Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

GD&TĐ - Hôm nay (21/4), được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đề xuất Kế hoạch Đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Dự và chỉ đạo Hội thảo có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; ông Chang Jae – Yn – Giám đốc KOICA Việt Nam; ông Lee- Seung Joo – Phó Giám đốc chương trình hợp tác KOICA – Chung Ang, Đại học Chung Ang, cùng các đại diện ban, ngành, và các tổ chức liên quan.

Hội thảo được chia làm các phiên toàn thể với nội dung chính là bàn về thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; Đồng thời, đề xuất kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Báo cáo kết quả khảo sát Thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao ở miền Bắc, TS Dương Kim Anh – Trưởng khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ VN, Trưởng nhóm khảo sát) cho biết: “Qua khảo sát ở 5 địa phương là Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn thì khoảng hơn nửa nữ lao động tại địa phương mong muốn được làm việc tại các doanh nghiệp và đặc biệt tập trung chủ yếu vào lao động nữ trẻ.

Những lao động này mong muốn được giới thiệu việc làm thông qua các trung tâm môi giới việc làm hơn là đưuọc giới thiệu qua người quen hoặc tự tìm hiểu. Họ mong muốn tìm được việc làm mới và có kinh nghiệm.

Lao động nữ tại địa phương đang cần sự giúp đỡ của các trung tâm giới thiệu việc làm, tỷ lệ cần thiết được học nghề tương đối cao so với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp và cần nhiều sự giúp đỡ mang tính xã hội hơn so với các lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Lao động nữ càng trẻ thì càng mong muốn nhận sự giúp đỡ. Từ đó, đặt ra vấn đề cần tìm kiếm sự hỗ trợ mang tính cấu trúc để có thể liên kết việc làm phù hợp với tầng lớp thanh niên.”

Tại Hội thảo, đề xuất những chính sách nhằm nâng cao năng lực về kinh tế cho phụ nữ, TS. Na Sung Eun – Viện nghiên cứu phụ nữ, Trường Đại học nữ Ewha – cho rằng: “Cần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số với các nguốn lực kinh tế và thị trường lao động.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.

Tổng kết hội thảo, TS. Trần Quang Tiến nhấn mạnh: Đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao thực sự là nhu cầu cần thiết cho xã hội, đáp ứng được vấn đề thiếu nhân lực cho địa phương. Việc tăng cường nguồn lực kinh tế của phụ nữ không chỉ góp phần tăng cường sức cạnh tranh của quốc gia thông qua phát triển nguồn nhân lực mà nó còn trở thành nền tảng để thực hiện việc lồng ghép giới trong tất cả các lĩnh vực.

Các kết quả nghiên cứu là cơ sở lý luận và thực tiễn cho chính sách, đồng thời xây dựng chiến lược kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao như mục tiêu đề án đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.