Giành giật sự sống cho bệnh nhân mắc bệnh Whitmore

GD&TĐ - Bệnh viện Bạch Mai vừa thông báo điều trị thành công cho bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sau hơn 2 tháng nằm viện.

Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ổn định sau gần 2 tháng điều trị
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ổn định sau gần 2 tháng điều trị

Bệnh nhân 51 tuổi (người Hòa Bình) có tiền sử đái tháo đường. Trước đó có 1 vết xước ở chân, kèm theo sốt cao được chẩn đoán nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh liều cao tại bệnh viện đa khoa tỉnh trong 12 ngày nhưng không đỡ và xuất hiện thêm ổ áp xe nên được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai.

Tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), qua thăm khám ban đầu trên dấu hiệu chỉ điểm, các bác sĩ nhận định bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (bệnh melioidossis).

Bắt tay vào điều trị, các bác sĩ gặp khó khăn do bệnh nhân từng điều trị kháng sinh liều cao trước đó nhưng không đỡ cộng với tình trạng viêm nhiễm, tiền sử tiểu đường… Những bất lợi trên khiến bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt cao liên tục 39 - 400C, phổi đông đặc phải hỗ trợ thở máy, ổ áp xe ăn vào xương dù điều trị ở tuần thứ 2. Trước tình trạng trên, các bác sĩ quyết định nâng liều kháng sinh, kết hợp nhóm

carbapenem, cotrimoxazole cùng với hội chẩn với nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện để cùng điều trị phối hợp: Cơ xương khớp, nội tiết, hô hấp, huyết học, hồi sức tích cực…

Đến ngày thứ 26, tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng dần với điều trị. Ngày thứ 37, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt. Sau gần 2 tháng nằm điều trị bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Whitmore là bệnh đã rơi vào quên lãng nhưng nay xuất hiện trở lại. Từ đầu năm 2018 tới nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 20 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.