, nếu trẻ tiếp xúc với hoàn cảnh thơ ấu bất lợi và stress độc hại, như bị bạo lực, nghèo đói, bị lạm dụng, bị những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của kiến trúc não, có thể dẫn đến những tổn thưởng nghiêm trọng cản trở sự thành công trong học tập và các vấn đề khác về hành vi và sức khỏe tâm thần.
Cho dù sau này tạo điều kiện cho trẻ chơi và cung cấp những tương tác phù hợp với sự phát triển của trẻ, có thể giúp giảm thiểu những tác động bất lợi của các stress trước đó, nhưng khả năng cho não bộ phát triển kiến trúc tối ưu cũng vẫn bị ảnh hưởng theo quy luật giảm dần.
Do đó, nếu gia đình không giáo dục sớm đúng đắn thì sẽ sẽ không có những năng lực và sức khỏe tốt và chúng cần để thành công trong cuộc sống và trường học.
- Theo PGS, thực trạng về giáo dục sớm hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều gia đình, các bậc cha mẹ phải lo kinh tế nên không quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dạy con mà thường nhờ ông bà nội ngoại hoặc người giúp việc trông nom, thậm chí để con lớn trông con nhỏ...
Nhiều gia đình còn nuôi dạy trẻ theo cách truyền thống, bảo thủ, lạc hậu. Hậu quả, không chỉ các cháu nhỏ chịu thiệt thòi về mặt nuôi dạy mà còn không được sống trong môi trường an toàn, nhiều tai nạn thương tích nguy hiểm đến tính mạng; hoặc bị xâm hại cơ thể gây hậu quả xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ...
Tuy vậy, hiện nay cũng đã có một số chị em phụ nữ muốn sinh con, đang mang thai và gia đình có con nhỏ đã quan tâm đến tìm hiểu về giáo dục sớm với sự tiếp cận các tài liệu nước ngoài hoặc học tập kinh nghiệm của những người đi trước trong giáo dục sớm, bước đầu cũng đã có được những kết quả đáng khích lệ.
Có thể thấy, việc giáo dục sớm cho con em tại các gia đình đang được nhen nhóm lên một cách tự phát, chủ yếu là ở các thành phố lớn, còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., chưa có thông tin về phương pháp giáo dục này.
- Có thể thấy, giáo dục sớm vẫn là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Như vậy, để giúp khai mở các tiềm năng thiên bẩm của trẻ trong những năm đầu đời, theo PGS, cần thiết phải triển khai các công việc gì?
Việc đầu tiên, tôi cho rằng cần xác định vai trò giáo dục tại gia đình là một thành tố quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện trẻ em. Phải coi giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các bậc cha mẹ và toàn xã hội về sự cần thiết phải thực hiện giáo dục sớm cho trẻ ngay từ khi còn là thai nhi đến 6 tuổi.
Đồng thời, phát huy truyền thống gia đình và dòng họ để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục sớm trẻ nhỏ. Cuối cùng, cần vận động các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tài trợ nguồn lực để phát triển các mô hình dịch vụ giáo dục sớm, đáp ứng yêu cầu nhiều trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo phương pháp khoa học, đảm bảo sự bình đẳng giữa các vùng miền, nhất là trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi.