Giả danh công an, dọa trúng… công an

Chỉ từ những cú điện thoại giả danh công an dọa nạt, không ít người trong thời gian qua đã vội vàng nộp từ 200 - 700 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Hai đối tượng Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu
Hai đối tượng Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu
Điều đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng chính những nạn nhân này cũng nhúng chàm, bởi với người dân thường đâu có dễ bị hù dọa; hoặc băng nhóm lừa đảo này quá tinh vi, tổ chức chặt chẽ nên dễ dàng qua mặt nhiều người dân lương thiện?
Khi hai đối tượng có quốc tịch Đài Loan bị bắt, một phần sự thật đã được hé mở.

Từ nợ cước điện thoại thành sử dụng tài khoản bất hợp pháp

Khi chúng tôi hỏi các trinh sát PC50, nếu không có liên quan đến tội phạm, dễ gì người làm ăn lương thiện lại có thể nộp vào tài khoản “trời ơi” nào đó vài trăm triệu đồng theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo? 

Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, các anh cho biết, những đòn tâm lý, các chiêu lừa đảo của các đối tượng lừa đảo là cực kỳ tinh vi. Chúng bắt đầu “đòn vọt” từ những việc rất đời thường để rồi chuyển ngoắt sang những việc tày trời khiến nạn nhân quá choáng không kịp suy nghĩ chỉ biết răm rắp làm theo những gì chúng yêu cầu. 

Không chỉ là cách làm cho nạn nhân tin số điện thoại gọi đến là của công an (CA), mà còn tạo ra những âm thanh khiến người nghe tin rằng đầu dây bên kia CA đang làm việc.

Một trong những nạn nhân là anh Nguyễn Văn Tuân cho biết: Nhận được điện thoại của một phụ nữ gọi đến số máy cố định của cơ quan cho biết anh đang sử dụng thuê bao cố định ở TPHCM (08...314) và đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước. 

Anh Tuân thắc mắc, chưa bao giờ vào TPHCM thì làm sao có chuyện đó được. Chúng liền giải thích là có thể ai đó sử dụng chứng minh thư giả và nói rõ số máy này gọi điện ra nước ngoài rất nhiều.

Đối tượng này ra vẻ tử tế hướng dẫn anh Tuân tố cáo với CA TPHCM và qua hắn giới thiệu anh Tuân biết được một người tự giới thiệu, là Lý Duy Phong - Cán bộ CA TPHCM. 

Để lấy niềm tin, Phong nói anh Tuân thử kiểm tra lại xem số 083838200 có phải là điện thoại của CA TPHCM không. Sau khi kiểm tra từ 1080, được biết đây là số điện thoại của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TPHCM thì anh Tuân rất tin. 

Sau đó, người có tên Phong sử dụng số điện thoại trên (chỉ khác số đầu là số 0 bằng dấu +) để hỏi một số thông tin về cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.

Ngay cùng lúc, Phong yêu cầu anh Tuân ra một chỗ không có ai và giọng rất nghiệp vụ, đầy hăm dọa: Cuộc điện thoại này có ghi âm, anh đang trong giai đoạn bị nghi vấn sử dụng tài khoản của ngân hàng chuyển tiền hoặc ủy quyền sử dụng tài khoản bất hợp pháp. 

Tên này còn yêu cầu anh Tuân phải cung cấp thông tin về các tài khoản, các sổ tiết kiệm đang mở tại các ngân hàng. Do thiếu hiểu biết, anh Tuân đã cung cấp những thông tin mà Phong yêu cầu, trong đó có một số tiết kiệm 200 triệu đồng gửi tại ngân hàng Sacombank. 

Phong dọa tiếp, hiện có đối tượng sử dụng tài khoản của anh Tuân để chuyển tiền bất hợp pháp 500 triệu đồng và công an đang giữ để điều tra.

Thấy nạn nhân bắt đầu hốt hoảng, Phong liền yêu cầu anh Tuân về nhà lấy sổ tiết kiệm có mệnh giá 200 triệu đồng để cung cấp thông tin và yêu cầu không được tắt máy điện thoại. 

Không cho anh Thân kịp suy nghĩ, tên này lại yêu cầu anh nói chuyện với “trưởng phòng điều tra” của mình là Nguyễn Thanh Toàn. Toàn yêu cầu anh Tuân chọn một trong 2 phương án. 

Một là, sẽ bị phong tỏa tài khoản trong 1,5 năm để điều tra và cho phép trong vòng 24 giờ để chứng minh số tiền của mình là hợp pháp. 

Điều kiện kèm theo là chuyển toàn bộ 200 triệu đồng trong sổ tiết kiểm vào tài khoản do ban thanh tra ngân hàng cung cấp để xác minh sau đó sẽ được nhận lại số tiền đó. 

Hai là, anh Tuân sẽ bị CA bắt tạm giam 3 tháng để điều tra, nếu liên quan đến vụ việc sẽ bị chịu mức án từ 7 - 15 năm tù.

Do sợ mất uy tín, anh Tuân đã đồng ý chọn phương án 1 và làm theo lệnh của Toàn là chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Đình Trung được mở ở Ngân hàng Sacom bank chi nhánh Thanh Khê (Đà Nẵng) vào lúc 13 giờ ngày 9/6.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ, các đối tượng đã “đòn vọt” qua điện thoại để “lừa” anh Tuân - một cán bộ nhà nước, không có tội tình gì, chuyển cho chúng 200 triệu đồng.

Sau một tiếng đồng hồ, chúng lừa đảo tiếp vụ thứ 2

Nếu như vụ lừa đảo anh Tuân diễn ra từ 8 giờ 30 đến 13 giờ, thì đến 14 giờ cùng ngày, các đối tượng này lại lừa đảo tiếp bà Nguyễn Ngọc Lâm. 

Vụ này giống vụ trước ở hầu hết những chi tiết, hành vi lừa đảo: Cùng là một giọng phụ nữ gọi điện thoại đến máy cố định, các nạn nhân đang ở Hà Nội nhưng đều nợ 8.930.000 đồng tiền cước điện thoại ở một số máy cố định ở tận TPHMC.

Cũng yêu cầu các nạn nhân tự kiểm tra lại qua 1080 xem số điện thoại 08.38387200 có phải của CA không, nhưng lúc các đối tượng gọi đến vẫn là số đó nhưng chỉ khác một số đầu (số 0 thành dấu +) mà nạn nhân trong lúc hoang mang không phát hiện ra nên tin đấy là... CA. 

Cả hai nạn nhân đều chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của chủ tài khoản Nguyễn Đình Trung được mở ở Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Thanh Khê, Đà Nẵng). Đồng thời, cả anh Tuấn và bà Lâm đều phát hiện ngay bị lừa đảo khi kịp bình tâm.

Điểm khác trong 2 vụ án diễn ra trong một ngày này là tùy đối tượng mà các đối tượng có cách hù dọa cho phù hợp. Nếu như anh Tuân bị những kẻ lừa đảo dọa thuộc diện “nghi vấn sử dụng tài khoản của ngân hàng chuyển tiền bất hợp pháp...”, thì bà Lâm bị chúng nói thẳng “số chứng minh thư của bà Lâm liên quan đến vụ lừa đảo tiền ngân hàng ở TPHCM". 

Khi biết bị lừa, bà Lâm còn kịp thời đề nghị ngân hàng phong tỏa số tài khoản mà mình vừa gửi tiền vào, tuy nhiên, đối tượng cũng đã kịp rút mất 98 triệu đồng.

Liều lĩnh hơn, chúng còn dọa một nhà giáo nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có liên quan đến một đường dây ma túy lớn nên sẽ phong tỏa tài khoản của ông giáo già đã 70 tuổi. Tuổi cao không chịu nổi áp lực này, ông giáo đã chuyển 720 triệu đồng vào tài khoản cho bọn chúng. 

Có trường hợp gọi điện đúng vào một CA ở Hà Nội, chúng vẫn lớn tiếng: “CA mà làm ăn thế à?”. Nói cứng vậy, nhưng sau đó chúng lẳng lặng... cúp máy.

Mối liên quan từ chủ tài khoản Nguyễn Hùng Sơn và các đối tượng lừa đảo là gì?

Qua theo dõi, bám sát địa bàn, vào 13 giờ 10 ngày 30/6 các trinh sát đội 5 (PC50) đã bắt quả tang 2 đối tượng đang thực hiện rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng Techcombank ở đường Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Hai đối tượng này là Trương Khải Nhạc (sinh 1987) và Tạ Minh Tu (sinh 1983), đều có quốc tịch Đài Loan và đang tạm trú trên đường Nguyễn Thị Định.

Qua đấu tranh bước đầu, hai đối tượng này khai nhận vừa mới nhập cảnh vào Việt Nam ngày 25/6 theo con đường du lịch qua Móng Cái. 

Thẻ ngân hàng có được từ 3 đối tượng người Việt Nam không quen biết, do đối tượng Tiểu Cao người Trung Quốc giới thiệu. 

Khi rút tiền, chúng được hưởng 4 - 5% hoa hồng, số tiền còn lại chuyển cho Vương Bình ở Trung Quốc qua một người Việt Nam đang ở Hà Nội.

Trước khi bắt được 2 đối tượng Đài Loan, các trinh sát đã xác định, không chỉ 2 nạn nhân trên gửi tiền vào tài khoản của Nguyễn Hùng Sơn mà một số nạn nhân khác cũng được các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển vào đây. 

Qua xác minh tài khoản của Sơn cho thấy, mỗi khi tiền được chuyển vào ngay lập tức được chuyển qua 5 - 6 tài khoản khác. Trong số đó có 5 tài khoản của những đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc và một số tài khoản của người Việt Nam. 

Riêng các tài khoản ở Việt Nam, theo xác minh bước đầu đã liên quan đến cả chục đối tượng ở nhiều tầng nấc khác nhau (chúng tôi sẽ thông tin sau).

Theo PC50 Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng chục nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo này lấy mất hàng tỉ đồng. 
Nếu kể các cuộc điện thoại đến các gia đình dọa đã bắt cóc ai đó (dù thực tế chẳng có cuộc bắt cóc nào) để đòi tiền chuộc thì tổng số đã gần 40 vụ (từ 20/4/2014 đến nay).

Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng PC50 (CA Hà Nội) - cho biết: Khi làm việc với các đối tượng liên quan tới các vụ án, cơ quan công an đều có giấy mời hoặc giấy triệu tập (tùy vụ án đã khởi tố hay chưa) đến cơ quan công an làm việc - đây là nguyên tắc bắt buộc. 

Về việc nộp tiền, khi thu giữ tiền của đối tượng vì lý do gì đấy cũng đều có biên bản và tiền thì nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CA. Do đó, các kiểu làm việc, thu tiền không theo quy định này đều là không hợp pháp.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ