Tâm thế các bên trước thềm Tehran- 18
Cả thế giới theo dõi cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi Tehran- 18. Lẽ dĩ nhiên, Tehran-18 khác hẳn Tehran-43 cả về quy mô lẫn tầm quan trọng. Theo “Kommersant”, lúc đầu các nhà tổ chức định tổ chức cuộc gặp này ngay tại sân bay Tehran, tuy nhiên, quyết định cuối cùng là ở dinh Tổng thống nước cộng hòa Hồi giáo. Đây là cuộc gặp thứ 3 trong năm nay của bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, những nước có vai trò quyết định đến cuộc chiến ở Syria. Thực tế cho thấy, kể từ khi có liên minh ba bên, cục diện cuộc chiến ở Syria đã hoàn toàn đổi khác. Từ chỗ chỉ kiểm soát được 1/3 lãnh thổ Syria, giờ đây quân chính quyền Bashar Assad đã kiểm soát gần hết lãnh thổ nước này. Chỉ còn lại Idlib - sào huyệt cuối cùng của quân nổi dậy và các nhóm khủng bố. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, để kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm với bao đau thương ở Syria không có con đường nào khác là phải tấn công Idlib.
Thực ra, quân Chính phủ Syria đã chính thức tấn công Idlib từ tháng 2 năm nay và đã giải phóng được một phần lãnh thổ Idlib. Vào thời điểm hiện tại, phe nổi dậy được sự ủng hộ của Mỹ và các nhóm khủng bố đang kiểm soát 70% lãnh thổ Idlib.
Theo kế hoạch, không quân Nga sẽ ném bom rải thảm Idlib và quân Chính phủ Syria sẽ “thu dọn chiến trường” trên mặt đất. Tối hậu thư cho các tay súng ở Idlib coi như đã phát ra, họ chỉ có quyền lựa chọn: Hoặc là đầu hàng, hoặc là chết.
Có điều, trong số lực lượng nổi dậy ôn hòa đang đồn trú tại Idlib, một số lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ trước đây. Chính vì vậy, để đảm bảo cho lợi ích của các bên, một số lực lượng nổi dậy ôn hòa có thể giữ nguyên vị trí dưới cái ô bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trả lời phỏng vấn tờ "Nezavisimaya Gazeta", cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách về chuyển đổi chính trị ở Syria, Frederic Hof cho rằng mục đích chính của Damascus là sự phá hủy cơ sở hạ tầng của phe đối lập.
“Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng rằng 3,5 triệu người tị nạn sẽ tràn vào đất nước họ. Vấn đề là dân thường có thể không có nơi nào để trốn trên lãnh thổ Syria" - Frederic Hof nhận định.
"Tôi hy vọng rằng cuộc họp ở Tehran sẽ giúp tránh một thảm họa nhân đạo ở Idlib" - Hof nói. "Tôi sợ rằng, các thành phố, làng mạc và vùng ngoại ô đã chống lại "Orat Tahrir ash Sham" và chống lại Assad sẽ là trọng tâm của cuộc tấn công quân sự của chế độ Syria. Nhiệm vụ chính của Assad là tiêu diệt xã hội dân sự và chính quyền địa phương nơi nó tồn tại. "Khủng bố" là mục tiêu phụ. Tôi nghi ngờ rằng, Moscow và Tehran sẽ cố gắng thuyết phục Ankara tiến hành sơ tán dân sự từ các khu vực dân cư đông đúc để các cuộc oanh tạc tập trung diễn ra với thương vong tối thiểu. Chủ yếu, Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng rằng 3,5 triệu người tị nạn sẽ tràn vào đất nước họ. Vấn đề là dân thường có thể không có nơi nào để trốn trên lãnh thổ Syria" - Frederic Hof nhận định.
Căng thẳng hơn, vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh Tehran-18, Washington tỏ thái độ giận dữ nếu Idlib xảy ra đổ máu. Căng thẳng hơn, Washington tuyên bố hủy bỏ kế hoạch rút 2.200 binh lính của họ ra khỏi Syria theo lộ trình đã hiệp thương trong thời hạn từ nay đến cuối năm.
Và quyết định của cuộc gặp 3 bên
Tuy nhiên, quyết định của Mỹ sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, thậm chí sẽ không làm chậm quá trình giải quyết vấn đề Idlib. Giờ đây, số phận của Idlib hoàn toàn phụ thuộc vào nhóm 3 nước (Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) thông qua kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh tại Tehran.
Ba Tổng thống đã quyết định yêu cầu Damascus hoãn cuộc tấn công vào Idlib. Nguyên nhân được đưa ra là cần thêm thời gian cho các lực lượng ở Idlib - những người sẵn sàng chấp nhận một kết cục không thể tránh khỏi và những người vẫn còn muốn chiến đấu.
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi binh lính ở Idlib giải giáp. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran yêu cầu các chiến binh ở Idlib hạ vũ khí một cách hòa bình để đạt được mục tiêu chính trị. Tổng thống Nga V. Putin cho rằng, nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là trục xuất các chiến binh từ Idlib, nơi "sự hiện diện của họ có một mối đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân Syria và cư dân của toàn bộ khu vực". Tổng thống Nga nhấn mạnh, mọi nỗ lực nhằm trì hoãn của những kẻ khủng bố dưới cái cớ bảo vệ thường dân là không thể chấp nhận và Idlib cuối cùng phải đặt dưới sự kiểm soát của Damascus.
"Chính phủ Syria hợp pháp có quyền nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của đất nước"- V. Putin khẳng định.
Thổ Nhĩ Kỳ không chống lại việc giải giáp vũ khí của một số chiến binh, nhưng tuyệt nhiên không muốn xảy ra những trận chiến với quy mô lớn ở Idlib. Ai cũng hiểu rằng điều này sẽ dẫn đến một dòng người tị nạn mới tràn vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ankara không muốn mất quyền kiểm soát một phần những tỉnh tiếp giáp với lãnh thổ của mình và vùng đất của người Kurd Syria (được coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh của họ). Chính vì vậy, Erdogan nói: "Những người dân Idlib đang cực kỳ đau khổ. Vụ đánh bom là một mối đe dọa cho họ (ý tôi là dân thường). Bởi vì làn sóng di cư bắt đầu từ đây. Cuối cùng, mọi người nhìn sang biên giới của chúng tôi và một lần nữa họ có thể quay lại. Một mặt nên có một thỏa thuận ngừng bắn và mặt khác phải có các biện pháp chống lại những kẻ khủng bố".
Chia sẻ với Tổng thống Erdogan, Tổng thống Nga V.Putin nói: Tôi cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ như vậy là đúng, là tốt. Nhưng chúng tôi không thể vì họ mà không nói với những kẻ khủng bố "Jabhat al-Nursa" hay IS rằng, họ phải ngừng bắn, ngừng sử dụng máy bay không người lái tấn công vào căn cứ Khmeimim.
Như vậy, quyết định cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ là tạm dừng tấn công Idlib.
Tuy nhiên, cuộc họp tiếp theo của ba nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức tại Moscow hay ở đâu đó trong đầu năm tới. Và khi đó, vấn đề giải giáp vũ khí ở Idlib phải được quyết định. Vào thời điểm đó, một phần của tỉnh sẽ được trả lại cho chính quyền Syria. Những người tị nạn sẽ được dời sang các khu vực khác nhau của Syria, những nơi đang có hòa bình. Vào cuối mùa đông năm nay, tại một cuộc họp ở Moscow có thể sẽ có quyết định cuối cùng về việc tấn công Idlib.
Vào những năm tiếp theo, Syria sẽ thực sự đi vào ổn định và chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phục hồi sau chiến tranh.