Giải pháp nào giảm bớt thiệt hại từ Covid-19 cho cơ sở giáo dục?

Giải pháp nào giảm bớt thiệt hại từ Covid-19 cho cơ sở giáo dục?

Thiệt hại nặng nề

Có tới hơn 472 ngàn cán bộ, GV thuộc các trường, nhóm, lớp ngoài công lập (NCL) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh- Báo cáo đánh giá tác động COVID-19 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mới đây nêu.

Hàng trăm ngàn GV, nhân viên của các cơ sở GD NCL bị mất việc làm, không còn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Chỉ riêng ở Hà Nội (địa phương thực hiện khá thành công các Nghị quyết về xã hội hóa GD) có 45.842 giáo viên, nhân viên các cơ sở GD NCL (10.066 người tại các trường mầm non và 27.300 người tại các nhóm trẻ; 2.784 người tại các trường tiểu học; 1.192 người tại các trường THCS và 4.470 người tại các trường THPT), đã có gần 40.000 người phải cắt giảm lương, hàng ngàn người không được nhận lương.

Giải pháp nào giảm bớt thiệt hại từ Covid-19 cho cơ sở giáo dục? ảnh 1
Những lớp học ở Trường Alpha (Hà Nội) vắng bóng HS vì Covid-19

Ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ GD&ĐT) thông tin với Báo GD&TĐ: “Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ, để đồng hành, giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở GD quốc dân, trong đó đặc biệt là các cơ sở GD ngoài công lập (NCL). 

Thời gian qua, hệ thống các cơ sở GD trong và NCL đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning, nhằm giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nhiều chính sách ưu đãi đã được các cơ sở GD triển khai như: Cấp học bổng; kêu gọi hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn; giảm 15- 20% học phí cho toàn bộ HS, SV... Chia sẻ gánh nặng với người học góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt khó khăn cho HS, SV và phụ huynh”.

Dự báo từ nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, dịch chỉ cần kéo dài đến hết tháng 4/2020, khu vực dịch vụ GD sẽ suy giảm 35%. Còn nếu thời gian dịch kéo dài tới hết tháng 6/2020, khu vực dịch vụ GD có thể suy giảm tới 65% dẫn đến việc phải tái cơ cấu lao động ngành. 

Dịch bệnh kéo dài gây ra nguy cơ đóng cửa hàng loạt các cơ sở GD NCL. Điều này sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền GD Việt Nam. Trong các cơ sở GD NCL được khảo sát, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng dự báo 80% số cơ sở GD NCL bị sụt giảm doanh số trên 50%, 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản, do không cân đối được thu chi.

“Việc dịch bệnh kéo dài là điều không ai mong muốn, vì vậy tất cả các trường học đều có sự điều chỉnh để phù hợp, trong đó có việc triển khai dạy qua hình thức trực tuyến để đảm bảo kiến thức cho HS, do đó mặc dù là nghỉ nhưng thực tế các GV và các trường vẫn hoạt động và vẫn phải có những khoản chi phí cần thiết, thường xuyên, nên rất cần sự công khai, đồng thuận của phụ huynh và xã hội, để có thể đảm bảo sự vận hành cho nhà trường cũng như đời sống của GV các trường NCL”- ông Trần Tú Khánh phân tích.

Hướng tháo gỡ

Xuất phát từ thực tiễn và đề xuất của các đơn vị, ngày 18/3/2020, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 871/BGD-ĐT-KHTC kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở GD quốc dân.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị về việc hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm  tại các cơ sở GD quốc dân.

Đồng thời, đề nghị xem xét miễn Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y yế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ GV, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở GD trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020; đặc biệt là đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Thêm vào đó là đề xuất ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả các loại phí, lệ phí trong quý 1 và 2 năm 2020; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 đối với các cơ sở GD trong và ngoài công lập, người lao động trong các cơ sở GD quốc dân.

Giải pháp nào giảm bớt thiệt hại từ Covid-19 cho cơ sở giáo dục? ảnh 2
Sở GD&ĐT Bắc Giang trao số tiền ủng hộ từ cán bộ, giáo viên trong ngành cho các nhà giáo Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bắc Giang) bị ảnh hưởng vì Covid-19.

Bộ GD&ĐT cũng đề xuất việc hỗ trợ các cơ sở GD quốc dân, đặc biệt là cơ sở GD NCL, các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động.

Kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở GD, để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19 theo phân cấp ngân sách.

“Bộ GD&ĐT đã chủ động phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở GD để tổ chức dạy, học trực tuyến”- ông Trần Tú Khánh cho biết.

Về vấn về này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước sớm tổng hợp, nghiên cứu các đề xuất của Bộ GD&ĐT. Trước mắt Chính phủ đã có Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất...

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính khẳng định: “Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ sở GD tổng hợp số liệu, rà soát các khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành GD, để báo cáo kịp thời với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, nhằm hỗ trợ tối đa cho các đơn vị GD sớm vượt qua khó khăn, ổn định để thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả của mình, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát các khó khăn vướng mắc, báo cáo Chính phủ để đưa ra các giải pháp phù hợp, khả thi trong điều kiện cho phép”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ