GD Nam Trung bộ và Tây nguyên phát triển vững chắc

GD Nam Trung bộ và Tây nguyên phát triển vững chắc

(GD&TĐ) - Sáng ngày 19/6, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Vùng thi đua số 4 tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua năm học 2011-2012 thuộc 10 tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên từ tỉnh Quảng Nam đến Lâm Đồng.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, Hội nghị đã đánh giá lại việc triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012, đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị

Trong năm học 2011-2012, các Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc vùng thi đua số 4 đã chỉ đạo tất cả các cấp học triển khai nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của Bộ GD&ĐT; chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng và chính quyền ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học và phát triển giáo dục – đào tạo địa phương. Đáng chú ý, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 toàn vùng là 99,4%, vào THCS là 96,6%; tổng số học sinh bỏ học toàn vùng từ tiểu học đến THPT là 19.777 học sinh, tỷ lệ 0,86%, giảm 0,3% so với năm học trước. Bên cạnh đó, toàn vùng có 1.522 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 25,3%, tăng 398 trường so với năm học trước, trong đó gồm 224 trường mầm non, tỷ lệ 12,5%; 858 trường tiểu học, tỷ lệ 38,6%; 399 trường THCS, tỷ lệ 27% và 43 trường THPT, tỷ lệ 11,7%.

Các tỉnh cũng nêu lên những khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học. Nổi lên là vấn đề cơ sở vật chất trường học toàn vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, thiếu phòng dạy học 2 buổi/ngày, thiếu phòng bộ môn, nhà công vụ, nhà vệ sinh,…. ; thiết bị dạy học, phòng học bộ môn còn hạn chế về số lượng, chất lượng và hiệu quả sử dụng. Sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội chưa thật sự đồng bộ; việc chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập vẫn còn nhiều hạn chế; chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; ở một số địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc vẫn còn có những yếu tố chưa thật vững chắc do khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh còn hạn chế, phương pháp dạy học của một số giáo viên chưa sát đối tượng, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn,...

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ các tỉnh nêu lên những vướng mắc cần được Bộ GD&ĐT tháo gỡ, giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên cho rằng: “Khi triển khai Đề án phổ cập trẻ Mẫu giáo 5 tuổi, tỉnh chúng tôi không bố trí kinh phí xây dựng phòng học Mầm non nào cả, trong khi đó Bộ yêu cầu phải mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho Đề án, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng thiết bị về nằm kho, sử dụng kém hiệu quả như đã từng xảy ra”. Ông Tá còn đề nghị nâng suất đầu tư cho giáo dục theo tỷ lệ lạm phát hàng năm, tăng mức hỗ trợ vay vốn cho học sinh sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo…...

Ông Trần Đức Minh- Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định thì đề nghị thêm: “Nên thực hiện chế độ công vụ công chức không có dành cho những nhân viên công tác tại Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học vì họ không có khoản phụ cấp nào, cộng với hệ số lương thấp. Và nên chăng công chức ở Bộ, Sở, Phòng cũng cần phải được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vì họ cũng đã từng giảng dạy; nếu không gọi họ là “nhà giáo” thì sao vẫn được công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân”.

Ngoài ra, có khá nhiều ý kiến tương đồng cũng được nêu lên, đó là: Việc tốn kém và không rõ mục đích của việc Khảo sát năng lực  đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; Bộ GD&ĐT không nên tổ chức các đợt tập huấn quá nhiều, dàn trải, ở những địa điểm không thuận lợi cho việc đi lại, gây khó khăn cho các Sở về kinh phí, thiếu người làm việc tại cơ quan; Việc chuyển công tác từ đơn vị sự nghiệp công lập – viên chức sang cơ quan nhà nước – công chức theo quy định thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ gây khó khăn, mất thời gian cho cơ sở, vì vậy nên phân cấp cho UBND tỉnh thực hiện điều này; đề nghị Bộ sớm ban hành chế độ chính sách cho học sinh bán trú cấp THPT.

Chủ tịch GDVN Trần Công Phong
Chủ tịch GDVN Trần Công Phong phát biểu tại HN

PGS.TS. Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam đánh giá cao Sở GD&ĐT các tỉnh khu vực thi đua số 4 đã dành sự quan tâm, tìm nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2011-2012 như: Huy động học sinh ra lớp, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, từng bước khắc phục bài giảng điện tử mang tính chất trình chiếu; công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các chế độ chính sách cho giáo dục của địa phương, …

Bên cạnh đó, Chủ tịch GDVN Trần Công Phong cũng đề nghị Vùng thi đua số 4 nên thống kê đầy đủ hơn về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; kết quả việc tham mưu các chính sách của địa phương có tác động thế nào đến sự nghiệp giáo dục; số liệu các cuộc vận động, quyên góp,….. Ông hứa sẽ truyền đạt những ý kiến đề xuất của Vùng để Bộ GD&ĐT có hướng giải quyết trong thời gian đến.

Thanh Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ