“Lùi một bước để thấy biển rộng trời cao”

GD&TĐ - Cổ nhân có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Việc giáo dục con trẻ biết nhường nhịn là điều các phụ huynh nên luôn quan tâm. Thực tế, không phải cha mẹ nào cũng có kỹ năng dạy trẻ biết nhường nhịn.

Trẻ tham gia hoạt động tập thể trên các thiết bị vui chơi. Ảnh: Thế Đại
Trẻ tham gia hoạt động tập thể trên các thiết bị vui chơi. Ảnh: Thế Đại

Báo GD&TĐ đã trò chuyện với Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Cao Cang - Giám đốc Công ty Giáo dục Miền Nam (TPHCM).

Hiểu đúng về “nhịn là nhục”

- Ông thấy thế nào khi một bộ phận giới trẻ sống vội, hời hợt, thờ ơ hoặc ích kỷ, hiếu thắng, thích là làm… mà không biết sẻ chia, nhường nhịn từ trong nhà ra xã hội?

- Theo tôi, vì một số trẻ chưa có trải nghiệm của cuộc sống, thành ra không hiểu người, hiểu cảnh, dễ sống ích kỷ. Trẻ ích kỷ vì không biết, hơn nữa cũng vì ít được dạy về lối sống vị tha.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân do tác động của môi trường giáo dục từ gia đình. Hiện đa số gia đình rất ít con. Vì thế, các bé được gia đình bảo bọc, nuông chiều quá mức. Trẻ luôn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ “muốn gì được nấy”. Dẫn đến trẻ có thói ít kỷ, không sẻ chia, nhường nhịn.

- Cổ nhân có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Nhưng cũng có người cho rằng “nhịn là nhục”. Vậy phải hiểu như thế nào để đúng nghĩa với sự nhường nhịn để giáo dục con trẻ?

- Theo tôi, một điều nhịn chín điều lành. Nhịn trong câu này là nhịn trong lúc tranh cãi. Nhịn trong lúc mình không kiểm soát được lời nói. Hạ cái tôi của bản thân xuống để duy trì mối quan hệ được tốt đẹp của bạn bè, đồng nghiệp... Sau đó khi mình kiểm soát được bản thân, giữ được bình tĩnh thì bàn luận lại về mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng. Lúc đó bạn bè đồng nghiệp,... sẽ tiếp nhận ý kiến của mình và tín nhiệm mình hơn.

“Nhịn là nhục” ở góc hiểu là để người khác lấn áp mình. Họ chấp nhận bị đổ lỗi, bị phân biệt đối xử, bất công… mà không lên tiếng. Những lúc như vậy mình không nên nhịn mà phải nói lên quan điểm, ý kiến của bản thân một cách bình tĩnh.

Ví dụ, trẻ bị bạn đổ lỗi, mách với cô giáo là trộm tiền dù không làm. Trong lúc lớn tiếng tranh cãi với bạn, trẻ nên nhịn, tránh lớn tiếng sẽ xảy ra mâu thuẫn và những vấn đề đáng tiếc. Tuy nhiên sau đó, trẻ lên gặp cô giáo trình bày về vấn đề này. Trẻ sẽ nói chuyện một cách bình tĩnh với cô giáo và bạn để bạn hiểu rằng đang bị hiểu lầm. Sau sự việc, bạn sẽ hiểu và yêu quý nhau hơn.

Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Cao Cang - Giám đốc Công ty Giáo Dục Miền Nam (TPHCM). Ảnh: NVCC
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Cao Cang - Giám đốc Công ty Giáo Dục Miền Nam (TPHCM). Ảnh: NVCC

Hãy tín nhiệm, đừng chiều chuộng

- Tại sao sự nhường nhịn lại cần thiết trong cuộc sống?

- Cho đi chân thành và xuất phát từ tấm lòng của chính người cho. Khi nhường nhịn sẻ chia cũng chính là lúc đang cho đi chân thành. Chính trong lúc nhường nhịn, người sẻ chia cũng được nhận lại (sự biết ơn, biết ơn từ chính mình và biết ơn từ người khác).

Khi nhường nhịn, sẻ chia sẽ cân bằng trong cuộc sống. Biết ơn cũng là dấu hiệu đầu tiên của sự giàu có, khi biết ơn cũng là lúc thấy mình giàu có.

- Vậy phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ sớm hình thành đức tính biết nhường nhịn, sẻ chia?

- Trước hết, không bao giờ chiều con quá mức. Nhiều phụ huynh, nhất là bà - mẹ vui sướng và hãnh diện về con quá đáng. Từ đó nên hay ca tụng, để mặc ý con làm gì thì làm. Con xin gì cũng cho, đòi cái gì cũng đưa, muốn cái gì cũng được.

Con trẻ được chiều mọi lúc, coi mình là trung tâm mà mọi người phải hướng về. Vì thế, nó không theo hoàn cảnh gia đình, không đỡ đần anh chị làm việc nhà.

Từ bé, cần dạy trẻ giúp việc nhỏ trong gia đình như rửa chén, lau bàn ghế, mua lặt vặt. Công việc dễ dàng, vì con trẻ vốn ưa hành động, ham đi lại vận chuyển, thích công việc người lớn và muốn người trên tín nhiệm trao công việc.

Do tính thích làm việc và mong được tín nhiệm, con trẻ chăm lo đi giúp đỡ thân nhân, vui sướng làm hài lòng bạn bè, lần lần thành thói quen nghĩ đến kẻ khác chán ghét tính ích kỷ, vụ lợi…

- Để giáo dục con trẻ, ngoài gia đình, theo ông vai trò của nhà trường quan trọng ra sao?

- Bác Hồ từng dạy: “ Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vì thế, ngoài gia đình giáo dục nhà trường giữ một vai trò chủ đạo trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Để dạy trẻ sống không vụ lợi, ích kỷ, biết chia sẻ với mọi người, trước hết thầy cô giáo nên làm gương cho trẻ noi theo.Thầy cô giáo nên tận tâm, nắm bắt tâm lý của các em để kịp thời uốn nắn giáo dục trẻ.

Tiền đề của chia sẻ và nhường nhịn bắt nguồn từ tôn trọng và tự nguyện. Vì thế thầy cô nên dạy bé về điều này ngay từ lúc nhỏ. Ví dụ: “Đồ chơi này là của con à”. Một câu hỏi đơn giản thế thế cũng góp phần vào việc xác lập quyền sở hữu của trẻ. Từ đó mà sự chiếm hữu, phản kháng của trẻ giảm đi.

Thường xuyên tạo điều kiện cho bé sẻ chia những gì mình có. Giúp đỡ những người xung quanh chính là cách khéo léo để dạy con biết nhường nhịn thay vì tranh giành…

Nhà trường là môi trường rất quan trọng đối với sự phát triển ở trẻ, nơi định hướng những bước chân đầu tiên trong tư duy của các em. Ở đấy các em có môi trường để thực hành, giao tiếp với những bạn bè đồng trang lứa, quan sát các em khoá dưới và anh chị khoá trên. Nơi chia sẻ kiến thức, tăng tư duy giải quyết vấn đề. Ở đấy là xã hội thu nhỏ để các em được thử và sai khi trưởng thành

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ