Giảm ham muốn tình dục vì nghiện lướt mạng

GD&TĐ - Với sự phát triển chóng mặt của thời đại công nghệ 4.0, các nền tảng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Tỷ lệ các bạn trẻ đến phòng khám vì liên quan đến vấn đề sinh lý tăng cao. Ảnh: L.Anh
Tỷ lệ các bạn trẻ đến phòng khám vì liên quan đến vấn đề sinh lý tăng cao. Ảnh: L.Anh

Với sự phát triển chóng mặt của thời đại công nghệ 4.0, các nền tảng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng mất kiểm soát, nghiện mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với sức khỏe tình dục của nam giới và nữ giới.

Vợ chồng cãi nhau vì ngại quan hệ

Với cả nam giới và nữ giới, thói quen sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát sẽ gây suy giảm ham muốn tình dục, tăng sự không thỏa mãn tình dục, khó đạt cực khoái. Từ đó, tình cảm của vợ chồng thiếu sự đồng cảm, dẫn đến phát sinh nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống.

Làm công việc môi giới bất động sản, thường xuyên phải tham gia các hội nhóm để kiểm tra và trả lời tin nhắn của khách hàng, chị N.T.V. (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) dành hầu hết thời gian để tham gia mạng xã hội. Facebook, Instagram, Telegram, Zalo, Viber… là tất cả các nhóm (group) mà chị V. tham gia.

Tin nhắn từ các hội nhóm hiện lên dày đặc trên màn hình nền điện thoại. Công việc của chị V. không gò bó thời gian như nhân viên văn phòng, nhưng yêu cầu không được rời điện thoại và trả lời chậm tin nhắn của khách.

“Thực ra không công ty nào yêu cầu khắt khe việc này, nhưng muốn ‘chốt sale’ nhanh thì không thể làm khách hàng phật ý. Việc trả lời nhanh khi khách có nhu cầu sẽ tăng tỷ lệ bán thành công hơn. Ngoài thời gian phải đi gặp khách, về nhà tin nhắn đến liên tục. Lâu dần, tôi không còn muốn gần gũi chồng.

Buông được điện thoại cũng là lúc cơ thể bắt đầu kiệt sức, chỉ muốn ngủ. Việc quan hệ giữa hai vợ chồng chỉ là hình thức ‘trả bài’ cho xong, không hề có cảm giác thoải mái, thư giãn như trước kia”, chị V. chia sẻ.

Không riêng gì nữ giới bị suy giảm tình dục do nghiện mạng xã hội, theo nghiên cứu của Twenge et al. (2018) trên Clinical Psychological Science, việc sử dụng mạng xã hội liên tục có thể gây ra sự gia tăng căng thẳng và lo lắng, làm tăng nồng độ cortisol - hormone gây căng thẳng, đồng thời ức chế sự sản xuất testosterone, ảnh hưởng trực tiếp đến ham muốn tình dục và khả năng hoạt động tình dục ở nam giới.

Anh L.M.S. (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM), là một nhân viên văn phòng, đã kết hôn 5 năm. Hai năm gần đây, anh S. thường xuyên sử dụng điện thoại, nhất là khoảng thời gian trước khi đi ngủ.

Anh S. chia sẻ, mỗi ngày anh dành khoảng 1 - 2 giờ lướt mạng xã hội, xem tin tức, tương tác với bạn bè. Lướt mạng xong, anh S. đi ngủ, không còn hứng thú và tần suất quan hệ với vợ cũng giảm. Lâu dần, anh S. có cảm giác hai vợ chồng bị xa cách nên quyết định đi khám.

TS.BS.CKII Trà Anh Duy - Giám đốc điều hành Trung tâm Sức khỏe nam giới Men’s Health, cho biết, anh S. có dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nam giới testosterone do ảnh hưởng tâm lý từ thói quen nghiện mạng xã hội.

Thực tế, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại và các thiết bị điện tử có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến nồng độ testosterone - hormone chủ yếu điều chỉnh ham muốn tình dục ở nam giới. Việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều vào ban đêm cũng khiến nhiều người giảm thời gian nghỉ ngơi. Từ đó, gia tăng căng thẳng và mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục.

giam-ham-muon-tinh-duc-vi-nghien-luot-mang-1.jpg
Nghiện mạng xã hội là tình trạng phổ biến trong xã hội hiện nay, nhất là đối với các bạn trẻ. Ảnh: ITN

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

Hiện nay, mạng xã hội là công cụ giúp con người giải trí, giao tiếp, kết nối với nhau dù ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, nghiện sử dụng mạng xã hội sẽ làm ảnh hưởng tâm lý, suy giảm sức khỏe tâm thần, chủ yếu gặp ở các bạn trẻ, làm giảm ham muốn tình dục, sống xa cách, ngại tương tác và giao tiếp với nhau.

Theo BS Trà Anh Duy, đối với các bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe tâm lý liên quan đến giảm ham muốn tình dục do nghiện mạng xã hội, ngoài việc được chỉ định sử dụng thuốc hỗ trợ, bệnh nhân cần ngừng sử dụng mạng xã hội ít nhất một giờ trước khi đi ngủ, tập thể dục để cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sản xuất testosterone tự nhiên.

Đồng thời, bệnh nhân được khuyên tham gia vào các hoạt động tương tác trực tiếp với vợ hoặc chồng để phục hồi tình cảm và hứng thú tình dục. Bệnh nhân cũng cần thực hiện liệu pháp tâm lý nhằm giúp quản lý căng thẳng và giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội. Ngoài ra, bệnh nhân được yêu cầu tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể thao để cải thiện sức khỏe tâm lý và tăng cường tuần hoàn máu, giúp phục hồi hormone testosterone.

Các chuyên gia xã hội học nhận định, với tốc độ phát triển chóng mặt, mạng xã hội có các tính năng, dịch vụ hấp dẫn để giữ người sử dụng thời gian lâu. Không có quy định mỗi người phải sử dụng bao nhiêu thời gian trên mạng xã hội nhưng việc thoát ra rất khó thực hiện.

Với đa số người dùng, mạng xã hội kích thích trí tưởng tượng, tò mò, khiến họ đắm chìm “hết mục này đến mục khác” mà mất kiểm soát về thời gian. Trong nhiều trường hợp, nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao hơn cả nhu cầu ngủ nghỉ, sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và sức khỏe tâm lý.

“Để duy trì sức khỏe tâm thần và sức khỏe tình dục lành mạnh, mỗi người cần điều chỉnh thời gian sử dụng mạng xã hội, có thói quen sống lành mạnh. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất ổn, khó thoát khỏi các thiết bị điện tử.

Nếu cảm thấy khó chịu khi không thể lên các nền tảng mạng xã hội, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục…, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn thăm, khám kịp thời, phát hiện sớm nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp”, BS Duy khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, nghiện mạng xã hội là tình trạng một người dành quá nhiều thời gian cho các mạng xã hội trực tuyến, gây tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống, công việc, suy giảm sinh lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.