Pháo hiệu đổi mới căn bản, toàn diện tờ báo
Đầu tháng 3/2014, trong kế hoạch tổng thể hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày báo Giáo dục và Thời đại xuất bản số báo đầu tiên một nội dung được xác định là quan trọng nhất, có tính chất cốt lõi, xuyên suốt là đổi mới căn bản, toàn diện tờ báo trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
Đổi mới nội dung được xác định, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của Báo nhưng việc cải tiến hình thức trình bày là việc cần làm ngay mà thay đổi manchette của Báo như phát pháo lệnh quy tụ cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo cùng đồng thuận, kiên định trong việc xây dựng, đổi mới phong cách làm việc trong thời kỳ mới.
Thực tế trong lịch sử phát triển và trưởng thành 55 năm qua, báo Giáo dục và Thời đại đã có 3 lần thay đổi tên gọi và manchette để bám sát nhiệm vụ tuyên truyền cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Những lần thay đổi trước đây cũng thường gắn với các chủ trương, chính sách lớn về đổi mới giáo dục của Đảng và của Ngành, đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác tuyên truyền của Báo.
Trong quá trình thảo luận và lấy ý kiến, 100% cán bộ, phóng viên trong cơ quan đã thống nhất đề xuất việc đổi mới về hình thức, nội dung các ấn phẩm; trước hết cần thay đổi manchette, layout của tờ báo.
Trên tinh thần đó, Chi ủy - Ban Biên tập của Báo đã thống nhất phát động Cuộc thi Sáng tác manchette, layout cho báo và đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 7/7/2014 đến ngày 17/10/2014.
Lan truyền trên mạng xã hội, trong các trường đại học
Cuộc thi được công bố, nhưng những ngày đầu tín hiệu phản hồi thật thưa thớt. Cũng phải thôi, đây là cuộc thi chỉ trao một giải duy nhất, đòi hỏi không chỉ đơn thuần sức sáng tạo của các họa sĩ mà còn cần có sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực báo chí – truyền thông. Đích thân Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Nam đi “đặt hàng” một loạt họa sĩ có kinh nghiệm, nhưng đáp lại chỉ là sự e dè.
Lo lắng. Ban Biên tập lại nhờ tới fanpage của báo điện tử Giáo dục & Thời đại (giaoducthoidai.vn), facebook của các họa sĩ mà đặc biệt là facebook của họa sĩ Lê Tiến Vượng - Trưởng phòng Thiết kế Mỹ thuật báo Thiếu niên Tiền phong, người có nhiều đồng nghiệp, bạn bè là họa sĩ. Từ facebook của họa sĩ Lê Tiến Vượng, nhiều họa sĩ tiếp tục chia sẻ thông tin và hứa hẹn tham gia.
Vẫn lo. Giải nỗi lo ấy, TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý: “Ban Biên tập xem xét triển khai tới các trường đại học. Hãy nhờ các thầy, các bạn sinh viên cùng tham gia xem sao”.
Được lời như cởi tấm lòng, Ban Biên tập cử phóng viên Bạch Ngọc Dư – vốn được phân công đặc trách các trường đại học - chuyển công văn, trực tiếp làm việc với các trường đại học mỹ thuật, hoặc có khoa mỹ thuật. Các trường đã nhiệt tình thông báo và vận động giảng viên, sinh viên tham gia.
Phong trào vận dụng tri thức nở rộ
Hằng tuần, hằng tháng Bạch Ngọc Dư thông báo tiến độ triển khai ở các trường. Đầu tháng Bảy, tin vui liên tiếp báo về: Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức sơ khảo tại trường, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã thu bài chuẩn bị bàn giao cho Báo, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm kết quả cuộc thi tại trường…
Viện Đại học Mở tổ chức một buổi báo cáo kết quả cuộc thi cấp trường. Từ hơn 200 bản thiết kế ban đầu của sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp, qua sơ khảo đã chọn được hơn 60 tác phẩm tham gia báo cáo.
Hội đồng đã chọn ra 10 bản thiết kế có chất lượng tốt nhất để trao phần thưởng. Sau khi trao giải cấp trường, tất cả các tác phẩm tham gia cuộc thi được gửi tới báo Giáo dục và Thời đại tham dự cuộc thi chung.
Dù bận trăm công ngàn việc chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nhưng Trường Đại học Công nghiệp vẫn tổ chức một cuộc thi riêng, coi đó là một hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Trường, thành lập Báo.
Buổi bàn giao bài dự thi gọn nhẹ, nhưng trang trọng và rất chuyên nghiệp: Mỗi tác phẩm dự thi đều để riêng trong một phong bì lớn kèm theo phong bì nhỏ có tên tác giả và mã số.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng – còn đặt riêng họa sĩ, NGƯT Trần Từ Thành – Nguyên Phó Hiệu trưởng, người từng có manchette được sử dụng – sáng tác riêng mẫu manchette cho Báo.
Còn tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật, một không gian riêng cho triển lãm Cuộc thi sáng tác manchette báo Giáo dục và Thời đại đã được mở, là nơi sinh hoạt học thuật của sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa và cũng là điểm tham quan hấp dẫn cho học sinh toàn trường. Tại đây, một buổi trình bày ý tưởng sáng tạo hấp dẫn, đầy tính tri thức và thực tiễn của các thầy cô và sinh viên đã được tổ chức.
Có thể nói tại 3 điểm trường những kỳ vọng về tờ báo của ngành Giáo dục và Đào tạo đã được gửi gắm qua các tác phẩm dự thi, tạo ra không khí học thuật, ứng dụng sôi nổi trong cán bộ, giáo viên, sinh viên của các trường.
Gay cấn đến phút chót
Niềm vui ùa tới cũng là lúc nỗi lo lại tràn về. Không thể phụ lòng tin cậy của giảng viên, sinh viên các trường, các tác giả là họa sĩ thiết kế - trình bày báo, họa sĩ của các công ty thiết kế, họa sĩ tự do đã gửi gắm tâm huyết, ý tưởng sáng tạo của mình cũng là sự kỳ vọng của chính bạn đọc – thông qua họ - về sự đổi mới của tờ báo trong giai đoạn mới. Đó là thôi thúc từ trái tim, là mệnh lệnh từ khối óc của những người có trách nhiệm chấm giải.
Ban Giám khảo sơ khảo có Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Nam, 2 Phó Tổng Biên tập: Nguyễn Quốc Chính, Triệu Ngọc Lâm cùng 3 họa sĩ của Báo: Nguyễn Thị Kiều Trinh, Lê Thị Thanh Thủy, Nguyễn Lâm. Dự kiến ban đầu: Lựa chọn khoảng 20 tác phẩm vào chung khảo. Tuy nhiên, chất lượng cuộc thi tốt, loại đi tác phẩm nào cũng là điều không ai nỡ nên Ban Sơ khảo đã nhất trí chọn tới 44 tác phẩm vào chung khảo.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam đã mời GS.NGND. Họa sĩ Lê Thanh; Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Trưởng phòng Thiết kế Mỹ thuật Báo Thiếu niên Tiền phong; Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Mỹ thuật Xuất bản Báo Tiền phong lĩnh trọng trách Giám khảo Chung khảo.
Người có vốn học thuật thâm sâu, người từng đoạt các giải sáng tác logo trong nước và quốc tế, tham gia nhiều hội đồng chấm thi sáng tạo đồ họa, người có kinh nghiệm làm báo nhưng trước các tác phẩm dự thi đã không khỏi cân nhắc, thậm chí tranh luận gay gắt. Tưởng chấm một phiên, nhưng rồi thành hai phiên.
Cuối cùng, Ban Giám khảo Chung khảo thống nhất: Trong mỗi giai đoạn phát triển của tờ báo nên có sự thay đổi về hình thức và nội dung của tờ báo để thu hút bạn đọc, tạo nên khí thế mới cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 và kỷ niệm 55 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (5/12/1959-5/12/2014) thì việc đổi mới nội dung và hình thức là việc cần làm.
Manchette và layout cũ của báo đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình trong thời kỳ qua nên việc thay đổi để tờ báo có hình thức mới càng có ý nghĩa trong giai đoạn báo chí cần sự thu hút của bạn đọc, cần hướng tới thị trường trong bối cảnh mới.
Dường như kết quả cuộc thi layout được thông qua dễ dàng hơn. Sau khi phân tích kỹ lưỡng 5 mẫu layout được chọn vào chung khảo, tác phẩm của tác giả Nguyễn Tiến Dũng - Phó ban Thư ký tòa soạn phụ trách mỹ thuật Báo Đại đoàn kết - được đánh giá là trẻ trung nhưng nghiêm túc, phù hợp với tính chất của ngành Giáo dục và Đào tạo, đạt được các chuẩn mực về trình bày của báo chí hiện đại.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các mẫu manchette thì không dễ dàng đi đến sự đồng thuận. Ban Giám khảo được phục vụ ăn nhẹ để làm cả tối. Loại trừ dần các tác phẩm để đi đến kết quả cuối cùng thật khó khăn.
Chung cuộc, vẫn còn 2 tác phẩm bất phân thắng bại. Ban Giám khảo quyết định giao cho Trưởng ban giám khảo mời 2 tác giả đến để truyền đạt tất cả các ý kiến của từng giám khảo và đề nghị họ tiếp tục hoàn thiện. 2 tác giả có vinh dự vào đến vòng đấu loại trực tiếp này là: Lê Hoàng Long – Giám đốc Thiết kế Công ty Neway và Thái Văn Hòa – Giám đốc Sáng tạo Công ty Truyền thông NBN Media. 6 ngày sau, “Sơn Tinh – Thủy Tinh” cùng mang bài đến nộp.
Lại tranh luận, lại phân tích đến từng chi tiết, góc cạnh nhưng Ban Giám khảo cũng chỉ đi đến kết luận chung mang tính định hướng: Hai tác phẩm đều có khả năng sử dụng làm manchette của Báo.
Việc sử dụng tác phẩm nào là quyền của Báo mà đại diện là Trưởng ban Giám khảo – Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Nam. Lại trao đổi, phân tích, tranh luận. Các giám khảo tiếp tục thuyết phục nhau để đi đến kết quả cuối cùng.
Khi tưởng như đã bế tắc thì bằng kinh nghiệm lâu năm của một họa sĩ hơn 80 tuổi, thầy Lê Thanh đưa ra phương án chấm điểm. Hệt như loạt sút penalty trong trận chung kết bóng đá, các giám khảo cẩn trọng đặt bút hạ từng con điểm vào ô. Kết quả cuối cùng, tác phẩm đoạt giải của Công ty NBN Media chỉ hơn tác phẩm của Công ty Neway vẻn vẹn có… 0,5 điểm.
Với tất cả trách nhiệm của mình trước tờ báo ngành và bạn đọc cả nước, Ban Giám khảo Chung khảo cuộc thi tin tưởng: Mẫu manchette và layout mới của báo sẽ gây ấn tượng tốt với bạn đọc, phù hợp với định hướng phát triển năng động của tờ báo trong xu thế phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay.
Lúc này đây, pháo hiệu đã được bắn, lá cờ chuẩn đỏ thắm – manchette và layout mới của báo – đã có. Những người làm báo Giáo dục và Thời đại đang hướng tới những mục tiêu mới trong giai đoạn phát triển mới để xứng đáng với tiềm năng và vị thế là tờ báo của ngành Giáo dục cả nước.
Thuyết minh ý tưởng
Màu chủ đạo của manchette báo Giáo dục vàThời đại là màu đỏ thể hiện sự năng động, khát vọng vươn lên tương xứng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Báo trong thời kỳ mới.
Manchette được thiết kế bám sát tiêu chí đưa ra là trang nhã, năng động và hiện đại. Vì đây là một manchette của một tờ báo về giáo dục nên chúng tôi đã chủ động nhấn vào 2 từ Giáo dục để cho độc giả thấy rõ chủ đề chính của ấn phẩm.
Chúng tôi đã sử dụng phông chữ không chân, nét đều để nhấn mạnh sự nghiêm túc và hiện đại của manchette, kèm theo các ký tự được sắp xếp gần với nhau tạo nên sự chặt chẽ trong bố cục. Sự cách điệu chữ A đã làm cho bố cục của manchette được mềm mại hơn, mà vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của chữ cái này.
Dấu vốn dĩ là phần khó xử lý nhất của manchette tiếng Việt, chính vì vậy từ sự cách điệu của chữ A, dấu sắc trong từ "Giáo" đã được kết hợp nhịp nhàng tạo thành một khối rất ăn nhập mà vẫn thể hiện rất rõ ràng, dễ đọc trong tổng thể chung của manchette.