Đồng tình chọn phương án 1
Việc rút ngắn môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn xuống còn 4 môn, trong đó có hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, hai môn thi tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Địa), Ngoại ngữ là môn khuyến khích cộng điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT được các chuyên gia, các nhà GD, dư luận xã hội lựa chọn áp đảo.
Thầy Lê Văn Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) - cho biết: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT và theo tôi nên chọn phương án 1.
Nếu thực hiện ngay trong năm 2014 thì càng tốt, bởi lẽ: Thứ nhất, hiện nay HS và cha mẹ HS cả nước đang kỳ vọng vào sự thay đổi của Bộ. Thứ hai, HS đã có ý thức học tập thì thi nhiều môn hay ít môn đều không quan trọng. Còn với những HS đã không có ý thức học tập thì kể cả thi 2 môn cũng hỏng, vẫn thi trượt.
Thứ ba, thực hiện như dự thảo sẽ giảm bớt sự vất vả cho các nhà trường và các hội đồng coi thi (HĐCT). Ở đây cả HS và GV cùng hưởng lợi. Với các em HS sẽ giảm áp lực thi cử vì thi ít môn. Còn GV trông thi sẽ giảm bớt một ngày đi coi thi.
Về 2 môn tự chọn, tôi nghĩ Bộ nên thành lập ban bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra 2 môn thi còn lại (ngoài Toán và Văn) chứ không nên để HS tự chọn vì như thế sẽ gây khó khăn và áp lực trong việc điều hành của các HĐCT.
Khi đề cập về phương án 1, các bậc phụ huynh đang có con học Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) ủng hộ nhiệt tình quan điểm đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT đề ra.
Theo anh Vũ Xuân Thành, phụ huynh của em Vũ Thùy Linh, HS lớp 12: Phương án thi 4 môn sẽ giảm được gánh nặng thi cử hiện nay cho HS, một chủ trương mà ngành GD cũng như xã hội đang rất quan tâm. Thêm vào đó, còn giảm kinh phí thi cử tốn kém cũng như công sức GV trông thi và chấm thi. Đơn cử, GV thay vì trông thi 3 ngày thì nay chỉ còn trông thi 2 ngày.
Thi 4 môn là hợp lý
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc - Hoàng Minh Quân khẳng định: Việc giảm môn thi, được lựa chọn môn thi mà mình ưa thích, học sinh sẽ phấn khởi, tự tin, tích cực học tập, phát huy được năng lực, sở trường của bản thân để đạt kết quả cao hơn.
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014, tôi cho rằng sẽ nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội, đặc biệt là các nhà trường và giáo viên, học sinh vì những đổi mới này phù hợp với việc học, việc thi hiện nay.
Cũng có ý kiến cho rằng như thế là sớm, nhưng theo tôi lộ trình này là hợp lý vì điều này cần phải thực hiện cho phù hợp với tiến trình đổi mới thi ĐH – CĐ, theo đúng tinh thần Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Ban chấp hành Trung ương 8, khóa XI.
Thực tế những công việc này, Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT và các nhà trường cũng đã có tâm thế đổi mới để việc học, việc thi sao cho đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, nhưng cũng không quá rườm rà, phức tạp, gây tốn kém và lãng phí.
Việc Bộ GD&ĐT quyết định đổi mới thi tốt nghiệp THPT là việc có thể thực hiện được ngay trong năm 2014 này. Các công đoạn thực hiện là phương án, cách thức, chứ không cần tập huấn cán bộ, giáo viên với những quy trình phức tạp cần đầu tư tài chính tốn kém.
Theo tôi việc các phương án đổi mới thi tốt nghiệp năm 2014 được Bộ GD&ĐT đưa ra vào thời điểm này không có gì là gấp cả, vì hàng năm cũng phải đến cuối tháng 3 Bộ GD&ĐT mới công bố các môn thi tốt nghiệp.
Hơn nữa, các phương án đổi mới thi tốt nghiệp lần này được đưa ra mới chỉ là việc giảm môn thi, thay đổi môn thi, và lại đơn giản hóa, đi vào trọng tâm nên chắc chắn sẽ không có sự xáo trộn gì đối với học sinh.
Hơn nữa, chủ trương đổi mới cũng gắn với giảm áp lực, giảm tốn kém, đặc biệt là việc phối hợp đánh giá cả quá trình học tập và thi tốt nghiệp là điều được nhiều người hoan nghênh.
Nếu như trước đây, các môn thi tốt nghiệp được Bộ GD&ĐT lựa chọn và quyết định thì nay Bộ trao quyền lựa chọn môn thi cho các em, số môn thi lại giảm đi.
Như vậy là học sinh có lợi hơn vì được thi ít môn, được chọn môn phù hợp với thế mạnh của mình. Chắc chắn, việc thi cử vì thế sẽ giảm áp lực hơn rất nhiều.
Còn với 2 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Phương án 1: bắt buộc thi môn Toán, Văn và 2 môn tự chọn. Phương án 2: Bắt buộc thi môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn. Tôi nghiêng về phương án 1. Việc chọn thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là hợp lý.
Riêng với môn Ngoại ngữ, tôi cũng đồng ý với quan điểm ngoại ngữ là quan trọng trong thời buổi hiện nay, nhưng với điều kiện dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường chưa đồng đều thì môn Ngoại ngữ chỉ nên là môn thi để cộng điểm cho các em.
Thực tế là với điều kiện học ngoại ngữ ở nước ta có sự phân cách lớn, học sinh ở nông thôn, miền núi khả năng ngoại ngữ sẽ kém ở các đô thị, vùng kinh tế phát triển.
Như vậy, nếu bắt buộc thi môn Ngoại ngữ chắc chắn sẽ bất lợi cho học sinh ở những vùng miền núi khó khăn. Việc bắt buộc thi môn Ngoại ngữ có thể thực hiện được bình thường sau 3 - 5 năm tới.
Có lẽ ai cũng hiểu rằng, đổi mới là để cho tốt hơn, với ngành Giáo dục và nhà trường cũng vậy, đổi mới để học sinh hào hứng học tập hơn, cách dạy và học thực tế hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn nữa. Bộ GD&ĐT đã công bố các phương án đổi mới để lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và xã hội là việc làm cầu thị và đáng hoan nghênh.