Giảm thiểu tối đa tử vong do Covid-19 tại các địa phương khu vực phía Nam

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã tích cực hỗ trợ, tăng cường công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, nhằm giảm thiểu tối đa tử vong. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách, sáng 19/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam diễn biến phức tạp (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Đồng Tháp...), ngành Y tế đã tích cực hỗ trợ cho các địa phương khu vực này, tăng cường công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng, nhằm giảm thiểu tối đa tử vong. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trong đó tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại đây quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương. 

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở ô-xy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ô-xy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Nguồn: TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Nguồn: TTXVN.

Không để bệnh nhân thiếu máy thở, nhân viên y tế thiếu phòng hộ

Đến nay, Bộ Y tế đã hỗ trợ 6.844 người cho các địa phương khu vực phía Nam. Ngoài ra, còn hơn 9.000 người sẵn sàng chi viện thêm, tùy theo nhu cầu của các địa phương sẽ sắp xếp.

Bộ đã ban hành và huy động các trang thiết bị, thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng hộ, chuẩn bị năng lực sản xuất, cung cấp khí ô-xy… cho công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chủ động hậu cần trang thiết bị, đặc biệt trang thiết bị xét nghiệm điều trị (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) trong tình huống dịch có mức nguy cơ cao hơn để sẵn sàng đáp ứng. 

Dựa trên phân loại độ nặng, bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện theo chiến lược “tháp 3 tầng”.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế, tăng cường năng lực điều trị cho các khoa hồi sức cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.