GĐ sở GD-ĐT Hà Nội: 100% các cháu đúng độ tuổi được vào học

GĐ sở GD-ĐT Hà Nội: 100% các cháu đúng độ tuổi được vào học

(GD&TĐ) - Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học Hà Nội năm học 2011 - 2012 đã kết thúc và để lại nhiều dư âm tốt đẹp. Bên lề Lễ tổng kết Hội thi, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại online đã có cuộc trao đổi  với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xung quanh vấn đề chất lượng giáo dục và tuyển sinh đầu cấp đang nóng dần trong thời điểm hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội (Ảnh: gdtd.vn)
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội (Ảnh: gdtd.vn)

PV: Theo quan sát, giáo viên đoạt giải cao trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học Hà Nội năm nay chủ yếu là giáo viên của các trường điểm, như vậy có phải là nét phản ánh sự chênh lệch trình độ giáo viên giữa các trường tiểu học?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Sự chênh lệch giữa giải Nhất, Nhì thực ra không phải là quá lớn. Điểm tính trung bình của 2 tiết dạy phải được 20 điểm. Giải nhất là từ 19 điểm trở lên, 18,9 điểm vẫn xếp giải Nhì nên sự chênh lệch nhất, nhì ở đây thực sự là không lớn.

Ban giám khảo Hội thi đánh giá, khoảng cách về trình độ giáo viên giữa các vùng khác nhau của Hà Nội đã dần dần được rút ngắn lại, đặc biệt là gương mặt của các giáo viên ở các trường ngoại thành cũng đã xuất sắc giành giải Nhất cùng với các giáo viên của trường điểm. Rõ ràng khoảng cách chênh lêch về trình độ giáo viên khu vực nội thành, ngoại thành đã ngày càng được rút ngắn hơn.

PV: Hiện nay đang là thời điểm "nóng" về tuyển sinh đầu cấp, Sở có chỉ đạo như thế nào để khắc phục tình trạng quá tải ở một số trường?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Tôi vẫn khẳng định, thực ra Hà Nội không thiếu trường, không thiếu chỗ học cho các cháu. Chúng tôi khẳng định, 100% các cháu đúng độ tuổi được vào học các trường tiểu học, THCS công lập.

Riêng đối tượng các cháu mẫu giáo, theo chỉ tiêu trước đây, theo chiến lược xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2010, chỉ tiêu dành cho học sinh công lập đối với mẫu giáo là 70% học công lập, còn đối với nhà trẻ là 80% học công lập. Chính vì vậy, số lượng các trường công lập hiện nay để đáp ứng nhu cầu học của các cháu là thiếu.

Tâm lý phụ huynh học sinh so sánh 2 loại hình trường, công lập và ngoài công lập. Công lập ngày càng chiếm ưu thế. Trước kia, các trường công lập phải vận động các cháu ra lớp còn bây giờ thì không. Phụ huynh tự nguyện cho con học trường công lập vì chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao do sự đầu tư và quan tâm của các cấp, các ngành đối với cấp học mầm non.

Hiện nay, Hà Nội đã có 85% các cháu được học trong các trường mầm non công lập, chỉ còn 15% các cháu học các trường ngoài công lập. Tiến đến phấn đấu sẽ có nhiều hơn nữa các cháu được học tập tại các trường công lập, Sở sẽ từng bước giải quyết vấn đề này.

Nhu cầu học tập và điều kiện của các cháu là như nhau, không có sự khác biệt về học bạ, trình độ văn hóa, địa danh,...Các cháu đều có điều kiện và cơ hội như nhau. Do hiện nay Hà Nội chưa đáp ứng được 100% chỗ học trong trường công lập cho các cháu, Vì vậy, phương thức để tuyển sinh, xin được chia sẻ với các bậc phụ huynh là các trường sẽ tổ chức bốc thăm để đảm bảo công bằng và cha mẹ các cháu sẽ không phải đến xếp hàng xin học cho con từ mờ sáng.

PV: Hiện ở các quận, huyện ngoại thành có đủ trường lớp cho các cháu học không và vấn đề trường học tại các khu công ngiệp hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Độ:
Thực chất các cháu ở ngoại thành đều có chỗ học tại các trường công lập. Quỹ đất của các trường mầm non ngoại thành khá thoải mái nên các trường có thể thành lập các điểm trường lẻ để đáp ứng 100% nhu cầu học tập của các cháu.

Tại các khu công nghiệp cũng đang từng bước xây dựng các trường mầm non công lập. Phải nói thêm rằng, theo quy hoạch và điều lệ trường mầm non, mỗi phường có 1 trường mầm non, Như vậy, xây dựng trường công lập theo địa giới hành chính nhưng khu công nghiệp là khu liên phường. Các cháu ở khu công nghiệp ở phường nào vẫn được học trường công lập ở phường đó. Vì số lượng dân cư dồn vào 1 khu vực quá đông dẫn đến tình trạng trường công lập theo địa giới hành chính không đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi đang đề nghị thành phố giành thêm quỹ đất để xây dựng thêm các trường công lập ở những khu vực này.

Về cơ bản, các cháu tiểu học, THCS tại các khu công nghiệp đều được học tại các trường công lập tại địa bàn khu công nghiệp đó đóng.

Lãnh đạo các quận, huyện đã cùng thống nhất, quyết tâm dành quỹ đất để xây dựng thêm các trường mầm non công lập tại các phường, xã còn chưa có trường. Các phường đã tiến hành giao đất để tiến hành các bước tiếp theo. Phấn đấu năm học 2012 - 2013 sẽ có ít nhất 3 trường mới được đưa vào sử dụng, tiếp nhận học sinh vào học.

Phụ huynh chen chân xếp hàng xin học cho con (Ảnh: MH - Internet)
Phụ huynh chen chân xếp hàng xin học cho con (Ảnh: MH - Internet)

PV: Hàng năm phụ huynh vẫn đổ dồn vào các trường được gọi là "trường điểm" "trường tốt" để xin cho con theo học, nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để đón đầu tình trạng này trước mỗi mùa tuyển sinh, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Chọn trường là tâm lý phù hợp với quy luật phát triển. Phụ huynh nào cũng muốn con có môi trường học tập tốt nhất. Điều này đặt ra cho ngành GD trách nhiệm phải từng bước nâng cao chất lượng đồng đều cho các trường trên toàn thành phố. Tất nhiên sự đồng đều đó chỉ là tương đối nhưng ít nhất cũng đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận học sinh.

Hiện nay tất cả các nhà trường đều rất cố gắng nỗ lực để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo nên cha mẹ học sinh có thể yên tâm rằng con em mình vào bất cứ trường nào đều được hưởng những cơ hội như nhau. Trường nào cũng có những hạt nhân giáo viên được phụ huynh đánh giá cao. Sở đang có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên.

PV: Sở có chỉ đạo gì với tình hình học sinh trái tuyến còn rất phổ biến hiện nay?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Chủ trương của Sở GD - ĐT Hà Nội là giảm trái tuyến. Vẫn là "3 tăng, 3 giảm" như vẫn làm. Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện thực tế để giao chỉ tiêu cho các trường; Cơ chế xét trái tuyến khi đã hết đúng tuyến mà còn thừa chỉ tiêu; Các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào khách quan, công bằng.

PV: Hiện tượng tiêc cực trong tuyển sinh đầu cấp đã tạo dư luận xấu trong xã hội, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Thực tế chúng tôi có Hội đồng để tuyển lựa, đánh giá chỉ tiêu một cách khách quan, minh bạch nhưng tâm lý phụ huynh thì cho rằng cần phải có quan hệ tốt để "chạy", xin học cho con nên mới gây nên dư luận không tốt.

Phương án bốc thăm hiện nay mà một số trường đang thực hiện, trước hết cho các em học sinh cơ hội như nhau vì các cháu có hộ khẩu, lý lịch như nhau, đều có quyền công dân như nhau. Tuy nhiên số lượng các cháu được vào học thì có hạn chế do cơ sở vật chất chưa đáp ứng hết nhu cầu. Chính vì vậy, các trường có thể linh hoạt trong lựa chọn hình thức tuyển học sinh đầu vào sao cho đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2012 - 2013, Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện "3 tăng, 3 giảm" để phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục.

3 tăng là: Tăng quy mô tuyển sinh; Tăng chất lượng công tác tuyển sinh; Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

3 giảm là: Giảm số lượng học sinh trái tuyến; Giảm số HS/lớp (đối với tiểu học là 35 học sinh/lớp, THCS là 45 học sinh/lớp, diện tích tối thiểu là 1,2m2/1 trẻ mầm non); Giảm quy mô nhà trường đối với những trường có quy mô quá lớn.

Bảo Minh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ