(GD&TĐ) - Ngày 23/9, trước Kì họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Trị. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, chia sẻ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ghi nhận các ý kiến, đồng thời giải tỏa nhiều băn khoăn của cử tri liên quan đến các vấn đề “nóng” của GD&ĐT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ với cử tri |
Việc làm sau khi ra trường được quyết định ngay từ lúc chọn ngành học
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Việc làm của sinh viên sau khi ra trường là vấn đề quan trọng của đất nước cũng như trong các gia đình hiện nay. Hiện Chính phủ đã có quy hoạch nguồn nhân lực, đồng thời yêu cầu các tỉnh công bố công khai nhu cầu và các vị trí việc làm tại địa phương để HS - SV và gia đình biết để cân nhắc, quyết định chọn ngành học.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nêu rõ khó khăn hiện đang tồn tại là: Việc đào tạo và sử dụng sinh viên – người lao động đã khác xa với thời kỳ bao cấp. Người lao động phải chủ động cân nhắc chọn lọc từ ngành học đến nơi xin việc, nơi làm việc.
Thêm vào đó, hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học, quyền chủ động trong đào tạo thuộc về các trường; Bộ GD&ĐT không nắm quyền giao chỉ tiêu cho các trường nữa mà chỉ tạo điều kiện trong cơ chế quản lý và kiểm tra chất lượng đào tạo của các trường ĐH - CĐ.
Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã có những thông tin công khai về vấn đề này rất rộng rãi. Chính vì vậy, lựa chọn ngành nào, trường nào hoàn toàn phụ thuộc vào học sinh và gia đình. Do vậy các bậc làm cha, làm mẹ cùng cần phải tìm hiểu nhu cầu lao động vàxu hướng việc làm hiện nay củađịa phương để có định hướng cho con cái trong việc chọn trường, chọn ngành phù hợp với lực học và điều kiện kinh tế gia đình mình.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hiện nay, việc tuyển dụng lao động là do các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động quyết định. Việc đào tạo, dạy nghề do các nhà trường trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng vàqui mô, qui hoạch và nhu cầunguồn nhân lực của từng địa phương, từng vùng phù hợp và đápứng nhu cầu nhân lực.
Các Bộ, ngành liên quan trên các cơ sở qui hoạch, thực tế đó cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng các cơ sở đào tạo và thông tin cho người học để có những quyết định đúng đắn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với cử tri xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) |
Sẽ thay đổi nội dung dạy - học, cách thi, kiểm tra - đánh giá
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Cùng với việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm tràn lan vì tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một loạt chính sách liên quan việc dạy và học, lâu dài và căn bản sẽ thay đổi cả nội dung dạy và học, cách thi, cách kiểm tra - đánh giá. Việc này Bộ GD&ĐT đã thí điểm và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Mấy năm trước chỉ có những học sinh ở thành phố, thị xã, gia đình có tiền đi học thêm thì mới đỗ được đại học, mới đỗ được thủ khoa. Gần đây số lượng các cháu ở vùng sâu, vùng xa, các cháu ở nông thôn không học thêm vẫn đỗ đại học, vẫn đỗ thủ khoa vào các trường đại học chất lượng cao ngày càng nhiều. Thậm chí, có học sinh ở Sơn La hai năm liền đều đạt Huy chương Vàng quốc tế.
Những em gia đình có điều kiện, nếu không có ý chí, không có thực lực thì dù học thêm nhiều vẫn không đỗ đại học. Bản thân nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình đi học thêm để luôn đạt điểm cao nhất lớp, nhất trường.
“Nếu chỗ nào thấy hiện tượng dạy thêm học thêm là tiêu cực, phụ huynh cần mạnh dạn thông báo với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng, Sở GD&ĐT. Đừng sợ việc con mình bị trù dập hay việc thông báo này gây ảnh hưởng đến việc học của các cháu” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Biến động giá cả, cách thức triển khai…tác động đến tiến độ của một đề án
Về Đề án“Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Tiến độ Đề án không chậm.
Theo vị lãnh đạo ngành Giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Đề án không xây hết số phòng đề ra trong kế hoạch ban đầu. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do biến động giá nguyên vật liệu, nhân công tăng đột biến đã “đội” tổng mức đầu tư của dự án lên nhiều lần so với thời điểm phê duyệt đầu tư. Và với khoản tiền ban đầu, đáng lẽ xây được 10 phòng, nhưng với thời giá hiện tại, chỉ có thể xây được 4 - 5 phòng.
Bên cạnh đó, tiến độ Đề án còn bị tác động bởi cách thức triển khai, thực hiện của các địa phương...
Biên chế cho giáo viên, địa phương cần linh hoạt thực hiện
Về các Thông tư hướng dẫn biên chế giáo viên và một số chức danh khác trong nhà trường, Bộ trưởng nêu rõ: Hiện đã có Nghị định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; BộGD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai thông tư hướng dẫn triển khai trong ngành GD&ĐT, trong các nhà trường, cơ sở giáo dục các cấp.
Về việc xác định mức biên chế giáo viên ở các cơ sở giáo dục, trường phổ thông hiện nay giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng thuận lợi như nhau chưa hợp lý - Bộ trưởng khẳng định: Khi xây dựng định mức này đã có tính đến các yếu tố đặc thù vùng miền như mật độ dân số, khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội... Tuy nhiên định mức này chỉ là tương đối, vấn đề quan trọng là địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để triển khai thực hiện sao cho hiệu quả.
Với các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Giáo dục liên quan đến các vấn đề: Phụ cấp đối với nhân viên, phụ cấp cho cán bộ quản lý; nên giữ hay không kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT; việc triển khai phân cấp quản lý theo Nghị định 115 ở nhiều huyện còn khác nhau, chưa thống nhất và còn nhiều vướng mắc..., Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã có những giải đáp, chia sẻ thẳng thắn, chân tình.
Các trường THPT chuyên chuẩn bị điều kiện để triển khai chủ trương mới
Về chủ trương dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường THPT chuyên của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng nêu rõ: Đây là một chủ trương được các trường chuyên hoan nghênh. Tuy nhiên việc giảng dạy Tiếng Anh đối với các môn học này không phải làm ồ ạt, nơi nào đủ điều kiện mới triển khai.
Theo đó, các trường nên tích cực chuẩn bị để đủ điều kiện thực hiện. Phải chọn lấy số đông và lớp nào, học sinh nào, đối tượng nào đủ tiêu chuẩn trong trường THPT chuyên để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thông báo đến cử tri những quan điểm chung, xuyên suốt và nội dung chính của Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần Đại hội XI của Đảng. |
Minh Ngọc - Bá Hải