Ghép giường - Nỗi kinh hoàng của người bệnh

GD&TĐ - “Thử hỏi 4 bác sĩ ngồi một giường có chịu nổi không?” - Đó là câu hỏi của người đứng đầu ngành Y khi chứng kiến cảnh bệnh nhân đang điều trị, truyền nước phải ngồi, nằm chen nhau tại các cơ sở y tế. Câu hỏi trên động đến nỗi sợ của bệnh nhân và cũng là căn bệnh nhức nhối tồn tại nhiều năm tại các bệnh viện tuyến cuối.

Ghép giường - Nỗi kinh hoàng của người bệnh

Quá tải mọi nơi

Quá tải, thái độ ứng xử không thân thiện, thậm chí quát mắng và gợi ý người bệnh đưa tiền không còn là chuyện lạ ở các bệnh viện. Thực trạng trên được phản ánh qua đường dây nóng của cơ sở y tế, của Bộ Y tế. Bản thân Bộ cũng cử nhiều đoàn đi thực tế ở bệnh viện, đã ghi nhận cảnh bệnh nhân nằm chiếu truyền nước, chui vào gầm giường… nhưng tất cả mới dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở.

Cuộc vi hành mới đây của đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế tới cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối một lần nữa tái hiện cảnh quá tải ở bệnh viện. Lần này, bệnh nhân may mắn có dịp bày tỏ băn khoăn, bức xúc bấy lâu của mình. Nhiều bệnh nhân đã phản ánh tình trạng phân biệt đối xử giữa người bệnh biếu tiền và không biếu tiền, quát mắng người bệnh, người bệnh phải nằm ghép 2 - 4 người/giường… tại Bệnh viện K đã diễn ra trong thời gian dài.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, một trong 5 bệnh viện được xếp hạng đặc biệt nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra tồn tại như phía khuôn viên vườn hoa, ghế đá, vẫn xảy ra tình trạng người bệnh, người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm la liệt… Tại khu vực Khoa Khám bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp trao đổi và hỏi thăm 5 bệnh nhân và đều nhận được phản ánh là quy trình khám, chữa bệnh rất lâu.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, mặc dù nhiều bệnh viện đã ký cam kết không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép sau 12 giờ, 24 giờ và 48 giờ nhập viện. Tuy nhiên, đến nay, những bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải như Bạch Mai, K, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1&2, Tim mạch, Ung bướu là chưa dám ký cam kết. Do vậy, tình trạng quá tải vẫn diễn ra triền miên.

Khi bệnh viện thích “chân trong chân ngoài”

Lý giải cho tình trạng nằm ghép kéo dài ở bệnh viện tuyến cuối, ông Khuê cho rằng: Tỷ lệ giường bệnh/người dân hiện quá thấp. Hiện nước ta mới có 23 giường bệnh/10.000 dân, trong khi trung bình của các nước ASEAN là 33 giường bệnh/10.000 dân. Ở Cu Ba là 60, ở Nhật là 80 giường bệnh/10.000 dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện lâu nay được bổ nhiệm từ người làm chuyên môn nên thiếu trình độ, kinh nghiệm về quản lý, điều hành các vấn đề liên quan. Người dân có xu hướng tìm đến nơi có nhiều bác sĩ đầu ngành dù biết quá tải. Người có điều kiện hơn thì ra nước ngoài…

Vẫn biết, quá tải bệnh viện do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Quá tải khiến chất lượng khám chữa bệnh không cao, tai biến nhiều. Quá tải khiến người bệnh, bác sĩ, nhân viên y tế đều khổ… Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các cuộc kiểm tra của Bộ tại điểm nóng về quá tải thời gian qua cho thấy sự thật, bản thân các bệnh viện cũng lợi dụng chính sách để giường dịch vụ, thu tiền tươi lấn át giường bệnh chi trả theo bảo hiểm.

Tại Viện Tim mạch quốc gia, dù đã có riêng khoa khám, điều trị theo yêu cầu nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn cho kê thêm ít giường này vào phòng điều trị bệnh theo bảo hiểm (149/273 giường dịch vụ trên tổng số giường thực kê). Kết quả trong cùng một phòng, giường có 2 - 3 người, giường có một người. Hay như khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), dù quá tải trầm trọng nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn cho khoa kê giường dịch vụ đến 30% tổng số giường bệnh.

Rõ ràng, không có người bệnh nào muốn nằm chung giường trong lúc ốm đau, bệnh tật. Chủ trương của Bộ Y tế cũng không chấp nhận cảnh bệnh nhân nằm ghép 3 - 4 người/giường, bệnh nhân rơi cả xuống đất, nằm tràn ra hành lang. Nhưng sau mỗi đợt kiểm tra, sai phạm được chỉ ra nhưng sau đó lại đâu vào đó. Bệnh đã bắt nhưng thuốc giải sao mãi không thấy hay có thuốc mà Bộ chưa dám mạnh tay xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.