Dân gian cho rằng trứng ngỗng rất tốt cho bà bầu, giúp sinh con khỏe đẹp, thông minh. Tuy nhiên, thực tế không có một công trình nghiên cứu hay tài liệu nào ghi chép về tác dụng này.
Trứng ngỗng nặng gấp 4 lần trứng gà nhưng kém giá trị dinh dưỡng hơn. Ảnh:EP |
Giá trị dinh dưỡng trong 100 g trứng ngỗng gồm: 13 g protein; 14,2 g lipid; 360 mcg vitamin A; 71 mg canxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15 mg vitamin B1; 0,3 mg vitamin B2; 0,1 mg vitamin PP…
Giá trị dinh dưỡng trong 100 g trứng gà gồm: 14,8 g protein; 11,6 g lipid; 700 mcg vitamin A; 55 mg canxi; 2,7 mg sắt; 1,29 mcg vitamin B12…
Như vậy, so với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn nhưng lại có lượng lipid cao hơn. Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà.
Vì thế, phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng thì tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai. Thai phụ có thể bị béo phì và cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giàu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.
Phụ nữ mang thai, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu như phụ nữ tuổi sinh đẻ nói chung cần 2.200 Kcal mỗi ngày thì phụ nữ có thai 3 tháng cuối phải thêm 350 Kcal (tức là 2.550 Kcal mỗi ngày) tương đương với thêm một bát cơm đầy mỗi ngày.
Vì vậy, chị em cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Mỗi loại thực phẩm chỉ nên ăn 3 lần mỗi tuần. Phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng vì giá thành đắt, khó ăn, khó tiêu. Bồi bổ bằng trứng gà cùng với chế độ ăn hàng ngày hợp lý cũng đã cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cho thai phụ.