Ngoài tình trạng gia tăng phương tiện, tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi ghi nhận, ùn tắc trên nhiều tuyến đường có phần do việc lập hàng rào thi công.
Ðiệp khúc mùa “rào đường”
Những ngày qua, giao thông trên nhiều tuyến đường Hà Nội xảy ra ùn tắc kéo dài. Nguyên nhân được nhiều Đội CSGT địa bàn Hà Nội cho biết, lượng phương tiện cá nhân và ô tô kinh doanh vận tải tăng cao. Bình thường ùn tắc giao thông chỉ xảy ra vào giờ cao điểm và diễn ra ở các nút giao ngã ba, ngã tư, nhưng những ngày qua xảy ra ở nhiều tuyến phố. Tại đường Trần Duy Hưng, chỉ dài 600 mét người tham gia giao thông phải mất cả tiếng đồng hồ mới đi hết. Tương tự, trên đường Nguyễn Trãi, nhiều người mất cả 2 tiếng mới di chuyển từ Ngã Tư Sở về được đến Hà Đông.
Tình trạng trên cũng xảy ra tại các tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Lê Duẩn - Giải Phóng, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ… Thậm chí, nhiều tuyến đường nội đô như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… bình thường rất ít ùn tắc, nhưng những ngày qua ùn tắc kéo dài vào sáng, chiều.
Ngoài nguyên nhân phương tiện tăng cao, ghi nhận ùn tắc trên nhiều tuyến phố Hà Nội dễ thấy lòng đường bị thu hẹp do có hàng rào thi công hoặc các dự án chỉnh trang đường, vỉa hè dịp cuối năm. Cụ thể, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay… vừa được chỉnh trang, vỉa hè lát đá rất đồng bộ, sạch sẽ, tuy nhiên mấy ngày qua, một số đơn vị thi công lắp dây điện chiếu sáng, thoát nước đã đưa máy khoan, xẻ lập hàng rào cày xới lòng đường, vỉa hè.
Tương tự, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang là một trong những tuyến xảy ra ùn tắc nhất Hà Nội, vậy nhưng hơn 1 tuần nay, lòng đường đoạn qua nút giao với đường vành đai 3 còn bị rào khoảng một nửa ở cả hai bên để thi công dự án hầm chui. Việc này khiến tuyến đường này càng tắc hơn. Điều đang khiến dư luận đặt câu hỏi là, dự án hầm chui Lê Văn Lương đã khởi công hơn 2 tháng nay, không hiểu sao đến dịp cuối năm - cao điểm về đi lại, mới thấy đơn vị thực hiện dự án rào đường thi công.
Chiều 23/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Đình Phan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án hầm chui Lê Văn Lương) cho biết, sau khi khởi công, dự án phải tiến hành xin giấy phép thi công, di chuyển cây xanh và hạ ngầm đường điện hạ thế… mất gần 2 tháng, đến nay dự án mới có đủ điều kiện để rào đường thi công. Trên nhiều tuyến đường khác của Hà Nội, như Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du, Kim Mã - Nguyễn Thái Học…, chúng tôi ghi nhận cũng đang có tình trạng công trình chỉnh trang chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ra ùn tắc giao thông.
Lập 79 chốt trực xử lý điểm nóng giao thông
Về giải pháp giảm ùn tắc trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đoạn qua công trường hầm chui Lê Văn Lương, ông Đỗ Đình Phan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, Ban phối hợp với Thanh tra giao thông để thường xuyên có người đứng hướng dẫn, điều tiết giao thông tại dự án. Cùng với đó, Ban đã làm việc với Sở GTVT, Phòng CSGT thống nhất, trong thời gian thực hiện dự án (6 tháng), phương tiện hỗn hợp đi trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đoạn qua dự án được phép đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - BRT.
Về việc xử lý các điểm ùn tắc dịp cuối năm trên địa bàn thành phố, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi Thành phố và Sở GTVT có văn bản yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tổ chức phối hợp, ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT dịp cuối năm, Thanh tra giao thông (TTGT) đã xây dựng kế hoạch phối hợp với CSGT để tuần tra, kiểm soát dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.
Cụ thể, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, đảm bảo giao thông thường xuyên trên đường, dịp cao điểm cuối năm năm nay, TTGT sẽ phối hợp với Cảnh sát trật tự, CSGT bố trí lực lượng lập 79 "chốt trực’’, đảm bảo trật tự, ATGT trên toàn địa bàn thành phố.
Riêng tại 6 bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội - thường là điểm nóng về giao thông dịp cuối năm, ông Hiệp cho biết, TTGT là lực lượng chủ trì lập 6 “chốt” trực làm nhiệm vụ thường xuyên. Tại đây, lực lượng liên ngành phối hợp giám sát, kiểm tra tất cả xe ra vào bến, xe ra khỏi bến chạy trên đường… Trong quá trình giám sát kiểm tra, nếu phát hiện xe khách vi phạm các quy định vận tải lập tức sẽ bị xử lý nghiêm, riêng lỗi nhồi nhét khách, tài xế, nhà xe sẽ bị yêu cầu dừng chạy, buộc quay lại bến san, hạ tải khách, sau đó lực lượng liên ngành làm các thủ tục xử lý theo quy định và bàn giao cho quản lý bến xe.
Bến xe dự báo tăng đến 150% lượng khách
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Cty CP bến xe Hà Nội cho biết, cuối năm, bến xe có 2 đợt cao điểm đón và vận chuyển hành khách là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch. Dịp cao điểm này, dự kiến lượng khách qua bến sẽ tăng khoảng 130% đến 150% so với ngày thường.