Thế nhưng có một nghịch lý là lâu nay đề cập tới vấn đề này rất nhiều người vẫn tỏ ra e dè, thậm chí lảng tránh, khiến trẻ nhỏ tự loay hoay và gây ra không ít hệ lụy buồn.
Nỗ lực nhưng còn nhiều khoảng trống
Không thể phủ nhận là, những năm gần đây vấn đề giáo dục giới tính - một trong những vấn đề được xem là “nhạy cảm” đã dần được tháo gỡ và ngày càng được đề cập cởi mở hơn, bước đầu hé mở những tín hiệu mới giúp cho việc hình thành nhân cách của trẻ.
Những buổi tọa đàm, trao đổi về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên, hay các diễn đàn đã phần nào giải đáp mọi thắc mắc, thầm kín nhất của tuổi học sinh một cách thẳng thắn, rõ ràng và khoa học, trang bị cho học sinh những kiến thức về giới tính.
Các trường học cũng đã bắt đầu lồng ghép giáo dục giới tính cho học sinh, đồng thời thành lập phòng tư vấn tâm lý tuổi hồng với chức năng tư vấn giải đáp những thắc mắc liên quan đến tuổi vị thành niên; lắng nghe mọi tâm tư, khó khăn trở ngại của các em; trợ giúp các em vượt qua những khó khăn để thích nghi tốt hơn với trường học, giúp các em có kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và giới tính vị thành niên...
Thế nhưng, trên thực tế thì đúng là việc giáo dục giới tính cho trẻ em trong độ tuổi học sinh ở nước ta vẫn đang còn những khoảng trống lớn, hay nói cách khác, dường như chúng ta chưa đi đúng quỹ đạo mà cứ mãi “kín cổng cao tường”, cho rằng đó là vấn đề tế nhị, nhạy cảm.
Sự thật là cho đến hôm nay khi nói đến việc giáo dục giới tính cho học sinh thì phần đông mọi người vẫn hay ngại ngùng, e thẹn hay không thoải mái khi đề cập đến vấn đề này. Nhiều bậc phụ huynh học sinh còn e ngại và cho rằng việc đó là “vẽ đường cho hươu chạy”.
Ngay việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay cũng chưa thật sự phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý sớm của học sinh, nội dung vẫn còn chung chung, không thiết thực, mà mới chỉ dừng ở mức lồng ghép vào một số môn học thông tin về dân số, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV chứ nội dung chưa thực sự hấp dẫn và sinh động.
Chính sự thiếu hụt kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên đã dẫn tới hệ lụy là số lượng mang thai ở tuổi vị thành niên của nước ta ngày một tăng cao, trở thành một trong 3 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phá thai với khoảng từ 1,2 - 1,6 triệu ca phá thai mỗi năm, trong đó độ tuổi vị thành niên chiếm 20%.
Cần đổi mới tư duy giáo dục giới tính
Nhìn sang các nước phát triển cho thấy, giáo dục giới tính không còn là điều gì xa lạ đối với học sinh. Họ bắt đầu đưa vào chương trình giảng dạy giáo dục giới tính từ khá sớm, khoảng 9-10 tuổi, thậm chí là từ bậc mẫu giáo, bởi đó là cả một quá trình tìm hiểu, phát triển và tiếp thu các kiến thức phù hợp với từng lứa tuổi.
Với cách giáo dục toàn diện có sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình cùng thái độ thẳng thắn, không ngại ngùng của phụ huynh và giáo viên, cách nhìn nhận vấn đề của trẻ cũng vô tư, coi đó như một kiến thức vô cùng bình thường và tiếp nhận một cách tự nhiên, để khi bước vào tuổi vị thành niên, những kiến thức quan trọng về giới tính, tình dục, sinh sản trở nên bình thường hơn. Chính vì thế học sinh của họ luôn biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình.
Đối với nước ta, dẫu có thể còn nhiều ý kiến trái chiều và định kiến về giáo dục giới tính cho học sinh, nhưng đã đến lúc cũng cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy để trang bị kiến thức về giới tính cho học sinh. Nên chăng đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình chính khóa.
Tất nhiên, những thay đổi tích cực cho thế hệ tương lai không thể ngày một ngày hai hình thành. Nhưng từ một chương trình thống nhất trong nhà trường sẽ dần dần làm thay đổi những suy nghĩ, quan điểm đơn giản nhất về vấn đề giáo dục giới tính, cũng như đưa tầm quan trọng của vấn đề ngày càng được nhìn nhận rõ nét hơn.