Gặp người thầy ở nơi cao nhất thế giới

GD&TĐ -Ngôi trường tiểu học do thầy Qimei Ciren làm hiệu trưởng có một điều hết sức đặc biệt. Nơi ngôi trường tọa lạc thậm chí còn cao hơn cả các trại căn cứ của những người chinh phục đỉnh Everest. 

Thầy Qimei Ciren và học sinh trong phòng đọc sách
Thầy Qimei Ciren và học sinh trong phòng đọc sách

Trường tiểu học ở Puma Jiangtang, Tây Tạng nằm ở độ cao cao nhất thế giới, nó cao hơn mực nước biển tới 5.373 mét, cao hơn cả 2 trạm căn cứ mà những người muốn leo lên đỉnh Everest sử dụng, nhiệt độ trung bình hàng năm ở đây cũng thấp hơn 5 độ. Điều kiện khắc nghiệt đã khiến cho những người sống ở đây khá khổ sở, bao gồm việc thiếu oxy, da đỏ và viêm khớp. Không ngạc nhiên, địa điểm của ngôi trường khiến cho hầu hết giáo viên ngại đến đây dạy học. Thế nhưng những khó khăn đó không cản được thầy Qimei Ciren, 37 tuổi. Thầy đã tới đây và trụ được hơn 5 năm, 2 năm gần đây, thầy đã trở thành hiệu trưởng của nhà trường.

Ở nơi rất ít giáo viên muốn đến

Khi được hỏi câu trên, thầy Qimei Ciren cho biết thầy đã có cơ hội ở lại làm việc ở một trường đại học hoặc làm nhà báo sau khi tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, thầy đã mơ ước trở thành giáo viên và tự nhủ sẽ không bỏ lỡ cơ hội nào xuất hiện. Thầy đã nộp đơn xin làm giáo viên và được chấp nhận.

Thầy Qimei Ciren kể rằng thầy lớn lên trong một gia đình cha mẹ đơn thân, vì gia cảnh nghèo khó thầy gần như phải bỏ học vài lần. Tuy nhiên, một thầy giáo tiểu học đã liên tục động viên khuyến khích thầy không bỏ trường lớp. Chính thầy giáo này đã khiến cho Qimei Ciren có ước mơ trở thành một giáo viên.

Vì đặc thù về địa hình nên trường luôn thiếu giáo viên trong khi tất cả học sinh đều ở lại trường. Khối lượng công việc ở đây rất nhiều và kết quả giáo dục cũng không dễ dàng mà có được. Môi trường thiếu oxy khiến cho con người rất dễ bị mất tập trung. Một số giáo viên không được tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm và có ít cơ hội được đào tạo, mặc dù hàng năm nhà trường được cấp chỉ tiêu cho giáo viên đi học. Khả năng của giáo viên ở đây cũng rất cần được cải thiện.

Mỗi học kỳ, phụ huynh cũng chỉ đến thăm con em mình được một lần vì họ sống ở những khu vực chăn thả gia súc ở cao nguyên. Những công việc như giặt quần áo, dọn dẹp nơi ở và gấp chăn màn cho học sinh, giáo viên đều phải đảm nhận.

Một ngày làm việc của thầy hiệu trưởng bắt đầu vào 7:30 sáng vào mùa hè và 9 giờ vào mùa đông vì trời quá lạnh. Sau đó thầy đánh thức học sinh và chào các em. Thầy cũng đôn đốc các em làm vệ sinh buổi sáng trước khi ăn sáng. 9 giờ tối, thầy lại kiểm tra để đảm bảo tất cả đã lên giường đi ngủ.

Những hoạt động đặc biệt ở trường

Mỗi trường học đều có những đặc điểm riêng biệt và ngôi trường ở độ cao đặc biệt này cũng không ngoại lệ. Đó là một nhà kính do chính phủ tài trợ đã được xây dựng vào năm ngoái. Hiện tại nhà trường đang sử dụng nhà kính này và biến nó trở thành một dạng lớp học. Với 2 lớp mái bao phủ, nhà kính của trường có thể cung cấp 8 loại rau tự trồng vào mùa hè. Điều này cũng giúp cho học sinh học được niềm vui trong lao động. Vào mùa đông, thầy và trò cũng thu hoạch được 3-4 loại quả ở đây.

Rau quả thu hoạch được đều cung cấp cho cả giáo viên và học sinh. Điều này rất ý nghĩa vì đó là thực phẩm xanh do chính tay thầy trò trồng được tại một nơi rất cao. Học sinh cũng được cung cấp thêm dinh dưỡng từ nhà kính này tuy rằng chưa đủ.

Nhà trường có một phòng đọc sách do một nhà hảo tâm tài trợ xây dựng. Thầy và trò đã tận dụng căn phòng này để giúp học sinh biết cách trân trọng và mở rộng chân trời tri thức. Các tối thứ 4 và thứ 5 phòng đọc sẽ mở cửa cho học sinh đọc sách. Ngoài ra, nhà trường cũng có các hoạt động ngoại khóa bao gồm viết thư pháp, vẽ và bóng đá để nuôi dưỡng sở thích của học sinh và mở rộng tầm nhìn cho các em.

Ngoài việc dạy học cơ bản, nhà trường còn đảm bảo việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng cho học sinh. Ở đây có lớp học tiếng Tây Tạng và một số môn học bao gồm Khoa học và Đạo đức được dạy bằng tiếng Tây Tạng. Khóa học tiếng Trung Quốc được dạy bằng tiếng Trung phổ thông và cả tiếng Tây Tạng.

Về giáo dục thể chất, nhà trường áp dụng theo bài tập thể thao nhi đồng phát trên sóng radio, tuy nhiên vẫn có bài tập riêng của trường. Môn học về thư pháp cũng được kết hợp trong các hoạt động ngoại khóa.

Có những lúc tưởng phải từ bỏ

Thầy hiệu trưởng cho biết cứ vào cuối tháng 12, đôi lần thầy nghĩ tới việc từ bỏ công việc. Đó là lúc ngoài trời có bão tuyết. Nhìn ra ngoài chỉ là một vùng đất trống trải, thầy nhớ gia đình và muốn từ bỏ nơi này để trở về. Nhưng cuối cùng thầy vẫn quyết tâm ở lại vì thấy nhiều giáo viên ra đi và những giáo viên ở lại có quá nhiều việc phải làm. “Chính tôi cũng đã do dự việc ra đi nhưng nếu tôi đi thì sau này liệu nhà trường có thể giữ chân các giáo viên yêu học sinh như tôi không? Tôi ở lại vì lo lắng điều này” – thầy hiệu trưởng nói.

Do một số yếu tố, bao gồm vị trí địa lý, thời tiết khắc nghiệt nên các nhà chức trách đã quyết định nhà trường sẽ sáp nhập với một trường tiểu học ở hạt Nagarze trong năm nay nhằm giúp cho việc giảng dạy và học tập của thầy trò được tốt hơn. Trường sẽ chuyển đi khi những tòa nhà mới được xây xong.

Ngôi trường nằm trên cao nguyên Qinghai, Tây Tạng, thuộc vùng khí hậu lạnh và độ cao trung bình của nó vẫn cao hơn so với các vùng lạnh khác, đạt tới 5.373 mét. Do vậy khí oxy cũng ít hơn 40% so với ở mực nước biển. Vì không khí rất mỏng, tình trạng thiếu oxy có thể tấn công các cơ quan nội tạng của con người, bao gồm cả não và con người cũng già đi nhanh hơn. Ở đây có 10 tháng mùa đông và chỉ có 2 tháng mùa hè nhưng có khi cũng có tuyết rơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian