Hè về gửi trẻ ở đâu?

GD&TĐ - Mùa hè năm nào cũng vậy, khi các lớp mầm non, tiểu học bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc phụ huynh nghĩ ra đủ phương án “gửi con”. Nhiều người tìm đến các điểm trông trẻ tư, cũng nhiều bậc phụ huynh cho con tham gia các trại hè, vừa có chỗ gửi con an toàn, lại giúp con rèn luyện kĩ năng sống.

Hè về gửi trẻ ở đâu?

Tìm cách... giữ con dịp hè

Nghỉ hè, các trường công đều nghỉ từ 1 - 2 tháng, vì thế câu chuyện quản con vào dịp hè ở các thành phố lớn lúc nào cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều bậc phụ huynh đã quyết định thay phiên nhau đưa con đến cơ quan để dễ quản lý. Thế nhưng giải pháp này không được lâu dài khi thấy con vui chơi không được thoải mái, trẻ hiếu động gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Chị Hoàng Thu Hương (Linh Đàm, Hà Nội), có con gái 5 tuổi học Trường Mầm non Đại Từ cho biết, khi con được nghỉ học chị đưa cả gia đình về quê chơi 1 - 2 ngày rồi gửi lại con ở nhà ông bà ngoại. Chị Hương chia sẻ: “Mình đi làm, nhốt cháu ở nhà thì không yên tâm, mà bắt cháu đi học hè thì cũng tội”. Vì thế, hè nào chị cũng mang cháu về quê rồi nhờ ông bà ngoại chăm.

Trước áp lực tìm nơi gửi con hiện nay, nhiều bà mẹ đã phải chọn giải pháp gửi con cho các dịch vụ giữ trẻ tư nhân như nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ gia đình. Những gia đình có điều kiện hơn thì chọn giải pháp gửi con vào nhà trẻ tư thục chất lượng cao.

Chị Lê Thị Hà (Ban Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam) có con năm nay chuẩn bị vào lớp 1, cho biết, chị vừa quyết định tìm một lớp học trại hè tiếng Anh để cho con tham gia. “Ngày nào cũng đưa con lên cơ quan thì cũng ngại với đồng nghiệp vì sợ cháu đi lại, vui đùa làm ảnh hưởng đến mọi người. Chi phí học cũng nhiều, hơn chục triệu đồng cho mỗi kỳ hè, nhưng đây là cách lựa chọn an toàn hơn cả”.

Không chỉ có phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non phải lùng sục, tìm người chỗ gửi con trong hè mà nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học cũng đang “nháo nhào” chạy tìm chỗ gửi con.

“Chạy sô” học kỹ năng sống

Do nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của phụ huynh, các trại hè, khóa học kỹ năng sống cũng nở rộ. Các chương trình hè với đa dạng hình thức như: Trại hè quân đội (tập trung rèn luyện về tính kỷ luật, kỹ năng sống), khóa tu mùa hè (rèn luyện kỹ năng sống và tính cách thông qua các hoạt động sinh hoạt tại chùa), trại hè Anh ngữ (do các trung tâm Anh ngữ tổ chức, giúp trẻ cải thiện tiếng Anh thông qua các hoạt động ngoại khóa), trại hè của các trường quốc tế (do các trường quốc tế tổ chức với đa dạng nội dung, kết hợp rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục tính cách và phát triển ngoại ngữ)…

Không có chỗ gửi con, giải pháp tiện lợi được nhiều phụ huynh lựa chọn là tiếp tục chọn cho con tới những lớp học năng khiếu, kỹ năng sống...

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ xem khóa học đó có phù hợp với con mình hay không, đừng chạy theo “tâm lý đám đông”, đồng thời cha mẹ không thể giao hết trách nhiệm dạy kỹ năng sống cho các trung tâm, bởi kỹ năng sống cần phải học cả đời, học ngay từ trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ theo một vài khóa học.

Để chọn được các khóa học chất lượng cho con, cha mẹ cần biết, những kỹ năng nào quan trọng và cần thiết cho con và tìm hiểu thật kỹ (qua phản hồi của các phụ huynh, các kênh truyền thông…) để ghi danh cho con trải nghiệm.

Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, nhiều cha mẹ tạo điều kiện để con thành công bằng mọi cách mà quên mất rằng con đang thiếu kỹ năng rất quan trọng, đó là kỹ năng… sống sót (như kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng ứng xử khi bị lạc, kỹ năng dùng dao, lửa, tự biết phục vụ mình, biết sử dụng đồng tiền, biết xây dựng thực đơn đầy đủ cho một bữa ăn…). Việc lựa chọn chương trình hoạt động hè cho con vô cùng quan trọng vì nó sẽ quyết định đến kĩ năng mà con có để vận dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ