Xã hội hóa các biện pháp tránh thai: Nói thật, làm thật...

GD&TĐ - Đề án 818 về xã hội hóa các biện pháp tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản đã có tích động tích cực đến các địa phương. 

Các cộng tác viên DS - KHHGĐ xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc, Hòa Bình) đang tiếp thị, tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp tránh thai
Các cộng tác viên DS - KHHGĐ xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc, Hòa Bình) đang tiếp thị, tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp tránh thai

Theo đó, nhiều địa phương đã bắt tay vào cuộc và huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tiêu biểu trong công tác này là tỉnh Hòa Bình. Phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Minh Phương - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình - xung quanh vấn đề này.

Bà có nhận xét gì về Đề án 818 về xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản?

- Tôi cho rằng, Đề án 818 ở thời điểm này là thích hợp. Đây là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, nhằm làm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Cũng đã đến lúc, người dân không thể trông chờ, ỉ lại vào sự "bao cấp" của Nhà nước.

Bởi khi mà xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao, thì Nhà nước càng không thể nào mà bao cấp mãi được. Cần có sự thay đổi nhận và hành vi trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, ngay tại tỉnh Hòa Bình, rất nhiều người đã tự tìm đến các dịch vụ tư để mua và được tư vấn đề các biện pháp tránh thai. Chính vì vậy việc xã hội hóa lúc này là cần thiết, rất thích hợp ở thời điểm này.

Song cũng cần có lộ trình thích hợp. Tức là phải bắt đầu từ khâu tiếp thị, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, từ đó sẵn sàng thực hiện.

Vậy trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương có gặp phải khó khăn gì không?

 
  Bà Nguyễn Thị Minh Phương

- Khó khăn hiện nay đó là: Thiếu nguồn kinh phí cho truyền thông, quảng bá sản phẩm; chế độ chính sách hiện hành về Dân số - KHHGĐ của địa phương chưa đề cập đến tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai;

Một bộ phận không nhỏ là người dân vẫn chưa có thói quen mua phương tiện tránh thai để sử dụng mà vẫn trông chờ vào sự cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai; nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Với họ để bỏ ra một khoản tiền cho việc mua các phương tiện tránh thai cũng là một vấn đề. Do đó để thay đổi nhận thức từ được cấp phát miễn phí sang mua bán - dịch vụ đối với các đối tượng này cũng không phải là dễ dàng và không thể làm ngay trong "một sớm, một chiều".

Ngoài ra, giá bao cao su khi tiếp thị cao hơn so với giá thị trường, nên ít nhiều gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

Tiếp đến là trong hướng dẫn của Tổng cục DS - KHHGĐ thì đã có giá tạm tính. Như vậy để có một giá cuối cùng thì phải qua các khâu, qua thẩm định giá của tài chính, rồi có khi phải qua cả Hội đồng nhân dân thì mới "chốt" được giá dịch vụ cuối cùng. Như thế phải mất khá lâu, trong khi đó muốn xã hội hóa được thì phải có giá bán cụ thể.

Trước những khó khăn nêu trên, Chi cục đã hình dung những công việc phải làm trong thời gian tới như thế nào?

- Chắc chắn là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích bằng mọi hình thức. Tuyên truyền bằng cấp, phát tài liệu, trên các phương tiện truyền thông và gắp gỡ trực tiếp. Nói chung là phải nói thật, làm thật không thể "chuồn chuồn đá nước" được.

Ngoài ra, hiện chúng tôi đang tham mưu với Sở Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 818 và Sở cũng đang xin góp ý của các ngành cho Kế hoạch này. Chi cục cũng đang tổng hợp các ý kiến đóng góp để trình Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh ban hành Kế hoạch.

Chúng tôi cũng sẽ có ý kiến với ngành Tài chính của tỉnh và cấp có thẩm quyền để ban hành khung giá dịch vụ đối với các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu đó là phát huy vai trò của lực lượng công tác viên. Vậy để Hòa Bình sẽ sử dụng giải pháp này như thế nào để thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản?

- Đúng là vai trò của đội ngũ của công tác viên cực kỳ quan trọng trong công tác DS-KHHGD nói chung. Chúng tôi cũng xác định Đề án xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản có thành công hay không cũng phải nhờ phần lớn vào lực lượng đội ngũ này. Họ sẽ là các "chân rết", tại các địa bàn cơ sở cho chúng tôi.

Chúng tôi dự kiến sẽ có những khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những kỹ năng mềm như: Kỹ năng tiếp thị, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phán đoán và nắm bắt tâm lý....cho đội ngũ cộng tác viên. Mục đích nhằm trang bị cho họ những điều kiện cần thiết để họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Nói chung chúng tôi đặt niềm tin rất nhiều vào họ.

Xin cảm ơn bà!

Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đặc biệt là Hội phụ nữ, Đoàn thành niên trong thực hiện Đề án 818. Đặc biệt là chúng tôi rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các chi bộ Đảng trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này.

Chúng tôi cũng đã có ý tưởng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ - đó là những cơ sở có uy tín để phối hợp thực hiện xã hội hóa theo Đề án nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ