(GD&TĐ) - Không hẹn mà gặp, những bạn trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện mà chúng tôi gặp đều cho rằng, các bạn nhận được nhiều giá trị sống từ chính những công việc thầm lặng của mình. Khi quan tâm tới nỗi đau của người khác, chia sẻ với tất cả sự cảm thông và yêu thương, các bạn trẻ soi rọi được chính mình, sống tích cực hơn, cởi mở hơn…
Phát cháo tình nguyện tại bệnh viên |
Từ khoảng 3 năm nay, Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Thị Thảo Nhi (SV Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng) được các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng xem như người nhà. Mà thực sự, Thịnh và Nhi cũng là chỗ dựa cho nhiều em ở đây.
Lúc đang học năm thứ nhất, 2 bạn bắt đầu làm quen với các tình nguyện viên thuộc tổ chức tình nguyện viên thế giới JVN khi họ đăng ký chương trình làm việc tại TT Bảo trợ xã hội và trợ giảng tại Trường ĐH Ngoại ngữ. Nhận chân phiên dịch, thế nhưng, trên thực tế, công việc của hai bạn đảm nhận nhiều hơn thế.
Chỉ qua buổi thứ 2 đến trung tâm, Thịnh và Nhi còn kiêm luôn cả việc chăm sóc, bón từng thìa cháo, cùng kiên trì tập từng động tác tập vận động cho những em khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ. “Trung tâm chỉ có 2 nhân viên trong khi có hàng chục em nhỏ cần phải được chăm sóc đặc biệt. Thế nên, cứ lúc nào rảnh là bọn em lại đến”.
Thế nhưng, chăm sóc trẻ bị khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ hay tự kỷ là một công việc không hề đơn giản nếu chưa từng được hướng dẫn qua. Thảo Nhi cho biết: “Bọn mình chỉ có tình thương và sự sẻ chia. Nhưng như thế là chưa đủ. Vì nếu muốn hỗ trợ cho các bé mà không hiểu các bé muốn gì thì rất dễ bị đánh hoặc cắn.
Thế nên, chúng em phải tìm đọc tài liệu, hỏi nhân viên trung tâm về tính cách, đặc điểm riêng của từng em. Rồi vừa chơi, vừa gần gũi trò chuyện với các bé thì các bé mới hợp tác để cùng tập luyện được”. Bây giờ khi đã quen, nếu lâu lâu các bạn mới đến là những em nhỏ luôn hỏi anh/chị đi đâu, có còn nhớ em không, có em không nói gì chỉ cười, nhưng trong ánh mắt chan chứa tình cảm mến yêu. Những ngày lễ, Thịnh, Nhi rủ thêm các bạn cùng kinh doanh hoa tươi, làm hoa giấy... bán kiềm tiền để thỉnh thoảng còn mua quà cho các em, hoặc chỉ đơn giản là mua thực phẩm nấu cho các em một bữa ăn tươm tất hơn ngày thường.
Nguyễn Thị Thảo Nhi cho rằng, công việc bạn đang làm không lấy gì làm to tát, bởi SV ai cũng có tinh thần tình nguyện cả. Nhưng chỉ khi tiếp xúc nhiều với các em bé khuyết tật mới giúp các bạn hình thành được các kỹ năng cần thiết và “đi rồi mới biết, mới hiểu và yêu thương các em, chứ ở nhà được dạy rằng phải thông cảm với người khác, nhưng không biết cách thể hiện như thế nào...”, Nhi thổ lộ.
Khác với Thịnh và Nhi, Nguyễn Hoàng Minh (SV Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) đã thành lập nhóm tình nguyện viên với tên gọi VN với ý nghĩa là Việt Nam. Ban đầu, nhóm chỉ có 6 thành viên, là những anh chị em họ của Minh. Nhóm chọn cách chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách liên hệ với bệnh viện Đà Nẵng để nấu cháo từ thiện. Mỗi lần nấu các bạn phát được hơn 100 suất. Hơn 10 nồi cháo như thế đã được nấu thời gian qua.
Rồi những bức ảnh về việc làm của mấy chị em Minh được đăng tải và truyền đi trên mạng xã hội, giúp Minh kết nối với nhiều tấm lòng khác. Đến nay, nhóm VN của Minh đã có 24 thành viên tham gia. Dịp 1/6 vừa rồi, nhóm đã rồng rắn kéo nhau lên Bắc Trà My phát 40 suất quà cho các em nhỏ ở tổ Trấn Dương, thị trấn Trà My. Đồng hành với các bạn là tấm lòng của Hội Phụ nữ 2 phường An Khê và Hòa An đã quyên góp những thùng quà gồm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và vải may quần áo cho các em học sinh Trà My...
Người nhận quà ấm lòng, còn người trao quà như Minh thấy mình việc làm của mình có ý nghĩa hơn, bởi như Minh tâm sự: “Có làm được những việc như giúp đỡ người khác mới thấy mình quá sung sướng, mình mới biết chia sẻ với người khác và nếu không làm, bạn sẽ không biết gì về cuộc sống này”.
Hà Nguyên