Malaysia: Phụ huynh “nóng ruột” vì trường học tái mở cửa

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh Malaysia đã chi số tiền lớn để mua sắm thiết bị phục vụ việc học trực tuyến của con cái.

Giáo viên Malaysia đo thân nhiệt cho học sinh vào ngày 15/7/2020.
Giáo viên Malaysia đo thân nhiệt cho học sinh vào ngày 15/7/2020.

Số khác đặt câu hỏi về sự an toàn của trẻ khi phải đi học lại trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia này.

Để trang bị tốt nhất cho việc học tại nhà của con trai học lớp 2, tháng 1/2021, chị Mazalina Ishak đã cầm đồ một số món trang sức, dùng tiền mua một chiếc máy tính bảng. Nhưng bà mẹ cảm thấy sự hi sinh của mình là vô ích bởi Chính phủ Malaysia vừa thông báo học sinh sẽ quay lại trường từ tháng 3.

Cụ thể, trẻ em tại các trường mầm non, học sinh tiểu học sẽ đi học lại từ ngày 1/3. Học sinh trung học bắt đầu từ tháng 4. Ngày 22/2, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ yêu cầu giáo viên tham gia vào giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Dự kiến, các giáo viên sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin từ ngày 24/2.

Động thái này được đưa ra sớm hơn dự kiến, đặc biệt trong thời điểm Malaysia vẫn đang ghi nhận số lượng các ca nhiễm Covid-19 theo ngày lên tới bốn chữ số.

Chị Mazalina cho biết: “Nếu chính phủ không duy trì phương pháp dạy và học tại nhà, tại sao lại khiến phụ huynh đau đầu xoay xở mua thiết bị công nghệ với giá cao? Tôi có thể sử dụng số tiền đó mua nhu yếu phẩm hay đồng phục mới cho con trai. Tình hình tài chính của gia đình không cho phép tôi vung tiền cho một thiết bị không được sử dụng lâu dài”. Bà mẹ nói thêm phải trả 400 RM (khoảng 2,2 triệu đồng) để mua máy tính bảng.

Mazalina không phải phụ huynh duy nhất bất bình trước thông báo mới của Chính phủ Malaysia. Rất nhiều gia đình tại quốc gia này đã chi những khoản tiền lớn để mua các công cụ học trực tuyến cho con cái. Theo báo cáo của tờ báo Komos Malay vào ngày 16/2, một số đã vay nặng lãi để đáp ứng nhu cầu học tại nhà. 

Anh Ahamad Zainol, 37 tuổi, có hai con đang học tiểu học cho biết cần có kế hoạch rõ ràng để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. “Các trường sẽ cam kết thế nào nếu phụ huynh cho con đi học? Làm thế nào họ đảm bảo hàng nghìn đứa trẻ tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội? Và nếu phụ huynh không cho con đi học, các bài giảng trong ngày có được đăng tải lên Internet không?”, anh Ahamad đặt câu hỏi.

Nhiều phụ huynh đang cân nhắc việc cho con đi học lại. Josephin Lee, 34 tuổi, cho biết: “Có phải chúng ta phớt lờ thực tế rằng trẻ em sẽ phải đối mặt với các mối nguy hiểm từ Covid-19? Học sinh có thể là nhóm lây nhiễm mới và lan truyền virus tại trường”.

Trước khi ra quyết định tái mở cửa trường học, Chính phủ Malaysia đã cho ra mắt Didik TV, kênh giáo dục phổ thông, vào ngày 17/2. Kênh giúp học sinh không có điều kiện tiếp cận với giáo dục trực tuyến có thể theo kịp chương trình học tại nhà.

Dự án này là câu trả lời cho bài toán các gia đình thu nhập thấp tại Malaysia không đủ khả năng mua máy tính xách tay hay máy tính bảng để con cái học trực tuyến.

Tại các vùng nông thôn, do đường truyền Internet yếu, nhiều học sinh phải trèo lên cây, dựng lều trên đồi để học trực tuyến. Chính phủ Malaysia chưa thông báo có tiếp tục hoạt động kênh Didik TV khi các trường học tái mở cửa hay không.

Ông Harry Tan Huat Hock, Tổng Thư ký của Liên minh Giáo dục quốc gia (NUTP), cho biết kênh Didik TV nên được duy trì hoạt động. Đây có thể là công cụ hỗ trợ giảng dạy cho học sinh tại nhà.

Theo Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ