Gập ghềnh hộ chiếu vắc-xin

GD&TĐ - Singapore vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công nhận hộ chiếu vắc-xin và sẽ đón du khách nước ngoài có loại thẻ điện tử xác nhận xét nghiệm âm tính và tiêm phòng Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6/4 ra tuyên bố khẳng định không ủng hộ hộ chiếu vắc-xin

Thông báo của Cơ quan quản lý Hàng không Singapore về công nhận hộ chiếu vắc-xin hôm 5/4 được coi như phát súng báo hiệu cho một giai đoạn mới của ngành hàng không thế giới.

Đây thực chất là thẻ thông hành điện tử do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, trong đó chứa các thông tin về xét nghiệm âm tính và tiêm vắc-xin. Theo thủ tục, du khách sẽ xuất trình loại thẻ này bằng điện thoại thông minh trước khi nhập cảnh vào Singapore.

Singapore Airlines cũng là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới hoàn tất quá trình thử nghiệm thành công loại thẻ thông hành nói trên và đang sẵn sàng đưa vào khai thác chính thức kể từ đầu tháng 5 tới. Hiện một loạt hãng hàng không lớn khác trên thế giới như Malaysia Airlines và các hãng ở khu vực Trung Đông gồm Emirates và Qatar Airways cũng đang thử nghiệm áp dụng hộ chiếu vắc-xin cho du khách.

Covid-19 tại Singapore đang được kiểm soát tốt với rất ít ca nhiễm kể từ đầu năm, trong đó các công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong chống dịch. Quốc đảo Sư tử đang kỳ vọng việc công nhận hộ chiếu vắc-xin cũng như tình hình chống dịch khả quan sẽ giúp họ trở thành quốc gia đầu tiên có thể tái mở cửa cho các sự kiện quốc tế quy mô lớn.

Tổ chức IATA ca ngợi quyết định của Singapore về sử dụng thẻ thông hành điện tử nói trên và hy vọng đây sẽ là hình mẫu cho toàn cầu. Trong khi đó, WHO hôm 6/4 tuyên bố họ không ủng hộ đề xuất áp dụng hộ chiếc vắc-xin để cho phép người dân được đi du lịch nước ngoài, với lý do hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học cũng như lo ngại vấn đề phân biệt đối xử.

Phát ngôn viên của WHO Margaret Harris cho biết, tổ chức này không thể khẳng định liệu những người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể đảm bảo không làm lây lan virus hay không. Nguy cơ gây ra sự mất công bằng giữa những người đã được tiêm và chưa được tiêm chủng cũng khiến WHO phản đối sử dụng hộ chiếu vắc-xin như giấy thông hành quốc tế.

Ngay tại Mỹ, quốc gia có khoảng 30% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi ngừa Covid-19 cũng đang tranh cãi về vấn đề áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Bang California đang dự kiến cho phép những người có giấy chứng nhận tiêm phòng sẽ được tham dự các hoạt động công cộng từ tuần tới, một hình thức công nhận hộ chiếu vắc-xin trên diện hẹp. Trong khi đó, bang Florida lại ra tuyên bố cấm áp dụng hộ chiếu vắc-xin vì các nghị sĩ bang này cho rằng đây là sự xâm phạm quyền riêng tư.

Nhiều quốc gia khác đang kỳ vọng hộ chiếu vắc-xin sẽ là giải pháp hữu hiệu để tái mở cửa ngành du lịch vốn bị đóng băng suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, việc thống nhất các tiêu chí áp dụng cũng như phải thừa nhận các loại vắc-xin của nhau đang là rào cản để các nước có thể cùng áp dụng hộ chiếu
vắc-xin trên diện rộng. 

Trong khi đó, tình hình đại dịch trên toàn cầu vẫn đang diễn biến nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Hôm 6/4, thế giới đã chứng kiến một cột mốc đau buồn khi có 3 triệu người tử vong vì Covid-19 kể từ đầu dịch và đại dịch đang bùng phát mạnh trở lại tại hai ổ dịch toàn cầu là Brazil và Ấn Độ.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ