Cùng con vượt thất bại

Cùng con vượt thất bại

Với con trẻ, cha mẹ đừng quên dạy con bài học “thắng không kiêu, bại không nản” để thành công tới nhiều hơn thất bại.

Biết trân trọng "thất bại"…

Ai cũng có những thất bại trong cuộc đời. Thất bại có thể mang đến nỗi buồn nhất thời nhưng cần vững tâm để nó là "mẹ thành công". Đôi khi chúng ta cần thiết được trải nghiệm sự thất bại để biết trân quý hơn những thành công của mình và của những người xung quanh.

Theo TS. Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu không biết rút kinh nghiệm, thì thất bại sẽ kéo dài. Nó còn làm nảy sinh một vài tính xấu như bao biện, tự thỏa hiệp, dễ bỏ cuộc... 

Với những đứa trẻ ít nếm mùi thất bại, bố mẹ nên tạo cho con cơ hội để trải nghiệm điều đó và rút ra bài học: thành công không dễ có.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, để "thành công" trong việc dạy con về sự "thất bại" là một việc đòi hỏi lắm công phu. 

TS. Hương kể rằng: "Một lần đi hát ở trường, con hát hay lắm, các cô đều thích. Nhưng khi tập, con không chịu hát chung với đội hợp xướng mà cứ đòi hát một mình. Các cô giáo đều ái ngại nhưng tôi ủng hộ các cô loại con với lí do: Con chưa tự tin khi hát cùng dàn hợp xướng, không có tinh thần tập thể. Khi nghe tin bị loại, con gái lao về phía mẹ, tỏ thái độ vô cùng thất vọng và òa khóc. Tôi có an ủi con nhưng ngầm đưa cho con thông điệp chuyện thành – bại trong cuộc sống.

Sau khi con đã nguôi ngoai, tôi đưa con tờ giấy và dặn con hãy ghi ra câu trả lời: Để không bị loại, con phải làm gì?/Con có nhận ra lý do gì khiến con bị loại khỏi đội hát?/Nếu không loại con thì với thái độ thiếu hợp tác, cả tập thể sẽ như thế nào? 

Ngay khi đọc được câu trả lời của con, tôi có niềm tin chắc chắn sau lần đó, con gái sẽ đạt được nguyện vọng. Vì thất bại đó đã khiến con trở nên khiêm tốn, cẩn thận và ngoan hơn nhiều. Bởi vậy, cần để con phải trả giá cho thất bại. Đồng thời dạy con chấp nhận thất bại của bản than để vươn lên".

"Thất bại là bài học rất tốt cho con trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý.

Đừng trách mắng con vì khi gặp thất bại nó đã đủ đau khổ lắm rồi. Hãy an ủi con và đừng quên giúp con nhận ra sai lầm của mình, nhận ra bài học từ thất bại, tự điều chỉnh để đạt được ước mơ", TS. Vũ Thu hương nhấn mạnh.

Thành công cũng có muôn hình vạn trạng. Có tiền tài, danh vọng, vị trí xã hội chưa hẳn đã là thành công. Đôi khi, thành công chỉ đơn giản là tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống, cũng có thể thành công là đã rút ra được bài học quý từ thất bại. 

Cha mẹ cần dạy cho trẻ cách nhìn nhận, đánh giá sự thành công và cách tự đặt ra các yêu cầu cho bản thân mình. Đôi khi, trong cuộc sống, chiến thắng nào đó có khi đem lại rất nhiều hệ lụy và có thể là nguyên nhân của những thất bại sau đó.

Cách chia sẻ cùng con

Trong bài học lớn về sự thành công, dạy con đối diện với thất bại là một điều vô cùng quan trọng và không hề đơn giản. Theo ThS. Đinh Thị Thu Hoài – Trung tâm Kỹ năng sống Inslight, chỉ ra một số "chiêu" có thể trợ giúp cho trẻ nhanh chóng và nhẹ nhàng thoát ra khỏi "bóng ma" của sự thất bại, lấy lại niềm tin để chinh phục những thử thách mới".

Không chê trách, chỉ trích con về thất bại. Hãy cố gắng giảm bớt những lời chỉ trích bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu. Đồng thời, đặt ra cho con 1 tiêu chuẩn phải vượt qua tùy thuộc vào khả năng, vừa sức với con. Như vậy con sẽ làm được mọi việc dễ dàng. Khi con đạt được, cha mẹ chỉ cần ghi nhận bằng một lời khen là đủ để con sống thật sự tự tin rồi.

Con cần được động viên khi thất bại trong học tập và cuộc sống. Các cha mẹ chú ý, để có thành công, con cần có thất bại. Cha mẹ cần động viên con rằng lần sau con cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt hơn rất nhiều. Lúc đó con sẽ có động lực để phấn đấu nhiều hơn.

Dạy con đối mặt với thất bại. Bởi mỗi thất bại không phải là đóng cửa mà là mở ra một cánh cửa mới. Con cần học cách chấp nhận đối mặt với những thứ không như ý mình để phấn đấu cho những mục tiêu khác.

Dạy con chấp nhận thử thách tiếp theo. Sau thất bại, cha mẹ hãy cùng con phân tích kĩ để rút kinh nghiệm và liên tục nói: Tin tưởng con sẽ chiến thắng. Biết chấp nhận thử thách lần 2, 3, 4… và tìm cách vượt qua sẽ cho con nhiều động lực hơn. Khi ấy, dù con thành công hay không, thì con vẫn sẽ học được vô khối bài học làm người.

"Có thể nói, dạy con chấp nhận và đối mặt với thất bại không hề đơn giản nhưng việc này là vô cùng cần thiết. Nó sẽ bảo đảm cho con có quyết tâm thực hiện công việc, biết cách rút kinh nghiệm khi sai, giữ hòa khí với bạn bè và người thân", ThS Đinh Thị Thu Hoài nhấn mạnh.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục INNEDU (TPHCM) cho rằng, đối với trẻ, thành công hay thất bại rất cụ thể và gắn liền với những mùa thi. 

Có thể nhiều nước mắt sẽ rơi, nhiều gia đình có thể sẽ có xung đột, đổ lỗi, chì chiết nhau... nhưng các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo đánh giá chính xác điều kiện thực tế, tìm giải pháp hơn là chỉ phân tích nguyên nhân khiến thất bại lại sinh ra thất bại.

"Giáo dục của thế kỷ 21 cần tạo ra những đứa trẻ linh hoạt về nhận thức, có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, có khả năng thích nghi và chuyển đổi cao. Điểm số chỉ có giá trị một giai đoạn ngắn. Kỹ năng và khả năng mới đồng hành cùng bọn trẻ đến khi trưởng thành. 

Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con hơn là việc con đạt được bao nhiều điểm. Hãy cùng con dũng cảm nhìn nhận và đối diện với thất bại. Làm được như vậy, cha mẹ đã dạy con cách để thất bại sinh ra những thành công mới trong tương lai", chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ