Giá vàng tăng 'điên loạn' không có điểm dừng và lên tới 62 triệu đồng/lượng những ngày qua khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi tiếc rẻ vì lỡ mất cơ hội lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, vàng liên tục giảm mạnh đến 6 triệu đồng/lượng chỉ trong một đêm đã khiến không ít nhà đầu tư "đau tim" vì lỗ đậm.
Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch là yếu tố bất ngờ cùng với căng thẳng chính trị (Mỹ - Trung) khiến giá vàng biến động mạnh trong thời gian gần đây, giá vàng thường đột biến thời gian ngắn rồi sẽ bình ổn trở lại.
"Thói quen tích trữ vàng chỉ có ở một bộ phận người dân, chủ yếu là những người lớn tuổi và dân kinh doanh buôn bán nhỏ. Xu hướng đầu tư trong 20 năm trở lại đây đa dạng kênh đầu tư hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản luôn là kênh truyền thống chiếm ưu thế", Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc từng khẳng định.
Cùng quan điểm với bà Hương, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng cho biết bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng, ngay cả trong khủng hoảng. Điều nay đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008-2011. Chính vì vậy, chúng ta có thể thấy, dù hiện nay dịch covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh tế nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư BĐS âm thầm mua đất giữ tiền.
Quan sát cho thấy, trên thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm BĐS ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp, các dự án có pháp lý rõ ràng. "Giới nhà giàu hiện đang chọn những nơi có không khí trong lành, cảnh quan đẹp gần Thủ đô mà có sông hồ, đồi núi…và đặc biệt là cách trung tâm dưới 1,5 tiếng lái xe ô tô", ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS cho biết.
Thực tế cho thấy, hiện giới nhà giàu đang tìm đến những vùng lân cận vệ tinh Hà Nội như Hòa Bình, Ba Vì, Sóc Sơn, Tam Đảo để tìm kiếm những BĐS sinh thái vừa để nghỉ dưỡng lại vừa có thể là tài sản tích trữ cho tương lai hoặc có thể khai thác kinh doanh cho thuê nhờ xu hướng du lịch nội địa đang có sự thay đổi từ đi xa sang đi gần và ngắn ngày.
Bên cạnh đó, nhóm nhà giàu cũng đang đi các vùng đất mới nhiều tiềm năng nhưng giá bất động sản hiện tạo còn rẻ như Ninh Bình, Mẫu Sơn, Yên Bái, đặc biệt là những khu vực sở hữu suối nước nóng hay vào tận Đắc Lắc, Kom Tum gom đất rẻ tại trung tâm thành phố.
Chưa hết, một bộ phận nhà giàu cũng đang vung tiền săn các tài sản bán cắt lỗ trong bối cảnh kinh tế khó khăn chủ nhà phải bán cắt lỗ sâu. Các sản phẩm nhà đầu tư hướng đến là nhà liền đất, biệt thự, chung cư giảm giá, thậm chí họ mua cả những khu biệt thự hoang được bán với giá rẻ tại những khu vực hạ tầng đang phát triển mạnh để chờ tăng giá.
Theo các chuyên gia, giá nhà đất tại Việt Nam tăng liên tục là bởi "truyền thống" tích trữ tài sản của người dân. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam trung bình lên đến gần 50% thu nhập, gấp đôi so với phần lớn quốc gia khác. Trong đó, một tỷ lệ tiết kiệm rất lớn dùng để tích trữ tài sản là bất động sản và chi tiêu cho nhà ở dẫn đến giá nhà ở đây rất cao.
Nhận định về việc tích trữ BĐS của nhà đầu tư hiện tại, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, nhìn ở góc độ tích cực thì nhiều người sẽ mua được nhà với giá hợp lý trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư cũng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng cho giỏ hàng của mình. Đó cũng là một điểm tốt cho thị trường!. Hay nói như cách của nhà đầu tư đại tài Warren Buffett, khi thị trường sợ hãi thì chính là cơ hội cho những người biết nắm bắt.
Mặc dù mua BĐS tích trữ luôn là kênh đầu tư số một nhưng theo ông Dương Đức Hiển - Nguyên Giám đốc bộ phận kinh doanh Savills Việt Nam cảnh báo: "Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá BĐS chưa một lần giảm.
Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn. Chỉ tiếc rằng, tâm lý của nhà đầu tư Việt hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ bất động sản thì phải đầu tư dài hạn".