Giải trình tự gene loài Sao la

GD&TĐ - Nhóm các nhà khoa học đã giải trình tự toàn bộ bộ gene của loài Sao la và lần đầu tiên xác lập được đặc điểm di truyền quan trọng của loài thú này, mở ra triển vọng phục hồi quần thể loài này.

PGS.TS Lê Đức Minh (thứ 4 từ bên phải qua) cùng một số đồng nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang).
PGS.TS Lê Đức Minh (thứ 4 từ bên phải qua) cùng một số đồng nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang).

Xác lập đặc điểm di truyền

Nhóm các nhà khoa học quốc tế - dẫn đầu là các giáo sư từ Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) - đã tiến hành nghiên cứu hệ gen hoàn chỉnh của loài Sao la, với sự cộng tác của các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có PGS.TS Lê Đức Minh đến từ Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nghiên cứu được thực hiện trên 26 mẫu Sao la quý giá được thu thập và lưu giữ trong hơn 30 năm - bao gồm cả xương và mô mềm từ các mẫu vật do người dân địa phương cung cấp. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự toàn bộ bộ gene, và lần đầu tiên xác lập được đặc điểm di truyền quan trọng của loài thú này.

Theo PGS.TS Lê Đức Minh, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú móng guốc thuộc họ trâu bò, đặc hữu của dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Được phát hiện lần đầu vào năm 1992 tại Vũ Quang (Hà Tĩnh), Sao la ngay lập tức gây chấn động giới khoa học quốc tế khi là loài thú lớn đầu tiên được phát hiện tại khu vực sau hơn 50 năm.

Đây cũng là loài thú lớn cuối cùng được phát hiện trên thế giới. Với những đặc điểm hình thái đặc biệt - đặc biệt là cặp sừng cong giống loài linh dương Oryx - Sao la được xếp vào một giống hoàn toàn mới là Pseudoryx.

Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện, Sao la vẫn là một trong những loài động vật có vú bí ẩn nhất thế giới do quần thể phân bố rất nhỏ và cực kỳ khó quan sát trong tự nhiên. Lần cuối cùng ghi nhận Sao la bằng bẫy ảnh là năm 2013 tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.

Phân tích di truyền cho thấy Sao la là một loài thú cổ, có họ hàng xa với các loài trâu bò. Mặc dù phạm vi phân bố rất nhỏ, nhưng Sao la có sự phân hóa di truyền thành hai quần thể chính: một ở phía Bắc (Hà Tĩnh - Quảng Bình) và một ở phía Nam (Huế - Quảng Nam). Sự phân hóa này được ước tính xảy ra cách đây khoảng 5.000 - 20.000 năm, trùng với thời kỳ băng hà cuối cùng.

PGS.TS Lê Đức Minh cho biết, một điểm đáng chú ý là Sao la mang tải trọng di truyền cao do có các vùng bộ gen dài thiếu đa dạng - đặc trưng của các loài nguy cấp. Tuy nhiên, các biến thể có hại chủ yếu tập trung ở các vùng không mã hóa, và không được chia sẻ giữa hai quần thể, cho thấy khả năng kháng chịu và cơ chế tự loại bỏ gen lặn có hại của loài này vẫn đang tồn tại.

Triển vọng lai tạo phục hồi quần thể Sao la

PGS Lê Đức Minh cho biết, nghiên cứu cũng chứng minh rằng việc kết hợp các cá thể từ hai quần thể trong các chương trình nhân nuôi sinh sản sẽ giúp tăng đáng kể khả năng sống sót và phục hồi của loài cả trong ngắn và dài hạn. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để triển khai các kế hoạch bảo tồn, phục hồi quần thể Sao la trong tương lai.

Nghiên cứu này của nhóm vừa được công bố trên Tạp chí Cell - một trong những tạp chí khoa học có chỉ số ảnh hưởng hàng đầu thế giới tập trung vào các nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học. Việc công bố một nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội trên tạp chí này là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế và năng lực hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam.

PGS Lê Đức Minh cảm thấy vui mừng vì đã có cơ hội đóng góp một phần vào việc bảo tồn một loài động vật quý hiếm mang tính biểu tượng của dãy Trường Sơn. Điều ông Minh trăn trở là mặc dù hiện nay Việt Nam xếp thứ 14 trong số các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song công tác bảo tồn chưa xứng với tiềm năng.

Một khó khăn đối với các công trình nghiên cứu cũng như các chương trình về bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay nằm ở vấn đề kinh phí. Chẳng hạn, khi thực hiện một dự án về bảo tồn, chúng ta chưa có quy định về chi ngân sách, dẫn đến phải lồng ghép với các nội dung khác, ví dụ lồng ghép các hoạt động bảo tồn hổ hoặc rùa với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, kinh phí cho bảo vệ rừng vốn đã hạn hẹp nên san sẻ thêm cho các hoạt động bảo tồn là thách thức rất lớn.

Để các dự án bảo tồn đa dạng sinh học có thể hoạt động mang tính bài bản, lâu dài, cần có quy định chi ngân sách Nhà nước, tức là cần xây dựng nguồn ngân sách riêng biệt cho lĩnh vực này hoặc thực hiện xã hội hóa, toàn xã hội chung tay công tác bảo tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Kỳ vọng kịch bản bất ngờ

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 đến Ả-rập Xê-út, bắt đầu chuyến công du Trung Đông theo kế hoạch...