Em chồng tuổi ẩm ương

GD&TĐ - Nhà chồng tôi chẳng có gì để chê, bố mẹ chồng mát tính, chồng tôi thì “chuẩn soái ca”, ai cũng bảo số tôi là số hưởng lộc. Nhưng chung sống với một cô em chồng ở tuổi ẩm ương thì không dễ dàng chút nào.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi sinh con trai đầu lòng, mẹ chồng tôi cố mãi vẫn không sinh được thêm con, đến khi quyết định từ bỏ thì cô con gái rượu mới chịu “xuất hiện”. Mẹ chồng tôi kể: “Cái Ly nghịch ngợm từ bé, mẹ mang bầu nó khi tuổi cao nên rất mệt mỏi, nó hành mẹ cả đêm không cho ngủ…”.

Khoảng cách tuổi của chồng tôi và Ly cách nhau khá xa nên anh rất chiều em gái. Có lẽ vì thế mà bản chất nghịch ngợm, đành hanh của Ly càng có dịp phát huy, và tôi chính là “nạn nhân” khổ sở nhất.

Sống ở nhà chồng, tôi không mất thời gian để thích nghi với bố mẹ chồng, nhưng em chồng lại là một “ca khó”. Một hôm tôi xuống bếp, mở tủ lạnh để lấy hộp sữa chua nhưng tìm mãi không thấy. Ly cũng vào uống nước, thấy tôi ở đó, con bé thông báo: “Chị tìm sữa chua à? Em ăn hết rồi”. Theo phản xạ tự nhiên, tôi hỏi lại: “Sao em lại ăn sữa chua của chị?...”. Tôi chưa nói hết nhẽ, Ly đã chạy lên phòng mẹ chồng tôi khóc lóc, kể xấu tôi đủ điều.

Tôi biết mình bị mẹ chồng hiểu lầm nhưng không muốn giải thích vì sợ bà nghĩ tôi hơn thua với một đứa con nít. Nhưng sáng hôm sau, khi mở tủ lạnh, tôi thấy hàng chục hộp sữa chua mới, đoán có điều bất thường, tôi hỏi mẹ chồng: “Mẹ ơi, sao mẹ mua nhiều sữa chua thế ạ?”. Mẹ chồng tôi trả lời với giọng điệu không lấy gì làm vui vẻ: “Cái Ly thích ăn nên mẹ mua cho nó được ăn thoải mái”.

Biết rằng mẹ chồng đang ngầm trách mình “kẹo kéo”, tôi đành giải thích: “Khổ quá, con cũng định mua cho Ly, hộp sữa chua hôm qua con ăn dở, bớt lại một ít để đắp mặt nạ trước khi đi ngủ, Ly không biết nên đã ăn, con chỉ sợ em nó bị đau bụng thôi”.

Sau khi được “giải oan” về hộp sữa chua, tôi tưởng thế là xong, ai ngờ ngay sau đó tôi lại bị nhà chồng hiểu lầm chuyện khác.  Bố mẹ chồng và chồng tôi phải đến bệnh viện thăm một người họ hàng bị tai nạn giao thông, tôi nhận nhiệm vụ ở nhà nấu cơm cho Ly ăn sớm để kịp đi học thêm buổi tối.

Tôi làm đúng như lời mẹ chồng dặn, đến giờ ăn, tôi gọi Ly: “Em ơi, xuống ăn cơm nhé”. Không thấy Ly trả lời, tôi gọi thêm 3 câu với âm lượng lớn gấp đôi lúc trước, Ly vẫn không thèm bắt mồi. Tôi chạy lên tận phòng em chồng, mở cửa thì thấy Ly quấn chăn quanh người, nằm dài trên giường, tai vẫn đeo headphone. Tôi đến gần, nhẹ nhàng gỡ headphone ra rồi nói nhẹ nhàng: “Em xuống ăn cơm rồi đi học nhé”.

Ly nhăn mặt: “Chị này! Em đang ngủ ngon, em sẽ ngủ thêm một chút, đúng 10 phút nữa chị gọi em nhé”. Cả nể em chồng, tôi ngồi lặng im ngay trên giường, đúng 10 phút sau mới dám lay em dậy: “Hết 10 phút rồi đấy, em dậy đi”. Ly mở mắt, giọng cáu bẳn: “Em mệt lắm, chị cho em ngủ thêm một tí nữa đi”.

Vì quá nản với thói nhõng nhẽo của em chồng nên tôi đi xuống dưới nhà ăn cơm một mình, ăn xong tôi lên phòng làm nốt việc dở dang. Tối muộn bố mẹ chồng và chồng tôi mới về, tôi nghe thấy mẹ chồng tôi to tiếng với Ly: “Mày lại bỏ học à? Không thích học thì ở nhà ngủ cho sướng, đăng ký học thêm làm gì cho phí tiền?”. Ly cãi: “Con dặn chị Yến gọi con nhưng chị ý quên, tại chị Yến đấy chứ”.

Từ ngày đó, Ly có một thói quen, hễ bị mắng là tìm cách đổ lỗi cho tôi. Một hôm khác, cô em chồng quý hóa về nhà với rất nhiều vết xước rỉ máu trên bắp đùi, mẹ chồng tôi xót con, hỏi: “Mày bị ngã xe đấy à? Đi đứng phải cẩn thận chứ”. Ly phụng phịu: “Nếu hôm nay con mặc quần dài thì đã không bị xước chân, tại chị Yến không chịu giặt quần áo sớm, lúc con lên sân phơi để lấy đồ xuống mặc thì quần đồng phục vẫn còn ẩm, thế là con phải mặc quần ngắn đi học”.

Vì Ly quá lười nên tôi chỉ muốn dạy cho con bé một bài học về tính tự lập. Và bài học đơn giản đầu tiên tôi muốn dạy con bé là quản lý đồng phục đi học của chính mình. Cuối tuần con bé phải tự vứt quần áo bẩn vào máy giặt, máy giặt xong thì phải biết giũ quần áo ra phơi. Mỗi việc nhỏ xíu ấy mà con bé không làm thì tôi cũng chịu.

Không thấy tôi mặn mà với chuyện sinh nở, mẹ đẻ tôi giục: “Đừng kế hoạch, nhỡ sau này hiếm muộn thì hối không kịp”. Nghĩ đến cô em chồng trẻ con, tôi thở dài: “Con chẳng có hứng sinh con nữa, mệt mỏi lắm mẹ ạ, trẻ con chỉ là niềm hạnh phúc nhăn nheo của bố mẹ mà thôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.