Ly hôn: Lối thoát hay đường cùng?

GD&TĐ - Có một thực tế đáng buồn là xã hội càng phát triển hiện đại thì càng có nhiều cặp vợ chồng tan vỡ hôn nhân. Đâu là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng lựa chọn con đường ly hôn? Việc ly hôn của cha mẹ liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến những đứa trẻ trong gia đình.  

Ly hôn: Lối thoát hay đường cùng?

Nỗi niềm ly hôn

Tại buổi tọa đàm “Ly hôn - Lối thoát hay đường cùng?” do CLB Ô Xinh tổ chức tại Hà Nội, chị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Việc ly hôn của tôi kéo dài trong vòng 1 tháng, nhưng trước đó cũng đã âm ỉ khá lâu. Hiện tại tôi một mình nuôi 2 cháu, một cháu học lớp 7 và một cháu học lớp 5. Con gái tôi bị ảnh hưởng khá nhiều về cuộc hôn nhân của chúng tôi. Mỗi lần bố mẹ xung đột là con gái tôi lại là người chứng kiến. Có lần con gái tôi nói: “Mẹ hãy chờ em Chíp học lớp 2 hãy ly hôn?”. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều, vì thế trước khi ly hôn tôi may mắn gặp được chuyên gia tâm lý, tư vấn cho con về vấn đề ly hôn của cha mẹ. Cuối cùng con gái tôi cũng hiểu và nói với tôi rằng: “Mẹ nên ly hôn đi”.

Cùng chung nỗi niềm sau khi tan vỡ, chị Mỹ Đức (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Câu chuyện của tôi bắt đầu từ lúc con trai mới 18 tuổi. Chồng tôi chơi bài và nợ một số tiền khá lớn. Lúc đó anh ấy nói rằng anh ấy rất yêu thương mẹ con tôi, muốn mẹ con tôi hiểu và chia sẻ. Tôi chấp nhận và cho rằng nợ thì phải trả. Sau đó khoảng 5 năm điều đó lại lặp lại, thậm chí bây giờ bố mẹ chồng tôi còn mất cả nhà vì trả nợ cho anh ấy. Đã nhiều lần hai bên đã thỏa thuận trách nhiệm trong gia đình, thì anh nói: “Tính tôi như vậy rồi không sửa được”. Tôi phải mất 5 năm để kết thúc cuộc hôn nhân của mình. Con trai tôi hiện giờ cũng đã phần nào nhận thức được vì có lần cháu nói: “Con yêu bố và mẹ theo cách khác nhau?”. Hiện tại, tôi nuôi con và không có sự trợ giúp nào từ chồng. Tôi cảm thấy cuộc sống dường như chủ động hơn”.

Tránh tổn thương cho con

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Trần Ban Hùng, người tiên phong đưa chương trình “Kỷ luật tích cực” về Việt Nam, tham gia biên soạn tài liệu và giảng dạy tại Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là chuyên gia lâu năm về Quyền Trẻ em cho biết, về vấn đề ly hôn, chúng ta không có kết luận đúng sai, lối thoát hay đường cùng về vấn đề này, cái quan trọng là mọi người tự chia sẻ và rút ra kết luận.

Trong cuộc sống hôn nhân, ai trong chúng ta một lần cũng muốn có ý định ly hôn. Nhưng việc sắp xếp công việc trong gia đình mỗi người không giống nhau và ly hôn là giải pháp cuối cùng của một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc.

Nguyên nhân để đi đến ly hôn thì có nhiều như lý do ngoại tình, lý do cờ bạc... Bên cạnh đó, với phụ nữ áp lực công việc gia đình và cơ quan rất lớn. Đi làm về nấu cơm, đón con; nhiều người cho rằng đó là thói quen, nhưng trong sâu thẳm luôn tiềm ẩn mong muốn được chia sẻ. Và khi có chuyện gì đó xảy ra, những tiềm ẩn đó thường dẫn đến sự xung đột, kết quả là sự đổ vỡ hôn nhân.

Gia đình tan vỡ - điều mà chẳng một người đàn ông hay phụ nữ nào muốn nếu nó ập đến với gia đình bé nhỏ của mình, đặc biệt khi giữa họ lại có một sợi dây gắn bó máu thịt - những đứa con bé bỏng. Khi quyết định ly hôn, đứa trẻ là người chịu thiệt thòi nhất.

Diễn giả Trần Ban Hùng cho rằng: “Không có một đứa trẻ nào ổn khi cha mẹ ly hôn. Phần lớn, khi đứng trước việc ly hôn của cha mẹ, con cái sẽ bị mất mát lớn về mặt tinh thần, bị tổn thương nhiều về tâm lý. Trong trường hợp này, bạn cần có sự cân nhắc về mọi mặt, xử lý tình huống sao cho hợp lý đúng đắn nhất để giảm bớt tổn thương trong lòng con trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ