(GD&TĐ)- Tiếng là ở thị xã và giờ là Thành phố, nhưng mấy chục năm qua sự học cũng như việc gieo chữ của bao thế hệ thầy, trò khu Trung Ban thuộc bậc mầm non, tiểu học và THCS xã Hua La (Thành phố Sơn La) rất gian nan. Ngoài việc còn phải học trong những phòng tạm, tranh tre thì con đường đến trường của thầy trò nơi đây cực kỳ vất vả, nhất là sau mỗi trận mưa...
Mặc dù có ý định vào tìm hiểu viết về những khó khăn của thầy trò khu vực Trung Ban nằm trên bản Púa Nhọt, xã Hua La (Thành phố Sơn La), nhưng do các thầy cô giáo “ngại” khi phản ánh với cánh nhà báo về những khó khăn. Do vậy, mãi hơn 1 năm sau tôi mới có cơ hội theo chân thầy trò nơi đây đến trường trong một ngày mưa... Tuy nhiên, để có được một ngày đến trường trong mưa như vậy, trước đó đã phải liên tục điện thoại năn nỉ kết hợp với việc “ép” các thầy cô cho đi cùng...
Những "thiên thần" ở Hua La vượt qua lầy lội để đến trường. |
Gần 23 giờ, mưa cuối mùa hạ ào ào đổ xuống như trút. Tôi vội vã nhắn tin cho một giáo viên Hua La. Chiếc điện thoại Nokia rung lên với âm báo tin nhắn quen thuộc “Mưa thế này, nếu mai vào thì phải đi bộ từ mó nước nóng đến bản Pùa xa 10km đấy em ạ, có 2 đoạn phải lội qua suối em có đi được không?”. Ngay khi nhắn tin trả lời đi được, điện thoại của tôi lại rung lên lần nữa “ok, vậy mai 6 giờ 30 mình từ trụ sở xã đi em nhé”. Tạm gác lại bài viết dang dở, tôi lụi cụi chuẩn bị đồ tác nghiệp cho chuyến đi bộ ngày mai cùng các thầy, cô giáo và học sinh tới điểm trường khu vực Trung Ban. Thấy chồng chuẩn bị như vậy, vợ tôi thắc mắc: “Ở Thành phố chứ có phải đi vùng sâu, vùng xa đâu mà anh chuẩn bị đồ như vậy...!?”
Như đã hẹn từ trước, đúng 6 giờ 30 sáng, có mặt trước trụ sở xã Hua La. Tại đây, đã có hơn chục thầy, cô giáo thuộc các bậc học mầm non, tiểu học, THCS Hua La đang chuẩn bị đồ, áo mưa để vào Trung Ban. Cũng do thông tin sẽ có nhà báo đi cùng nên các thầy, cô giáo đã tập trung lại để chờ. Được biết, nếu hôm nay không phải chờ nhà báo thì giờ này mọi người đã hành quân từ lúc 6 giờ rồi. Bởi do trận mưa to tối qua cộng với sáng nay trời đang lất phất mưa nên nếu không đi sớm thì sẽ muộn giờ lên lớp, cho dù có hơn chục km. Nói là vậy nhưng đa phần những thầy, cô có tiết đầu đều xuất phát từ lúc 6 giờ. Trong đó, có một số thầy “cứng tay” đi xe máy, còn lại giáo viên nữ đi xe máy khoảng 3km rồi gửi lại nhà dân để đi “xe của bộ” cho an toàn và đỡ vất...
Quả đúng như những gì được nghe kể, đoạn đường từ trung tâm xã tới Trung Ban khoảng 10km nhưng khi tiếp xúc với nước mưa, con đường trơn như thể ai đổ mỡ ra đường; lên, xuống những đoạn dốc xe máy cứ trườn như rắn, không vững tay và kết hợp hai chân để chống thì chỉ có nước ngã; có nhiều đoạn chỉ có thể men theo những vết xe sâu chừng gang tay, bởi chỉ cần đi chệch ra là xe đổ. Tiếng là người chuyên đi đường vùng cao nhưng gần 4 km đi xe máy vượt qua những con dốc trơn trượt hay đoạn suối đỏ ngàu đầy sỏi đá cũng khiến tôi toát hết mồ hôi, mặc dù khi đó trời đang mưa. Và chính trên đoạn đường hơn 10km này vào mùa mưa có rất nhiều thầy, cô giáo bị ngã xe hay xe và người lăn xuống phía hủm sâu 4-5m dẫn tới bị bỏng ống xả, sây sát chân tay. Thậm chí, có cô giáo bị ngã xe xuống tà luy âm, bị xe máy đè lên phải nghỉ dạy hơn tháng...
Bò xe máy được gần 4 km thì đến bản Lun. Lúc này, mọi người quyết định gửi xe nhà dân ven đường. Lúc này, vẫn còn 4 thầy cô quyết tâm không bỏ xe vì không muốn đi bộ. Tuy nhiên, 4 chiếc xe máy này sau khi đánh vật thêm gần 1km nữa đã phải chịu khuất phục con đường vì không thể đi được. Do vậy, xe máy lại tiếp tục được gửi nhờ một quán ven đường.
Đúng là đi bộ có phần đỡ thót tim hơn, không phải gồng mình giữ xe vì đường trơn nhưng đi bộ cũng không phải đơn giản vì đường đất có mưa khiến những bước chân nặng hơn, thở gấp hơn và mồ hôi cũng nhiều hơn. Mỗi lần nhấc chân lên như thể có người níu lại. Có những đoạn đường lầy, đất ngập quá mắt cá chân, thậm chí giữa ống chân... Khi còn cách khu Trung Ban chừng 4km, bắt gặp nhiều học sinh quần ống thấp, ống cao bì bõm lội bùn đất, đội mưa vội vã đến trường. Cũng do ở xa nên nhiều em phải đi từ sớm, mang cơm nắm theo để ăn trưa chiều học tiếp. Có nhiều em nhỏ, nhà cách lớp 4 km nên bố mẹ phải đưa các em tới lớp. Vì đường mùa mưa sạt lở nhiều và phải vượt qua suối rất nguy hiểm. Thậm chí, nhiều em do vượt qua đường, suối nên phải mặc quần cộc. Khi đến trường, sau khi rửa chân tay sạch sẽ, các em mới “diện” quần áo dài.
Chị Lèo Thị Ươi, bản Lun, nói: Hôm nào mưa to đều phải đích thân đưa các cháu tới trường. Có hôm mưa to không qua được suối đành cho các cháu nghỉ học. Vì đường đi nguy hiểm, chỉ lo các cháu ngã xuống suối. Như hôm nay phải bỏ nương để đưa con gái và 2 con của chị gái đến trường, cháu lớn do mấy hôm trước đi học gặp mưa ốm nghỉ nhà. Trong khi, 1 ha cà phê của gia đình chín rụng đầy nương vẫn phải bỏ đó để đưa con đến trường. Cũng do đường trơn, sạt lở nhiều cộng với các cháu nhỏ đi chậm nên đi từ lúc 6 giờ 30 phút mà 8 giờ 10 mới đến nơi. Đến chiều khoảng 3 giờ phải xuất phát để đến đón các cháu về. Hầu như hôm nào mưa, đưa con đến lớp là gặp cảnh thầy cô hay bà con ngã xe do đường trơn. Rất mong nhà nước quan tâm đầu tư cho con đường để các cháu đi học đỡ vất cả hơn.
Không chỉ riêng các cháu nhà chị Lèo Thị Ươi đi học muộn do trời mưa, đường trơn mà khi tôi có mặt tại điểm trường Trung Ban lúc 8 giờ vẫn bắt gặp khoảng 20 em học sinh bậc tiểu học và THCS lầy lội bùn đất, đội mưa vội vã tới trường. Đến trường, việc đầu tiên các em làm là vội vã rửa chân tay, lôi sách vở gói trong túi ni lông hay thay quần áo rồi vội vã vào lớp. Chả vậy mà hầu như các lớp của tiểu học và THCS đều có học sinh nghỉ học hay đến muộn. Thậm chí, có lớp còn có hơn chục em nghỉ học vì mưa, đường trơn. Đến ngay như 8 cô giáo bên mầm non do đường quá trơn, lầy lội nên đi được nửa đường đành quay xe lại. Và cũng trong ngày hôm đó, cũng không có học sinh mầm non nào đến lớp.
Được biết, việc dạy và học ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Bởi nếu mưa bất ngờ, mưa to sẽ dẫn tới nước lũ về, không thể đi qua được suối. Thậm chí, nguy cơ lũ ống, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tế đã xảy ra nhiều nhưng may thầy cô giáo nơi đây “biết cách ứng phó” nên chưa để xảy ra trường hợp nào bị ảnh hưởng bởi lũ. Và việc “biết cách ứng phó” ở đây là xem tình hình thời tiết để điều chỉnh việc học. Ví như nếu trời mưa to có nguy cơ gây lũ, không qua được suối là các trường sẽ chủ động cho học sinh về sớm hay nghỉ học để chạy lũ. Trường hợp lũ về bất ngờ, nước suối to, các thầy cô sẽ “giam” các em lại rồi gọi phụ huynh tới đưa các em về. Nếu phụ huynh đưa các em về là phải đi đường vòng qua rừng, vượt núi rất vất vả. Do vậy, việc các thầy cô giáo ngủ lại bản do không qua được suối hay muộn giờ lên lớp là chuyện xảy ra thường xuyên...
Đấy là câu chuyện chỉ vẻn vẹn trong 10km, còn về chuyện cơ sở vật chất của bậc mầm non và tiểu học nơi đây cũng vất vả không kém. Trong năm học này, khu Trung Ban có 250 học sinh tiểu học và 240 học sinh mầm non nhưng vẫn phải học trong các phòng học tranh tre, vách nứa với những chân cột kê không đảm bảo, đa phần đã xuống cấp. Toàn bộ các phòng học này đều huy động từ sức dân mà ra và được làm từ những “ngày xửa ngày xưa”. Trong đó, do thiếu phòng học, bên tiểu học đã phải mượn 2 phòng bên THCS để học, mầm non phải mượn 2 nhà văn hóa. Thậm chí, có những phòng học, mối mọt đã ăn hết cả chân cột, hầu như khung nhà đều đã bị mọt.
Có phòng học, để đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo phải lấy tre chống tạm vào những cột bị mối mọt. Tuy nhiên, các thầy cô thường xuyên phải nhắc các em không được nô đùa ở khu vực đó vì sợ xô vào cột tre. Cũng để giữ ấm cho các em vào mùa đông hay tránh gió, các thầy cô đã có “sáng kiến” dùng bạt quây quanh các bức tường bằng tre, nứa... Tuy nhiên, “sáng kiến” đó vẫn không hiệu quả vì đó không phải là phòng học kiến cố như bên THCS. (Trước đây THCS sử dụng chung dãy nhà tranh tre, vách nứa với tiểu học. Năm 2009 được đầu tư cơ sở mới nên THCS “nhường” lại cơ sở hiện tại cho tiểu học. Và năm học này, bậc THCS cũng có 132 học sinh học ở khu Trung Ban). Lo nhất là khi mưa to, gió lớn, thầy trò trong lớp học không còn tâm trí đâu mà dạy và học. Bởi 8 phòng học tạm của tiểu học và 6 phòng học tạm của mầm non cứ cọt kẹt hay rung lên khi có gió to. Đến ngay như “phòng” các giáo viên tiểu học dùng để làm chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt buổi trưa hay là nơi họp, nơi chờ lên lớp cũng khá ọp ẹp, mưa gió là biết liền. Chả vậy mà các thầy cô thường gọi đùa đó là “phòng đa năng”... Ấy vậy mà lãnh đạo ngành giáo dục còn “chỉ đạo” các thầy cô nơi đây là khi nào có mưa to, gió lớn thì “chạy” sang bên THCS cho an toàn..!? Nói là vậy, nếu xảy ra thật mà dùng “sáng kiến” đó còn nguy hiểm hơn, vì số lượng học sinh đâu phải là ít...
Ông Lò Văn Đôi, Chủ tịch UBND xã Hua La thông tin: Vấn đề đường và cơ sở vật chất của khu Trung Ban được xã kiến nghị rất nhiều rồi. Các cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh, thành phố và ngành giáo dục cũng đã phản ánh nhưng đến nay vẫn chỉ là “kiến nghị”. Như tuyến đường này trước đây đã giải phóng xong, đã thi công nhưng không hiểu lý do gì mà 10 km đường còn lại không thi công tiếp, dẫn tới việc đi lại rất khó khăn. Đã nhiều lần xã cùng các trường huy động sức dân sửa, làm đường nhưng mỗi khi mưa xuống đâu lại đấy. Việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhà nước mới được. Còn về các phòng học tạm cũng đã quá cũ, đa phần do sự đóng góp của nhân dân, mà sự đóng góp của nhân dân cũng chỉ ở mức độ nhất định... Rất mong cấp trên quan tâm tới những khó khăn này của Hua La.
Ngày hôm sau, khoảng 14 giờ, khi hoàn thành bài viết này cũng là lúc trời bắt đầu mưa rào. Lấy điện thoại gọi vào khu Trung Ban được biết trong đó cũng mưa rất to, thầy cô giáo và học sinh trong đó cũng đang lo đoạn đường về, chỉ mong nước suối đừng dâng cao... Do vậy, rất mong ngành GD&ĐT cũng như các ngành liên quan sớm quan tâm tới việc dạy, học và đi lại ở khu Trung Ban. Có thể mong lãnh đạo ngành GD&ĐT hãy thử “vi hành” một chuyến vào khu vực này trong một ngày có mưa để cảm nhận sự vất vả mấy chục năm qua của bao thế hệ thầy, trò nơi đây... Bởi chính những khó khăn đó, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý giảng dạy cũng như chất lượng đào tạo nơi đây. Trong khi số lượng học sinh khu vực này có tới 623 em, nhiều hơn ở khu trung tâm xã...!
Sau đây là những hình ảnh lem luốc của cả thầy và trò khi đến được lớp
Để đến được lớp, các thầy cô phải đi sớm và vượt qua những đoạn đường “láng mỡ”, đoạn suối đầy đá và bùn |
Đoạn nào không đi được xe máy thì gửi xe nhà dân để đi “xe của bộ” |
Để tránh đoạn đường lầy lội, các em học sinh phải đi đường tắt là những con dốc cũng rất trơn |
Con đường đến trường của các học sinh nơi đây vào mùa mưa rất gian nan |
Cho dù cẩn thận đến mấy thì quần áo các em vẫn lấm bùn đất. |
Đến trường, việc đầu tiên là các em rửa chân tay, trong khi quần áo đã ướt đẫm mưa |
Lớp học của học sinh bên tiểu học đã bị mối mọt chân cột... |
Đây được gọi là “phòng hội đồng” của giáo viên bên tiểu học |
Có những lớp, thầy cô phải lấy tre chống thay những cột bị mọt rỗng... |
Có những giáo viên để kịp giờ dạy đã bê nguyên bùn đất lên bục giảng |
Toàn bộ 8 lớp học với 240 học sinh mầm non hôm nay không có giáo viên và học sinh lên lớp vì mưa... |
Luyện Ngọc Tuấn