Phân tích rõ thị trường lao động cũng như hiểu được sự cần thiết phải phân tích tại sao bên cung không thể bắt kịp nhu cầu kỹ năng lao động là việc làm quan trọng để đưa ra những giải pháp.
Đào tạo lao động: “Cung” phải bắt kịp “cầu”
Nhiều doanh nghiệp cảm thấy “vất vả” trong việc tìm kiếm lao động cho các vị trí cần tuyển do sự thiếu hụt các ứng viên có năng lực trên các thị trường và do sự chuyển việc thường xuyên của người lao động.
Hơn nữa, họ cũng vấp phải vấn đề liên quan đến sự hạn chế năng lực của người lao động mới được tuyển dụng. Các doanh nghiệp lớn có thể có năng lực để tiến hành đào tạo nội bộ khi cần thiết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nơi thực sự cần nhiều kỹ thuật viên thì có thể không đủ nguồn lực tài chính và nhân lực để tiến hành các chương trình đào tạo lại.
Sự khập khiễng trong kỹ năng kéo dài dai dẳng có thể thấy các cơ sở đào tạo nghề không thể cung cấp đủ các kỹ thuật viên lành nghề đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Trong nhiều cuộc hội thảo về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, có nhưng giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề khó khăn khi tuyển dụng nhân lực đúng với yêu cầu như: nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, chú trọng đào tạo chất lượng giáo viên,…
Nhưng thực tế, đối với vấn đề thiếu năng lực của các cơ sở đào tạo nghề thì việc đầu tư thêm cho cơ sở vật chất phục vụ đào tạo hay nâng cao năng lực giảng viên chưa thể giải quyết tất cả các nguyên nhân của vấn đề khấp khiễng kỹ năng.
Cũng bàn về vấn đề này, cơ quan quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã nêu ra những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân bằng giữa cung và cầu kỹ năng: Khó khăn trong việc nắm bắt nhu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp; Thông tin không đầy đủ về các nhu cầu của ngành công nghiệp để cung cấp cho học viên; Vị thế xã hội thấp của các học viên học nghề và các kỹ thuật viên…
Giải pháp thực tiễn từ căn nguyên gây “bệnh”
Tìm ra được nguyên nhân gây “bệnh” sẽ dễ dàng hơn để nghiên cứu tìm ra thuốc “chữa”. Với những trở ngại của bên cung cũng cần có những giải pháp chiến lược.
Cụ thể, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đưa ra những giải pháp: Quản lý đào tạo theo chu trình, phát triển hệ thống hỗ trợ việc làm; Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng.
Theo đó, quản lý đào tạo theo chu trình để phát triển và thực hiện chương trình đào tạo, giúp các cơ sở nắm được và phân tích các nhu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp một cách chủ động.
Điểm mấu chốt của quản lý đào tạo theo chu trình là sự tương tác thường xuyên với các ngành công nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề cần chủ động đưa ra các đề xuất của mình về cải tiến chương trình đào tạo và gợi mở những nhận xét từ doanh nghiệp chứ không chỉ đến hỏi doanh nghiệp muốn gì.
Hơn nữa, các cơ sở giáo dục và đào tào nghề cũng nên giao lưu thường xuyên và trực tiếp với các doanh nghiệp cũng tạo cơ hội cho các cơ sở khám phá nhu cầu tương lai hoạc nhu cầu tiềm tàng của ngành công nghiệp.
Chính những điều này, các doanh nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc cung cấp cho các cơ sở đào tạo nghề những thông tin về kỹ năng tiềm ẩn. Những tiếp cận chủ động từ cơ sở đào tạo nghề sẽ khuyến khích doanh nghiệp dự liệu được xác định thông qua sự tương tác giữa các đề xuất từ cơ sở và sự phản hồi lẫn nhau.
Từ những phản hồi rất thực tế này, các cơ sở đào tạo nghề sẽ biết mình cần phải làm gì, theo hướng nào, đào tạo ra sao để đáp ứng những lao động có tay nghề cao cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng giải quyết được bài toán khó trong cuộc chiến “tìm ứng viên ngồi đúng vị trí”.