Đổi mới giáo dục từ gia đình để hình thành nhân cách của trẻ

GD&TĐ - Thực tế đã chứng minh, gia đình tuy không phải là thiết chế duy nhất có vai trò giáo dục, nhưng lại có tầm quan trọng ảnh hưởng đến hành vi của con người. 

Đổi mới giáo dục từ gia đình để hình thành nhân cách của trẻ

Bởi đấy là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mỗi thành viên, mà quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và ảnh hưởng to lớn đối với mỗi người từ khi sinh ra đến tận lúc trưởng thành.

Thế nhưng thực tế lại cho thấy, phần lớn gia đình hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục con cái. Hầu hết các bậc cha mẹ còn thiếu những kiến thức cần thiết về khoa học giáo dục. Một khảo sát mới đây cho thấy có tới 45% cha mẹ không rõ dạy cái gì và dạy con như thế nào.

Một nghịch lý rất đáng nói nữa là: Hầu hết các gia đình hiện nay rất ít con, nhưng sự quan tâm dạy bảo của các thế hệ cha mẹ lại không được nhiều và không thường xuyên như gia đình đông con ngày trước.

Không ít bậc cha mẹ, nhất là những “ông bố”, “bà mẹ” trẻ do mải mê kiếm tiền, làm giàu, thăng tiến… đã phó thác trách nhiệm hoàn toàn việc dạy bảo cho nhà trường, mà không hiểu rằng, có những công việc giáo dục được bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình, như: Sự trung thực hay giả dối; tin cậy hay hoài nghi; bảo thủ hay tiến bộ; đích thực hay ngụy tạo; dũng cảm hay hèn nhát; quyết đoán hay do dự; vị tha hay ích kỷ; vô tư hay vụ lợi... tất thảy đều được nuôi cấy và dưỡng dục, thử thách và kiểm chứng trước hết từ giọt mầm đầu tiên đến cội rễ cuối cùng ở chính dưới mái nhà của mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, không ít bậc làm cha mẹ thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong giáo dục con em mình, nên thường phản ứng theo bản năng với quan niệm cho rằng: Con cái là sở hữu riêng, nên có mọi quyền theo ý mình. Chính vì thế dẫn tới cách thức giáo dục tùy hứng và sai lầm, để lại những chấn thương trong nhân cách trẻ.

Nói cách khác nếu như trước kia giáo dục trong các gia đình truyền thống đã tạo dựng nên bao thế hệ Việt Nam trưởng thành, biết trọng lễ, nghĩa, biết yêu thương, chung thủy, trách nhiệm, biết hy sinh vì nghĩa lớn... và những con người như thế đã tạo nên nhiều thành tựu lớn lao cho đất nước… thì ngày nay xã hội phát triển, bối cảnh sống thay đổi đã làm cho giáo dục trong gia đình có những thay đổi, đồng thời cũng làm bộc lộ những hạn chế nhất định trong cách thức giáo dục của gia đình truyền thống và tạo ra nhiều áp lực cho các bậc cha mẹ trong giáo dục đạo đức thế hệ trẻ.

Để gia đình thật sự trở thành tế bào lành mạnh của xã hội thì những người làm cha, mẹ - những người chủ của gia đình - nhất thiết cần đổi mới trong việc giáo dục cho con em mình, trước hết là trang bị nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình. Kiến thức ở đây có thể từ kinh nghiệm, có thể từ học tập trong sách vở và trong cuộc sống.

Tuy nhiên, dù kiến thức nào thì cha mẹ cũng phải biết lựa chọn những vấn đề phù hợp với yêu cầu của xã hội, phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý lứa tuổi, phù hợp với đặc điểm của từng đứa trẻ; phải cập nhật thông tin, nắm bắt được nhu cầu tâm lý của con mình, có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ.

Điều quan trọng là bản thân cha mẹ phải là tấm gương tốt. Sẽ không thể có những con người có nhân cách tốt được nếu như cách hành xử thô thiển thiếu văn hóa của cha mẹ với nhau và với những người xung quanh.

Và một điều không thể không nhắc đến là mỗi gia đình phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tiến bộ, cha mẹ phải bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Bình đẳng ở đây thể hiện là mọi thành viên trong gia đình đều có quyền nói lên tiếng nói của mình. Mọi tâm tư nguyện vọng của các cá nhân trong gia đình đều được lắng nghe, chia sẻ, những tâm tư nguyện vọng nào chính đáng phải được đáp ứng cho phù hợp.

Muốn có được điều này thì các thành viên trong gia đình phải thật sự tôn trọng nhau, đặc biệt không có sự bất bình đẳng giới. Trẻ em trai và trẻ em gái phải có quyền và nghĩa vụ như nhau, được thụ hưởng mọi giá trị như nhau, cùng nhau được học hành. Những người cha, người mẹ trong gia đình cũng phải được tôn trọng như nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống.

Tóm lại, gia đình có vai trò to lớn trong việc giáo dục nhân cách cho con người, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội tốt đẹp. Như Bác Hồ đã từng nói: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.