GD&ĐT Thanh Hóa: Nhiều khởi sắc

GD&ĐT Thanh Hóa: Nhiều khởi sắc

(GD&TĐ) - Hôm nay (21/8), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu đoàn công tác Bộ GD&ĐT  thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ GD Tiểu học, GD Mầm non, Vụ GD trung học, Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Cơ sở Vật chất, Thiết bị trường học - Đồ chơi trẻ em.

Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự buổi làm việc có Bí thư tỉnh Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến, lãnh đạo Sở GD&ĐT và các Ban, ngành của tỉnh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn

GD mũi nhọn khẳng định được vị trí tốp đầu

Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa ước đạt 8,8%, đây là mức tăng khá trong điều kiện còn nhiều khó khăn; Thanh Hóa đã giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân... được quan tâm chỉ đạo làm nền tảng cho các lĩnh vực kinh tế -  xã hội, văn hóa - giáo dục ổn định và phát triển.

Tính đến hết năm học 2012 - 2013, tổng số trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có 2.823 trường. Trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc học Mần non là 33,23%, Tiểu học: 66,53%, THCS: 27,11% và THPT: 13%; so với tỷ lệ bình quân chúng cả nước lần lượt ở các bậc học là 22,6% - 41,8 - 32,29 và 19,42%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 619/637 xã, phường; 26/27 huyện thị, thành phố đã hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, đạt tỉ lệ 96,29%; 100% xã, phường, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở.

Tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì được các thành quả PCGD, CMC, đẩy mạnh thực hiện đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và công tác giáo dục mũi nhọn. Nhiều năm liền tỉnh Thanh Hóa được xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, khu vực châu Á - Thái Bình dương và Olympic quốc tế các môn văn hóa cấp THPT. Năm  học 2012 - 2013, Thanh Hóa có 64/80 em đạt giải quốc gia; đạt 4 huy chương Olympic quốc tế.

Hàng năm, có khoảng 24% học sinh thi đỗ vào các trường CĐ - ĐH trong tổng số các em dự thi đã đăng kí dự thi. Năm 2013 có tổng số 63.169 số lượt đăng ký dự thi CĐ-ĐH, đã có 14 học sinh đậu thủ khoa các trường đại học hàng đầu của cả nước.

Cùng đó, Thanh Hóa đã tích cực lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) GD&ĐT với chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách TƯ, ngân sách địa phương, các chương trình có tài trợ nước ngoài và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội hóa để tăng cường cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu dạy và học. Kết quả tính đến năm học 2012 - 2013 cả tỉnh có 20.364/25.752 phòng học kiên cố (đạt tỷ lệ 81.93%).

Đội ngũ CBQL giáo dục, giáo viên ngày càng được nâng cao trình độ. Tính đến 8/2013 tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn ở Mầm non đạt 46,68%; Tiểu học đạt 80,15%; THCS 71,42%; THPT 10,33%; GDTX 8,29%.

Công tác XHH giáo dục và xây dựng XHHT luôn được Thanh Hóa chú trọng. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trung tâm HTCĐ; đã gây quỹ hỗ trợ xây dựng được 678 phòng ở cho 300 giáo viên, quyên góp được nhiều tỷ đồng, góp phần khắc phục bớt khó khăn, tạo cho cán bộ, giáo viên vùng cao, vùng khó, vùng sâu, vùng xa có nơi ăn chốn ở để yên tâm công tác.

Tại buổi làm việc, Thanh Hóa đã kiến nghị với đoàn công tác những đề xuất kiến nghị nhằm tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực trường Chuyên, PTDTNT, cho phép Trường Đại học Y Hà Nội Thành lập Phân hiệu tại Thanh Hóa, Nâng mức hỗ trợ CTMTQG GD&ĐT... bố trí nguồn vốn cải tạo, nâng cấp các công trình TDTT phục vụ Hội khỏe Phù Đổng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: gdtd.vn

Chú trọng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luậnđánh giá cao và chúc mừng Thanh Hóa từ đầu năm đến nay có nhiều thắng lợi và khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có GD&ĐT với kết quả đáng ghi nhận năm học 2012 - 2013.

Bộ trưởng nhận định: GDMN của tỉnh đã có nhiều giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn về CSVC, trường, lớp học ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ven biển... Cùng với đó là chất lượng của GDMN không đồng đều ở các vùng này và vùng đồng bằng, thành phố, những nơi có điều kiện tốt phát triển GD.

Ở bậc học phổ thông, chất lượng GD đại trà đã có bước phát triển tốt, thực chất hơn và ngày càng ổn định. Với GD Mũi nhọn, Thanh Hóa là một trong những tỉnh tốp đầu cả nước về thành tích HSG quốc gia, thành tích khu vực và quốc tế các môn học. Tuy là tỉnh còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội hàng năm, nhưng Thanh Hóa đã có nhiều chính sách thiết thực, tạo động lực cho cả thầy và trò phấn đấu, vươn lên đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập.

Với giáo dục phổ thông Thanh Hóa, khó khăn chủ yếu là GD dân tộc, miền núi; hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, thiếu nhà lưu trú cho học sinh.

Với các trường CĐ - ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: Các trường CĐ - ĐH trên địa bàn còn non trẻ, đề nghị tỉnh và các trường chú trọng đến chất lượng đào tạo, giảm dần quy mô. Hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội - trong đó có GD&ĐT - là chuyển đổi từ tăng trưởng số lượng, quy mô sang chất lượng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng mong muốn các trường CĐ - ĐH tại địa phương với năng lực tự có của mình, phát huy cao độ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phân cấp mạnh mẽ cho các trường. Sắp tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phân cấp cho các địa phương, các trường tự chủ, tự chịu  trách nhiệm trong quyền hạn của mình. Đồng thời siết chặt kỉ cương, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường theo quy định ban hành.

Với Phân hiệu ĐH Y Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương và giao Bộ GD&ĐT xem xét thẩm định góc độ chuyên môn để tham mưu, cấp phép thành lập.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý: Hiện Đại học Y có Trung tâm đào tạo tại Thanh Hóa không có nghĩa là dễ dàng, nâng cấp thành lập Phân hiệu tại địa phương. Điều này liên quan đến quỹ đất, CSVC, giảng viên cơ hữu, CBQL, tài chính, cơ chế của tỉnh.... để đảm bảo chất lượng đào tạo. Khi hội đủ các điều kiện này, Bộ mới xem xét, tham mưu cho Chính phủ cấp phép, thành lập Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ chủ trương bố trí vốn để tiếp tục Đề án Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn tiếp theo để xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn..., trang bị nhà ở công vụ cho giáo viên mà ngành đang có nhu cầu với số lượng rất lớn. Đồng thời với đó là bố trí nguồn vốn cải tạo, nâng cấp các công trình TDTT phục vụ hội khỏe Phù Đổng năm 2015 tổ chức tại Thanh Hóa, Nghệ An.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã cho ý kiến về các vấn đề: Chỉ tiêu tuyển sinh các trường CĐ - ĐH trên địa bàn; Công tác đào tạo cử nhân lấy chứng chỉ sư phạm; Định mức biên chế giáo viên ở các vùng miền; Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ xây dựng Đề án trường Chuyên mới  trên cơ sở cân đối nguồn vốn.

 
Cùng ngày, trước thềm năm học mới 2013 - 2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tới thăm, tặng quà, động viên khích lệ tinh thần cán bộ quản lý, giáo viên, HSSV các trường: THPT chuyên Lam Sơn; Trường MN Tư thục Happy Home - TP Thanh Hóa (Ảnh trên) và Trường ĐH Hồng Đức.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ