Gian khó, thử thách chưa bao giờ làm chúng tôi vơi tâm huyết nghề giáo

GD&TĐ - Đó là tâm sự xúc động, tràn đầy nhiệt huyết từ cô giáo Mai Thị Diệu - giáo viên Trường THPT Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) - trong buổi tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn nhà giáo tiêu biểu toàn quốc sáng nay (18/11).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi với các nhà giáo tiêu biểu
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi với các nhà giáo tiêu biểu

Những tâm tư lay động

Buổi gặp mặt trong không khí ngày vui của các nhà giáo như lắng lại khi cô Mai Thị Diệu chia sẻ: Trong 2 tháng 10, 11 vừa qua, mảnh đất miền Trung đã phải hứng chịu một trận lũ kép hiếm có trong lịch sử, nhiều ngôi trường ngập sâu trong nước lũ.

Hôm nay khi chúng ta đang ngồi trong hội trường trang trọng và ấm cúng này, còn rất nhiều giáo viên ở vùng núi rừng như Hương Sơn, Hương Khê - Hà Tĩnh, ở vùng sâu trũng như Quảng Ninh, Lệ Thủy - Quảng Bình vẫn đang miệt mài lật giở từng trang sách chưa kịp khô để lên lớp giảng dạy.

Thầy trò ở dải đất miền Trung quanh năm phải đối mặt với những thiên tai, đâu đó, đối mặt với những đồng lương eo hẹp, phải bươn chải với gánh nặng mưu sinh cũng có những tiếng thở dài mệt mỏi. Nhưng tôi khẳng định, gian khổ, thử thách chưa bao giờ làm chúng tôi vơi hụt đi tâm huyết với nghề.

Cùng chung cảm xúc, cô Nguyễn Thiện Hồng Liên – giáo viên Trường THCS Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) – trong niềm vinh dự là một trong những gương mặt tiêu biểu của giáo viên cả nước tiếp kiến Phó Chủ tịch nước, đã nhắc đến nhiều tấm gương đồng nghiệp vượt qua khó khăn, thiếu thốn để nâng cao chất lượng giáo dục mà động lực chính là tình yêu nghề và tình cảm của học trò.

“Cá nhân tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được làm nghề giáo, được từng ngày chứng kiến sự trưởng thành của học sinh, trở thành điểm tựa niềm tin cho tâm hồn trẻ thơ, để các em bộc lộ tâm tư, khát vọng, đam mê, sáng tạo của bản thân.

Đến bây giờ, điều tôi tâm đắc nhất là được thắp lên ngọn lửa khát vọng sống, khát vọng vươn lên và khát vọng cống hiến cho bao thế hệ học trò; khơi nguồn yêu thương, hướng các em tới các giá trị nhân văn cao đẹp, trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết để bước vào đời” – cô Nguyễn Thiện Hồng Liên chia sẻ.

Đến từ mảnh đất cao nguyên Lang Biang đầy nắng gió, cô Rơ Ông K’ Thủy (Trường tiểu học Păng Tiêng, Lạc Dương, Lâm Đồng) đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho giáo dục; nhờ đó mà cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng, giao thông đi lại thuận tiện hơn giúp học sinh bớt nhiều khó khăn khi tới trường.

Cô giáo cao nguyên đồng thời mạnh dạn bày tỏ mong muốn cán bộ quản lý, giáo viên người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm hơn nữa; con em dân tộc thiểu số được đi học các ngành nghề và bố trí công ăn việc làm; cơ sở trường lớp, hệ thống giao thông tiếp tục được nâng cấp, cải tạo, giúp học sinh đỡ vất vả, khó khăn khi đến trường…

Đoàn nhà giáo tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Đoàn nhà giáo tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh 

Nghề giáo không chỉ rèn chữ mà còn dạy làm người

Gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà giáo trong ngày 20/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đồng thời ghi nhận công lao to lớn của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự phát triển vượt bậc của giáo dục, giúp đất nước từ 95% mù chữ nay đã đạt những kết quả vững chắc về phổ cập giáo dục, từ mầm non đến THPT…

Nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Phó Chủ tịch nước thể hiện quan điểm bên cạnh dạy kiến thức chuyên môn, dạy nghề, cần đặc biệt quan tâm đến dạy làm người, quan tâm kiến thức về giáo dục công dân. Phó Chủ tịch nước đưa ra các giá trị mong muốn được giáo dục đến học sinh, đó là: lòng yêu nước, yêu hòa bình, yêu lao động, yêu thiên nhiên, nhân ái, tự chủ, trung thực, ý thức trách nhiệm, tình thần hợp tác, ham hiểu biết và ham học hỏi, ý thức tự tôn pháp luật.

Nhấn mạnh nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, trọng trách trên vai các thầy cô giáo nặng nề nhưng cũng rất vinh quang; chính vì thế, Đảng, Nhà nước luôn dành những quan tâm đặc biệt cho ngành Giáo dục, Phó Chủ tịch nước đồng thời chia chia sẻ với tâm nguyện các thầy cô giáo và chúc toàn Ngành thành công trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT…

Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Nhận thức sâu sắc, muốn học trò phát triển toàn diện thì thầy cô phải là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, dù khó khăn đến đâu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo để nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT xin tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch nước và tâm tư các nhà giáo, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện các chính sách để GD&ĐT, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.