Gắp mảnh ớt 2cm "bỏ quên" trong phế quản của cụ ông thích ăn ớt

GD&TĐ - Một trường hợp hy hữu tại chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, nam bệnh nhân 62 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định vừa được các bác sĩ gắp thành công mảnh ớt ở phế quản thùy dưới phổi phải.

Ảnh: BVĐK Quốc tế Hải Phòng.
Ảnh: BVĐK Quốc tế Hải Phòng.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã gặp một ca khá hy hữu khi dị vật là mảnh ớt ở phế quản thùy dưới phổi phải được phát hiện và gắp thành công cho nam bệnh nhân, 62 tuổi ở Ý Yên, Nam Định.

Bệnh nhân có tiền sử ho khạc đờm, khó thở nhiều đợt trong năm. Đợt này, biểu hiện khó thở, đờm đặc xanh, tức ngực phải, bệnh nhân đã điều trị kháng sinh, thuốc giãn phế quản tại tuyến huyện nhưng không đỡ. 

Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử hay ăn ớt và sặc nhiều lần. Lần gần nhất bị sặc cách đây hơn 1 tháng, bệnh nhân được đưa đến khám tại chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng.

Qua thăm khám, phổi bệnh nhân có rên rít 2 bên, rên ngáy, đặc biệt đáy phổi phải có rên ẩm. Chụp CTscan ngực có hình ảnh đông đặc thùy dưới phổi phải. Bác sĩ nhận định, dị vật đã gây tổn thương - viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm và viêm mủ phế quản thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân được bác sĩ tiến hành nội soi phế quản và phát hiện dị vật tại phế quản phân thùy 9 phổi phải. Sau khi được các bác sĩ gắp dị vật thành công là một mảnh ớt dài 2cm, bệnh nhân đã đỡ ho, đỡ khó thở, hết đờm đặc xanh, được chăm sóc, theo dõi và xuất viện sau 1 tuần.

BSCKII Lê Thị Trâm – Trưởng Đơn nguyên Chăm sóc toàn diện thăm khám, kiểm tra lại cho bệnh nhân. Ảnh: BVĐK Quốc tế Hải Phòng.
BSCKII Lê Thị Trâm – Trưởng Đơn nguyên Chăm sóc toàn diện thăm khám, kiểm tra lại cho bệnh nhân. Ảnh: BVĐK Quốc tế Hải Phòng.

Theo bác sĩ Lê Thị Trâm, trên nền bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các biểu hiện của dị vật "bỏ quên" rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh nền như: ho dai dẳng, khó thở, tức ngực… nhất là khi các triệu chứng xâm nhập của dị vật không rõ ràng, chỉ được phát hiện qua những "triệu chứng vay mượn" của bệnh lý khác.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, dị vật đường thở rất đa dạng, nhằm sớm phát hiện các nguy cơ dị vật đường thở, mọi người nếu ho nhiều, khó thở, khi có phản xa sặc cần đến khám, tư vấn bởi các chuyên gia hô hấp và có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán và gắp loại bỏ dị vật đường thở kịp thời, càng sớm càng tốt để tránh biến chứng lâu dài.

Trước đó, tương tự trường hợp hy hữu trên, một trường hợp bệnh nhân Đ.B.B sinh năm 1953 quê ở Hải Dương nhập viện sau hóc xương gà trong phế quản gốc trái vào hồi tháng 9 vừa qua.

Khi bị hóc xương, bệnh nhân có các triệu chứng khó thở, ho, đau tức ngực. Lúc này, bệnh nhân cố khạc nhưng không ra được, khi xuất hiện các triệu chứng, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện dị vật cản quản trong lòng phế quản gốc trái.

Sau đó được chuyển tuyến đến Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai để xét nội soi phê quản can thiệp lấy dị vật.

Ảnh: BV Bạch Mai.
Ảnh: BV Bạch Mai.

Với sự tham gia của ekip nội soi can thiệp tại Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã được tiến hành nội soi phế quản ống cứng, lấy dị vật trong phế quản gốc trái.

Ekip nội soi của Trung tâm Hô hấp đã thực hiện can thiệp thuận lợi và thành công. Sau thủ thuật, bệnh nhân nhịn ăn 4-6h, truyền dịch, kháng sinh và theo dõi chặt chẽ phòng các biến chứng thứ phát. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên để phòng tránh dị vật đường hô hấp:

- Không cười đùa nói chuyện khi ăn, cần chú ý phải nhai kỹ để không bị hóc các dị vật như xương gà,

xương cá, xương heo…

- Khi có dấu hiệu khó nuốt, khó thở cần phải đến bệnh viện ngay để điều trị sớm, tránh các biến chứng

có thể xảy ra như: áp xe, dò vào trung thất, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi…

- Khi bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt

đối không nên tự ý xử trí tại nhà khi hóc dị vật, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

- Cần chú ý phòng tránh ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như: bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt,

bệnh nhân có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người giả, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.