(GD&TĐ) - Tuy còn không ít những khó khăn nhưng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm học; đặc biệt, đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non - bậc học tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định về số lượng và chất lượng giáo dục sau này.
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng GD-ĐT, tâm sự: Khó khăn thì nhiều nhưng cán bộ, giáo viên đều cố gắng. Phòng đã có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng giáo dục bền vững, đạt được hiệu quả. Năm học 2010 - 2011, Phòng GD-ĐT đặc biệt chú trọng, quan tâm đến bậc học mầm non. Là một huyện khó khăn, đa số là người dân tộc thiểu số để làm tốt công tác giáo dục mầm non không phải dễ, nhưng cứ làm dần từ những trường thuận lợi có điều kiện rồi nhân rộng ra các xã. Bậc học mầm non được duy trì tốt, đạt chất lượng thì bậc học sau đỡ vất vả rất nhiều, khi các cháu vào nề nếp, quy củ sẽ đảm bảo được sĩ số.
Mô hình thư viện xanh Trường Mầm non Quài Nưa |
Một trong những cố gắng, quyết tâm được đặt lên hàng đầu là Phòng GD-ĐT vận động, động viên các trường khắc phục khó khăn tổ chức cho trẻ học bán trú. Việc tổ chức cho trẻ ăn nghỉ trưa tại trường sẽ đạt được rất nhiều hiệu quả: Các cháu còn nhỏ không phải đi lại vất vả, đảm bảo duy trì chất lượng và số lượng. Các cô có điều kiện gần gũi nhiều, giáo dục cho các cháu đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh. Qua bữa ăn bán trú, giáo dục các cháu có thói quen vệ sinh trong ăn uống và trong cuộc sống.
Hưởng ứng cuộc vận động của Phòng GD-ĐT, số trường tổ chức ăn bán trú cho các cháu tăng lên so với năm học trước. Các trường vận động được phụ huynh học sinh và tổ chức nấu ăn bán trú như: Trường Mầm non Quài Tở, Mầm non Thị trấn; Mầm non Quài Cang, Mầm non Quài Nưa…
Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường đảm bảo khẩu phần ăn an toàn cho trẻ; tổ chức nấu ăn đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh, lưu mẫu thức ăn trong ngày, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Giáo viên các trường tích cực tăng gia, để bữa ăn của các cháu có thêm rau xanh. Với tinh thần vượt khó tạo mọi điều kiện cho trẻ, nhiều tập thể giáo viên nhà trường còn kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện bữa ăn cho các cháu.
Có trường xin xã cấp đất cấy lúa, cung cấp lương thực đảm bảo bữa ăn cho một số cháu có điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Chính những việc làm ấy đã gắn bó tình cảm giữa phụ huynh với nhà trường, quan tâm hơn đến sự nghiệp giáo dục vì thấy được những vất vả của đội ngũ giáo viên vì con em mình.
Lớp Mần non 5 tuổi Trường Mầm non Quài Tở luôn tạo cho trẻ môi trường học tập tích cực. |
Ở địa bàn miền núi khó khăn, đường sá đi lại xa xôi vất vả, các cháu còn nhỏ nếu không tổ chức được mô hình bán trú thì việc duy trì bậc học mầm non sẽ rất khó khăn, có nơi sẽ vỡ lớp vì bố mẹ các cháu đi làm nương cả ngày nên thường đưa con đi cùng. Với quyết tâm cao, năm học 2010 - 2011, Phòng GD-ĐT huyện Tuần Giáo đã duy trì hoạt động bán trú ở nhiều trường. Những trường khó vận dụng được hình thức ăn bán trú cho các cháu, linh hoạt bằng cách vận động phụ huynh mang cơm cho trẻ vào mỗi buổi sáng đến lớp như: Trường Mầm non Tỏa Tình, Mường Mùn, Phình Sáng, Ta Ma, Mùn Chung.
Năm học 2010 - 2011, bậc học mầm non của huyện Tuần Giáo đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là các trường đã tổ chức được mô hình bán trú cho các cháu đều tăng so với năm học trước. Số trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt 99,7% (tăng so với năm học trước 102 cháu). Bé khỏe 91,3% (tăng 11,3%), bé sạch 94% (tăng 14%); bé chăm 95% (tăng 15%), tỷ lệ chuyên cần 97% (tăng 17%), trẻ cân nặng cao hơn tuổi 96,2% (tăng 15,3%), trẻ suy dinh dưỡng vừa và nặng 3,5% (giảm 2%), chiều cao thấp còi độ I; 3,8 (giảm 5%).
Phạm Kiên Cường