Đời thực của một rich kid

GD&TĐ - Từ nhỏ, tôi đã hay mặc cảm với bạn bè chỉ vì nhà mình không giàu, mình không có những bộ quần áo đẹp hay những món phụ kiện đắt tiền. Tôi rất ít bạn, những ai tôi muốn chơi đều có hoàn cảnh gần giống với mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có lẽ vì thế mà sau này tôi không thể tin trong đời mình lại có một người bạn thân giống như Nam. Gặp cậu ấy lần đầu tại trường đại học, tôi đã biết Nam đích thị là công tử nhà giàu. Dù cậu ấy đã cố gắng ăn mặc giản dị, không mang thêm trên người bất kỳ món phụ kiện sành điệu nào, thì khuôn mặt búng ra sữa cùng làn da trắng hồng không tì vết vẫn “tố cáo” rằng cậu ấy sướng từ trong trứng.

Thông thường, tôi sẽ tìm cách tránh xa những người bạn như Nam. Nhưng đôi lần có dịp tiếp xúc với Nam, tôi lại cảm nhận được sự gần gũi, dung dị, đặc biệt là ánh mắt chân thật của cậu. Dần dần tôi có nhiều thiện cảm với Nam hơn, cậu ấy cũng nhận ra sự khác biệt giữa tôi và những đứa bạn gái khác trong lớp.

Từ khi chơi với tôi, Nam chưa bao giờ thể hiện bất cứ điều gì chứng tỏ cậu ấy là con nhà giàu. Những câu chuyện Nam kể, hay những thói quen hàng ngày của cậu đều bình thường như tôi. Ở cậu có lẽ không có những lo toan lặt vặt liên quan đến tiền.

Mọi chuyện hoàn toàn thay đổi khi có lần Nam nhắn tin, hỏi: “Cậu có 500k không, cho tớ vay?”. Ban đầu tôi nghĩ Nam đùa, vì thời đó, một người dùng điện thoại nắp gập, xài máy nghe nhạc iPod mỏng dính, laptop xịn, xe máy tay gas đắt tiền như cậu là người rất đáng ngưỡng mộ, cũng là người nhận về bao ánh mắt ghen tị của bạn bè. Nhưng cậu lại hỏi vay tiền ở một đứa sinh viên chưa một lần trong đời được sờ vào điện thoại di động như tôi, thì chắc chắn là chuyện rất lạ đời.

Có điều, Nam chưa bao giờ đùa tôi, vì thế tôi vẫn tin tưởng cậu ấy. Tôi quyết định đập con lợn đất “nuôi” gần nửa năm, gom từng đồng, vuốt lại phẳng phiu rồi đưa Nam. Cậu ấy rất xúc động và quyết định tâm sự với tôi mọi chuyện. Thì ra, cuộc sống của Nam cũng chẳng khác tôi là bao. Nam có thừa điều kiện vật chất, nhưng bố mẹ cậu lại chọn hình thức giáo dục khổ luyện dành cho con trai.

Cậu hầu như không có tiền tiêu vặt, mà phải tự đi làm thêm để sắm những thứ mình thích. Vì có việc gấp cần giải quyết, mà lại không muốn xin tiền bố mẹ, nên cậu đã hỏi vay tôi. Biết tôi khó khăn lắm, nhưng cậu cũng chẳng còn người bạn nào đủ tốt, đủ tin tưởng và có thừa sự cảm thông như tôi. Cầm số tiền tôi đưa, Nam hứa: “Nhất định tớ sẽ trả lại cậu, à, hôm đó tớ sẽ khao cậu một chầu, cậu muốn đi ăn chè hay tào phớ?”.

Ra trường, tôi nhanh chóng tìm công việc ổn định để có thu nhập và tự lo cho bản thân, Nam thì đi du học. Cả hai đều bận nên không thường xuyên liên lạc, tình bạn cứ thế xa dần. Tôi thay đổi rất nhiều kể từ khi đi làm, dường như càng thành công hơn trong công việc, tôi càng mở lòng với mọi người xung quanh. Tôi không còn tự ti, nhút nhát như xưa.

Một ngày, tôi nhận được tin nhắn từ số lạ: “Nhớ tớ không? Nam hồi đại học đây”. Người bạn bao năm tôi mong ngóng, người bạn tưởng như đã quên mất tôi, giờ đây đang nhắn tin hỏi thăm tôi. Tôi xúc động đến mức nước mắt cứ thế trào ra. “Chào cậu, cậu khỏe không?”. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén, nhưng tôi chỉ có thể gói gọn trong một câu như vậy.

Nam vẫn như ngày xưa, không thay đổi chút nào. Cậu ấy kể rằng cậu ấy mới kết hôn được 2 năm, đó là mối tình đầu của cậu. Nam mất hết liên lạc với bạn bè cũ, nhưng số điện thoại của tôi thì vẫn còn lưu trong email của cậu, và vì thế cậu mới có thể add Zalo và chat được với tôi.

Vừa chat với Nam, tôi vừa tranh thủ lướt trang cá nhân, xem cậu ấy đang sống ra sao. Khác với nhiều người, những gì Nam chia sẻ đều rất giản dị. Tôi ấn tượng nhất với tấm ảnh đồng tiền 200k cậu ấy “khoe” cùng dòng status: “Tranh thủ đánh giày cho ông bạn cùng công ty để kiếm thêm tiền mua sữa cho con”.

Ai không biết lại tưởng cậu túng thiếu lắm. Nhưng tôi hiểu cậu đang có một cuộc sống rất hạnh phúc. Tôi mở ngăn kéo, lấy ra cuốn sổ bao năm nay vẫn ép chặt tờ 500k ngày xưa cậu gửi lại nhờ công việc làm thêm tại một xưởng in nhỏ gần trường đại học.

Cậu ấy vẫn là Nam của thuở xưa, không bao giờ khoe khoang gia thế của mình, ngược lại, những gì cậu ấy trưng ra thường là niềm vui cậu cảm nhận được từ đôi tay biết lao động, trái tim biết yêu thương, nâng niu và trân trọng tất cả những gì cuộc sống mang đến cho cậu. Chính tôi cũng phải học tập Nam điều này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.