Gánh nợ hơn 1 tỉ đồng cho bố, nữ sinh 20 tuổi nói "muốn chết không được"

Gia đình rơi vào cảnh nợ nần nhưng bố không chuyên tâm làm việc mà suốt ngày nhậu nhẹt, hát hò và dính vào gái gú, Mai cảm thấy bế tắc đến mức nhiều lần muốn tìm đến cái chết.

Gánh nợ hơn 1 tỉ đồng cho bố, nữ sinh 20 tuổi nói "muốn chết không được"

Ông Thái nuôi mộng làm chủ nhưng nhiều lần bị lừa đảo và trở nên sa ngã sau khi vợ mất 11 năm trước để rồi ngày càng nợ nần chồng chất.

Đã thế, ông Thái còn gia trưởng, không chịu bỏ công việc hiện tại theo lời khuyên của cả gia đình nên nợ càng thêm nợ.

Dù đã bán ruộng, bán đất, cắm sổ đỏ nhà nhưng đến khi con gái lớn lên năm 3 đại học, số nợ không thuyên giảm mà đã hơn 1 tỉ đồng.

Mai, con gái lớn của ông Thái, từng có suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cố gắng học thật tốt rồi hai bố con cùng nhau kiếm tiền trả nợ dần dần trong mấy năm sẽ hết. Thế nhưng đến giờ, Mai biết rằng đó là chuyện xa vời khi bố suốt ngày nhậu nhẹt, hát karaoke, dính vào gái gú, không chuyên tâm làm việc, có ít tiền lại ăn tiêu hết.

Đi làm thêm không được bao nhiêu tiền và chỉ còn 1 triệu để tiêu đến cuối tháng nhưng mới đây bố lại gọi điện vay 500 ngàn khiến Mai lo sợ, cảm thấy bế tắc. Nữ sinh viên năm 3 nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử nhưng phải dập tắt ngay ý định đó vì biết mình chính là niềm hi vọng duy nhất của gia đình lúc này.

Đăng tâm sự buồn lên fanpage hơn 2,2 triệu like, Mai nhận được nhiều lời khuyên và sự đồng cảm từ dân mạng:

Thật sự bây giờ em đang rất bế tắc anh chị ạ! Em chẳng biết phải làm sao với hiện thực quá đau khổ này nữa.

Sự việc bắt đầu từ 11 năm về trước, khi mẹ em mất, bố em bắt đầu sa ngã, cờ bạc, rượu chè. Bố nuôi trong mình giấc mộng thành ông chủ lớn (em không tiện kể công việc của bố em) nhưng nhiều lần bị người ta lừa, tiền bạc trong nhà cứ thế ra đi, bán ruộng, bán đất, cắm sổ đỏ gia đình, vay nặng lãi rồi lãi lớn chồng lãi bé. Gia đình cứ như thế sống trong 11 năm qua.

Nghèo đói, khổ cực lắm anh chị à! Làm gì cũng phải tiêu hà tiện, bất kể số tiền nào tụi em kiếm ra được, bố lại vay để tiêu hết. Anh chị cũng biết, kinh tế khó khăn là gia đình thế nào rồi đấy. Bố em có lấy vợ hai, cả nhà chúng em ở chung với bà. Hai vợ chồng suốt ngày cãi nhau vì tiền bạc, cãi nhau luôn cả với bà.

Khi còn bé, cứ đơn giản nghĩ rằng mình chỉ cần cố gắng học thật tốt, tương lai sẽ kiếm ra nhiều tiền trả nợ, rồi 2 bố con cùng nhau kiếm tiền trả nợ dần dần trong mấy năm sẽ hết. 

Thế nhưng đến bây giờ, khi em đã là sinh viên năm 3 thì số nợ ấy không những không thuyên giảm mà đã lên đến hơn 1 tỉ. Cả gia đình ai cũng khuyên bố bỏ việc đó đi, làm công nhân cũng được, lái xe cũng được để trả nợ dần dần còn hơn là theo việc này, nợ càng thêm nợ. Song, bố em cứng đầu, gia trưởng lắm, nhất quyết không nghe theo ai, cứ một mình quyết định.

Trong mọi chuyện gia đình cũng thế, bố em là nhất, bố em đã quyết định thì không ai khuyên ngăn được. Em sợ bố lắm, sợ những lời mắng chửi thậm tệ đau đến xé lòng của bố.

Mỗi khi có cuộc điện thoại bố gọi đến, em không vui mừng như các bạn khác vì nghĩ bố gọi điện hỏi thăm, mà em rất sợ rằng bố gọi điện, nhà lại có chuyện gì xảy ra, bố lại kêu mình vay mượn tiền cho ông, hay lại định mắng nhiếc gì mình.

Em vừa buồn, vừa thất vọng, vừa giận bố nhưng cũng vừa thương bố. Bố em tuy gia trưởng, đáng sợ là vậy, nhưng bất kể khi nào em cần tiền đóng học, bố sẽ cố gắng bằng mọi cách đáp ứng cho em và cả mấy chị em trong nhà.

Dạo này, nhìn gia đình suy sụp như vậy, tiền ăn tiền tiêu không có, em thương bà, thương hai đứa em phải sống trong cảnh thiếu thốn, trong cảnh mà bố mẹ suốt ngày cãi nhau, đánh chửi nhau.

Vừa nãy, bố vừa gọi cho em, nói rằng biết em đi làm có tiền, bảo em chuyển khoản cho bố 500 ngàn, mấy nữa sẽ đưa lại cho em.

Em cũng đi làm, cũng tự lo được tiền ăn uống cho bản thân và dành dụm để mua đồ này đồ khác cần thiết, hay sắm đồ cho bà và hai em. Đến giờ, em còn 1 triệu là tiền tiêu từ giờ đến cuối tháng.

Em định là cuối tuần sẽ về quê, dắt 2 đứa nhỏ đi mua quần áo đông, còn mình sẽ giữ lại tầm 300 hay 400 ngàn tiêu nốt 2 tuần. Chỉ cần nghĩ đến cảnh 2 đứa nhỏ có quần áo mới, mình giúp chút ít được việc tiền nong trong gia đình là em vui lắm rồi. Em không quan tâm mình thiếu thốn như nào, nhưng không muốn để hai đứa em phải khổ như em nữa. 

Vậy mà bố em lại gọi điện vay như vậy, được một lần rồi sẽ có nhiều lần sau...

Dạo gần đây, thấy mẹ kế em bảo, bố suốt ngày rượu chè, nhậu nhẹt, karaoke, gái gú, không chuyên tâm làm việc làm em đau xé lòng.

Cứ thế này, bao giờ nhà em mới trả được hết nợ? Em định bụng rằng mình sẽ thật cố gắng sau khi ra trường, trả hết nợ cho bố, xây một căn nhà thật to, thật đẹp cho bà và các em. Bố em luôn sa ngã và tính cách như vậy thì đến bao giờ giấc mơ kia của em thành sự thật, hay cứ có xíu tiền là bố lại ăn tiêu hết?

Nghĩ đến gia đình, thương mọi người, em lại khóc lại đau, nước mắt luôn trực trào, làm gì cũng không được. Đã mấy lần trong đầu em thoáng qua chữ "chết" nhưng dập tắt ngay vì biết em chính là niềm hi vọng duy nhất của gia đình lúc này. Em phải cố gắng nhiều hơn. Thế nhưng, em chẳng thể lấy lại tinh thần,chẳng thể vui vẻ, chẳng thể làm gì hết.

Cũng mấy tháng rồi, ngày nào em cũng lo sợ, cũng khóc, cứ nghĩ ngợi đau khổ như này, em stress và trầm cảm mất. Em không biết phải làm sao bây giờ? Biết là cố gắng vượt qua, em đã cố học tập, làm việc rất nhiều, nhưng mỗi khi em gái gọi điện báo nhà có chuyện hay khi về lại thấy ngôi nhà lạnh lẽo không tiếng cười ấy thì em lại bị xuống tinh thần rất nhiều.

Mai cảm thấy lo sợ, đau khổ khi phải gánh nợ 1,1 tỉ trong khi bố không chuyên tâm làm việc mà ăn chơi, sa ngã.

Sau khi đọc tâm sự trên, nhiều người cảm thấy may mắn vì không rơi vào cảnh nợ nần như gia đình Mai. Trong khi vài người từng nợ số tiến lớn khuyên Mai phải mạnh mẽ lên, cố gắng học và làm việc, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quý báu cho cô để thoát nợ.

Bên cạnh đó, một số người khuyên Mai nên nói chuyện thẳng thắn với bố để ông thay đổi tính tình, đừng ăn chơi và làm khổ gia đình nữa, nếu không việc trả nợ sẽ bất khả thi.

“Cố gắng lên em. 20 tuổi còn rất trẻ và cơ hội cho em còn rất nhiều phía trước. Dù chắc chắn em sẽ phải hi sinh một quãng thời gian thanh xuân có thể là rất dài, hoặc là sẽ mất đi một vài những mối quan hệ em muốn có trong lúc này, để làm việc cật lực kiếm tiền trả số nợ đó.

Anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng với con số gấp x lần. Sau khi đã xong nợ, anh ngẫm ra rằng khó khăn nhất chính là lúc mà phải vượt qua vũng lầy của tâm lý, chỉ cần sớm lấy lại tinh thần thì em sẽ mau thành công thôi. Cố gắng lên nhé!”;

“Nhà mình cũng từng mang nợ nhưng ít hơn bạn. Lúc đó mình đã quyết tâm đi du học Pháp, tiền ba mẹ dành dụm không đủ nên tiếp tục vay thêm ở ngân hàng vì nhà có miếng đất nông nghiệp.

Ngày tôi đi, nợ cũng đã nhiều, nhưng sang Pháp, tôi vừa đi học vừa đi làm thêm, rất vất vả nhưng tự nuôi được bản thân, còn giúp được gia đình trả nợ dần. Bên đấy có nhiều trợ cấp xã hội nên cuộc sống không đắt đỏ, đi làm lại được nhiều tiền, tiết kiệm được nhiều.

Bây giờ tuy vẫn chưa học xong nhưng mình có thể mua cái này cái nọ cho cả nhà, cuộc sống thoải mái hơn. Mình thấy đúng đắn vì đã liều đi du học lúc đó nhưng mình nghĩ, ở Việt Nam dù làm thêm nai lưng cũng chỉ đủ nuôi miệng ăn thôi.

Đó trường hợp của mình. Nói ra không phải xúi bạn đi học như mình mà bạn còn có thể đi xuất khẩu lao động, hoặc học master ở Pháp. Nếu muốn thoát cảnh nợ nần một cách chính đáng thì chỉ có lao động thôi bạn ạ! Chúc bạn sớm thành công!”;

“Phải cố thì mới trả được nợ, không cố thì cái gánh nặng ấy sẽ chuyển tiếp đến hai đứa em đấy. Cuộc sống bắt buộc bạn phải cố, cố nữa. Cố học, cố tích lũy kinh nghiệm, cố làm, rồi sẽ ổn hết”;

“Việc của em lúc này là làm lụng và kiếm một người kéo em ra khỏi những bế tắc. Bố hỏi vay mượn vài trăm có thì giúp, không có thì nói thẳng, bảo bây giờ con còn đúng 500 ngàn để mấy hôm nữa về quê và ăn dè sẻn tới tận cuối tháng. Nếu bố cần quá, con sẵn sàng đưa cho bố và con chấp nhận ăn mì tôm qua ngày”.

“Em thực sự muốn quyết tâm thay đổi bố em thì nghe lời anh. Mua 1 chai rượu về gọi bố em vào. Trước mặt bố, em tu hết nửa chai cho anh. Nói với bố em: Từ nay con không muốn thấy bố rượu chè, cờ bạc và gái gú nữa, bố lo làm ăn trả nợ cho con. Một là bố thay đổi, hai là bố mất con. Như vậy, bố em mới thấm. Nếu bố em còn tiếp diễn coi như vứt đi, khỏi khuyên can”.

Theo Motthegioi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.