Giải pháp nào cho vùng rốn lũ?

Giải pháp nào cho vùng rốn lũ?

Học cách dâng núi của Sơn Tinh

Thật ra cách dâng núi của Sơn tinh là hình tượng và biểu trưng hóa cách sống chung với lũ ngàn đời nay của nhân dân Việt nơi đầu sóng, ngọn gió.

Nhà thờ xứ Thổ Hoàng, mô hình nhà dự phòng tránh lũ
Nhà thờ xứ Thổ Hoàng, mô hình nhà dự phòng tránh lũ

Đắp ụ đất, tôn nền cao   

Dọc hai bên bờ sông Ngàn Phố (Hương Sơn), Ngàn Sâu (Hương Khê), Ngàn Trươi (Vũ Quang), sông La (Đức Thọ), sông Trí (Kỳ Anh), nơi “rốn lũ”, nhân dân lao động đã là Sơn Tinh bền bỉ, dẻo dai, thông minh biết “dâng núi” để chống lũ. Tại Hương Sơn, “nhân dân Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Bình, Sơn Tân vvv và tại Đức Thọ vùng ngoài đê như Liên Minh, Đức La, Đức Tùng v.v... nhân dân đã đắp những ụ đất cao cho trâu bò tránh lũ. Đó có thể coi là những hòn núi của Sơn Tinh được xây đắp bằng trí tuệ mồ hôi của nhân dân vùng rốn lũ. Tại Hương Sơn, hơn 4000 chuồng nuôi hươu được nhân dân tôn cao để tránh lũ. “Chỉ bằng cách đó, súc vật, tài sản và một số vật dụng gia đình không bị cuốn trôi trong lũ”. Ông Minh (Sơn Trung) nói. Nhưng có những trận lũ bất ngờ đột ngột dâng cao, những ụ đất đắp chìm trong nước bạc. Nhân dân đã sáng tạo ra cách tránh lũ:  Những  tấm ván gác lên các gióng chuồng để hươu nhảy lên khi nước lũ dâng là cách thoát hiểm  an toàn. Trên chuồng có chạn để trữ thức ăn khô như lá lạc, cỏ khô, rơm rạ. Bằng cách như vậy, nhân dân vùng rốn lũ Hương Sơn không chỉ bảo toàn được đàn hươu  mà vẫn chủ động trong việc chuẩn bị thức ăn cho gia súc lúc giáp hạt.

Trong hai trận đại hồng thủy vừa diễn ra ở miền Trung, có mặt ở những vùng rốn lũ ở thời điểm nước dâng cao, cũng như sau khi nước đã rút, chúng tôi thấy, nông dân ở vùng rốn lũ thật vất vả gian lao khi phải di dời gia súc. Những thức ăn khô cho trâu, bò vv… bị lũ cuốn trôi hay bị dìm trong bùn lũ, khiến cho bà con vô cùng vất vả khi lũ rút. Những cánh đồng bạc trắng, thiếu thức ăn cho gia súc, thiếu rơm rạ để chống rét, khiến cho dịch bệnh gây ra những thiệt hại lớn lao cho nông dân. Cho nên cách đắp những ụ đất, làm chuồng trâu, bò, gia súc ở huyện Hương Sơn là một giải pháp khả thi, vì cần công sức, ít tốn kém, ai cũng có thể làm được... Những ụ đất đắp cao cần diện tích từ 20 đến 30m2. Để tránh sạt lở cho ụ nền, cách tốt nhất là kè bằng gạch đá. Nhưng kè bằng gạch đá quá tải kinh phí đối với những hộ nông dân nghèo. “Tui có cách hay. Đó là đối với những gia đình có vườn rộng, chưa có điều kiện kè nền bằng đá, thì nền đắp choãi ra (từ 30-45 độ), sau đó lát bằng cỏ cũng tránh được sạt lở. Trước đây, tui cũng đã làm như thế. Nhưng có cách bo chuồng mà không tốn kém, giảm thiểu đến mức tối đa mua vật liệu và thuê nhân công. Này nhé, không đá thì đổ táp lô cũng chẳng sao. Cát sỏi xe bò ra sông vài tiếng đồng hồ là có. Đóng táp lô thì ai chả  làm được. Xây không làm được thì đổi công, hoặc chỉ mượn thợ chính còn vợ con và mình làm phụ nề. Có sao đâu. Thế là chỉ tốn kém nhiều nhất tiền bạc mua xi măng”. Anh Nguyễn Kinh (Hương Sơn) nói.

Cũng từ kinh nghiệm kè  chuồng nuôi hươu, mà nhân dân đã nâng cao nền nhà ở. Ngày xưa ông Thể ở Bàu Đông với một chiếc xe cút kít đã tôn nền nhà như ngọn núi, phần đất lấy sâu trở thành ao hồ, nuôi cá, thả vịt theo mô hình VAC, nhất cử lưỡng tiện.

Trạm xá thị trấn Nghèn (an toàn sau lũ lụt)
Trạm xá thị trấn Nghèn (an toàn sau lũ lụt)

Nhà cao tầng đa chức năng

Tại vùng rốn lũ Phương Điền, Phương Mỹ (Hương Khê), trong những ngày cao điểm của trận đại hồng thủy, hàng trăm nóc nhà ngập sâu trong nước lũ, tầng 2 của Trường Tiểu học, THCS, Hội trường UBND xã, đặc biệt là nhà thờ giáo xứ Thổ Hoàng (Phương Mỹ) trở thành nơi tránh lũ của nhân dân. Ở đấy, không chỉ ông già, bà lão, em nhỏ, những phụ nữ mang thai đến tránh lũ mà tài sản, cái ăn, cái mặc… cũng được di dời lên các địa điểm trên một cách an toàn.  Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến  từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 10, nhà thờ giáo xứ Thổ Hoàng đang trong thời kỳ xây dựng, giàn giáo bắc la liệt, gần 100 gia đình, mỗi gia đình quây cho mình một góc, lấy cốp pa, gác lên giàn giáo để làm sàn sinh hoạt.

Anh Trần Văn Hải (thôn Mỹ Hạ) trao đổi: “Trận lũ thứ 2 đến đột ngột, chúng tôi không lường trước được, nên có phần chủ quan. Lúc lũ đã vào nhà, lên như sặt bắn, chúng tôi chỉ kịp sơ tán người và một ít đồ đạc lên nhà thờ đang xây dở ở đây. May mà  có nhà thờ ở trong khu dân cư là nơi cao lũ có thể tá túc trong những ngày thiên tai. Không thì thiệt hại chưa biết chừng…”. Khi lũ rút, thì trường học, nhà thờ là nơi phơi phóng quần áo, đồ đạc ẩm ướt, lúa gạo và những vật dụng khác. Vì vậy, mô hình nhà đa chức  năng kiên cố, cao tầng cho vùng rốn lũ là một mô hình khả thi và hữu dụng. Khi chúng ta chưa có nguồn kinh phí để có thể xây dựng nhà tránh lũ cho dân, thì mỗi cộng đồng dân cư cần có một nhà đa chức năng. Nhà đa chức năng ấy phải là nhà cao tầng, rộng rãi, kiên cố, ở ngay trong trung tâm cộng đồng tiện lợi cho nhân dân di chuyển. Nhà đa chức năng có thể là trường học, trạm xá, nhà thờ, nhà văn hóa, hội trường ủy ban. Ngoài chức năng  chính để dạy học, chữa bệnh, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, nơi làm việc của chính quyền vv… có thêm chức năng  để tránh lũ. Vấn đề đặt ra là kiến trúc nhà chức năng thế nào để đảm bảo kiên cố, vững chắc, tiện lợi, an toàn. Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện mô hình nhà đa chức năng này. Tại thị trấn Can Lộc, Trạm xá  Thị trấn Nghèn (diện tích gần 500m2) được xây với nguồn vốn: Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung và vốn đối ứng của địa phương. Bác sĩ Bùi Ngọc Dương (Trưởng trạm xã Thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho biết: “Đợt lũ vừa qua, nước ngập hết tầng 1. Tất cả dụng cụ thiết bị y tế chuyển lên tầng 2 nên an toàn. Đặc biệt, trong các ngày lũ có đến 87 người già, trẻ em đến tránh lũ, 11 bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị. Một số người bị tai nạn trong lũ, khi thuyền chở đến trạm xá vẫn có đủ điều kiện để phục vụ”. Được biết, ngành GD có chương trình kiên cố hóa trường học, ngành y tế có chương trình xây dựng bệnh viện, trạm xá v.v… Vì vậy, giải pháp nhà đa chức năng là giải pháp khả thi. Vấn đề cần bàn là kiến trúc như thế nào cho hợp lý. Chúng tôi thấy Trạm xá thị trấn Nghèn vẫn thiếu hợp lý. Nên chăng, những nhà đa chức năng không nên lợp mái mà đổ mái bằng. Khi khẩn cấp, trực tháng có thể đậu trên mái cứu trợ. Và, ở tầng 2 cần thiết kế cầu bê tông cho ca nô, thuyền máy đến cập bến cứu trợ….

Kỳ sau: Nước nổi, bè nổi

Lê Văn Vỵ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ