Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại hội nghị tổng kết, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, năm học vừa qua, toàn cấp học mầm non thành phố đã không ngừng nỗ lực thực hiện Chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”; đồng thời xây dựng triển khai thực hiện các kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ năm học phù hợp với điều kiện thực tế và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
“Tính đến cuối năm học 2023-2024 thành phố có 1.248 trường mầm non, 1.955 nhóm lớp độc lập tư thục, 266 nhóm trẻ. Toàn thành phố có 265/1.248 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Địa phương cũng có 26 trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế, tăng 2 trường so với năm học trước đó”, bà Điệp cho biết.
Cũng theo bà Điệp, đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tính đến nay đã có 339.776/340.746 hồ sơ học sinh được cập nhật mã định danh công dân trên hệ thống quản lý của ngành, đạt 99.7% tổng số hồ sơ học sinh.
Thực hiện công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh đầu cấp trực tuyến qua cổng thông tin điện tử đăng ký tuyển sinh của thành phố. Năm học 2024-2025 có 101.292/102.448 hồ sơ đã thực hiện đầy đủ thông tin hồ sơ tuyển sinh vào lớp một đạt tỷ lệ 98.9%. Số trẻ còn lại chưa có mã định danh là 1.156/102.448 vẫn được hỗ trợ cấp mã định danh tạm phục vụ cho việc tuyển sinh đầu cấp.
Đối với công tác phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Số trẻ 5 tuổi đến trường lớp đạt tỷ lệ 99,5%. Số trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình Giáo dục Mần non đạt 99,9% và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Đặc biệt có 312/312 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập Giáo dục Mần non cho trẻ 5 tuổi.
“Đặc biệt, trong năm học qua lần đầu tiên Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố cho các cơ sở Giáo dục Mần non độc lập đã nhận được sự hưởng ứng của giáo viên, qua đó giáo viên đã thể hiện năng lực chuyên môn và phát triển tài năng”, bà Điệp nhấn mạnh.
Cũng theo bà Điệp, trong thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, các cơ sở Giáo dục Mầm non xây dựng môi trường giáo dục hiệu quả, từ việc chú trọng sử dụng sản phẩm trẻ đến tổ chức tốt các hoạt động. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Quan tâm tới hai từ khóa “an toàn”, “vận động”
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực mà các tập thể, cá nhân đạt được trong năm học qua.
Bà Châu nhấn mạnh, tại hội nghị tổng kết năm học của Giáo dục Mầm non cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề cập tới những thách thức của giáo dục mầm non cả nước, cũng là thách thức của TPHCM, đó là có 7 cái nhất của giáo dục mầm non.
7 cái “nhất” gồm: Thiếu cơ sở vật chất nhất; thiếu giáo viên nhiều nhất; giáo viên nghỉ việc nhiều nhất; thu nhập giáo viên thấp nhất; giáo viên chịu nhiều áp lực nhất; tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất; chính sách đầu tư cho cấp học ít nhất.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, TPHCM đặc thù là thành phố trẻ, dân số đông, sĩ số trẻ tăng nhanh hàng năm nhưng giáo dục mầm non thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ, nhất là trẻ em ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian qua, cơ sở vật chất hệ thống giáo dục mầm non TP ngày càng khang trang, hiện đại, chất lượng nuôi dưỡng giáo dục tốt, nhiều mô hình điểm được nhân rộng cho các đơn vị bạn học tập.
Đặc biệt, các cơ sở Giáo dục Mầm non linh hoạt, chủ động, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đề ra, đảm bảo thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm. Đáng chú ý là công tác chuyển đổi số thời gian qua thực hiện hiệu quả, cụ thể ở việc cập nhật mã định danh cho trẻ, quản lý dinh dưỡng cho trẻ, công khai cơ sở dữ liệu cơ sở giáo dục mầm non…
Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Phó giám đốc Sở đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức, các trường lớp mầm non tiếp tục quan tâm tới giáo dục mầm non, đặc biệt quan tâm tới hai từ khóa “an toàn”, “vận động”. Làm sao để cùng chung tay, cho trẻ em - những công dân của thành phố luôn được an toàn, được vận động, phát triển năng động, toàn diện cả thể chất, tinh thần.
Đồng thời, năm học tới cần tiếp tục phát huy công tác chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục xây dựng hiệu quả trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các cuộc thi cho các giáo viên công lập, ngoài công lập để bồi dưỡng năng lực giáo viên, phát triển thêm các trường mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế…
Bà Lương Thị Hồng Điệp cho biết: “Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Mầm non TPHCM tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND thành phố. Chuẩn bị các điều kiện để thí điểm thực hiện Chương trình Giáo dục Mần non mới; tiếp tục theo dõi lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, đảm bảo đủ số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo,…
Đồng thời tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” năm thứ 4; phát huy mô hình trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”.