Gửi gắm những tâm tư
Nhóm tác giả Phan Thị Lệ Hằng, Đỗ Hải Minh và Đặng Hồng Dũng cho biết, phóng sự "Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ" ra đời từ chuyến đi thực tế của đội ngũ phóng viên Truyền hình Quốc hội khi đồng hành cùng đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Tác phẩm không chỉ phản ánh những bất cập trong công tác đào tạo tiến sĩ, mà còn đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Khai thác một đề tài khó, nhạy cảm như đào tạo tiến sĩ là thử thách lớn đối với phóng viên.
Nhà báo Phan Thị Lệ Hằng tâm sự: "Để hoàn thành phóng sự này, chúng tôi đã phải tiếp cận nhiều nghiên cứu sinh, giảng viên và nhà quản lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ vì e ngại ảnh hưởng tới mối quan hệ với cơ sở đào tạo."
Thuyết phục các nhân vật bày tỏ chân thành là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và nguyên tắc trung thực của người làm báo. Đội ngũ phóng viên đã cố gắng tạo dựng niềm tin với nhân vật để phản ánh chân thật những khó khăn mà nghiên cứu sinh gặp phải, qua đó thấu hiểu sâu sắc hơn về những áp lực mà họ đang gánh chịu.
Qua phỏng vấn, nhóm tác giả nhận thấy tài chính là rào cản lớn đối với các nghiên cứu sinh. Nhiều người phải xoay sở giữa học phí, chi phí nghiên cứu và sinh hoạt.
Cao Thị Thanh Phượng - nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ rằng, cô luôn chịu áp lực cân đối tài chính vì học phí cao và các chi phí thực địa. Khó khăn về tài chính khiến nhiều nghiên cứu sinh phải làm thêm hoặc thậm chí từ bỏ chương trình.
Ngoài ra, yêu cầu đầu ra khắt khe trong thời gian ngắn cũng là một trở ngại lớn. TS Nguyễn Hoàng từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay, một nghiên cứu nếu không hoàn thành kịp thời có thể mất tính mới và giá trị học thuật. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến quá trình học tập mà còn đến chất lượng chung của giáo dục cao học.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra một số bất cập như: Đội ngũ giáo viên hướng dẫn nghiên cứu sinh có trình độ chuyên môn phù hợp còn thiếu, đặc biệt ở những lĩnh vực, ngành đặc thù; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng và phục vụ nghiên cứu khoa học nói chung chưa được đầu tư đúng mức...
Mong cải thiện cơ chế hỗ trợ
"Phóng sự này muốn gửi đến các cơ quan quản lý thông điệp về sự cần thiết của việc cải thiện chính sách đào tạo tiến sĩ, vì sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chúng tôi mong rằng các chính sách thiết thực sẽ giúp nghiên cứu sinh giảm bớt gánh nặng, tăng động lực để có thể tập trung vào học tập và nghiên cứu", nhà báo Đỗ Hải Minh trao đổi.
Với sự quan tâm và vào cuộc của các cơ quan chức năng, hệ thống đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam có thể sẽ có những cải tiến tích cực, đảm bảo không chỉ số lượng mà còn nâng cao chất lượng, tạo nền tảng cho sự phát triển và hội nhập bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VII năm 2024 cho hay, giải đã nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Ban giám khảo đã chọn 80 tác phẩm của 4 thể loại vào vòng chung khảo.
Đại diện ban tổ chức thông tin, các tác phẩm dự thi năm nay cao hơn cả về số lượng và chất lượng. Điều này chứng minh cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của rất đông đảo độc giả cũng như các đơn vị có truyền thống viết về giáo dục.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về sự nghiệp Giáo dục; các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục.
Qua đó nhấn mạnh giá trị, nâng cao tầm quan trọng của ngành Giáo dục đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Giải dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài; thời gian đăng, phát từ ngày 5/9/2023 đến hết ngày 5/9/2024. Lễ tổng kết và trao giải năm nay được tổ chức vào ngày 16/11 tới.